Đồng loạt ra quân tiêu huỷ gia cầm

Hôm qua 15/11, cả hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM đều đồng loạt ra quân tiêu hủy gia cầm trên địa bàn. Tại TPHCM các đoàn kiểm tra liên ngành đã mở đợt tổng kiểm tra việc chấp hành lệnh ngừng chăn nuôi và hoạt động giết mổ gia cầm; còn tại Hà Nội là chiến dịch thu gom và tiêu huỷ gia cầm.

Đợt ra quân của hai thành phố lớn nhìn chung đều nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

 

Hà Nội: Ra quân đồng loạt

 

Ngay từ sáng sớm ngày 15/11, các đoàn công tác từ 13 phường trên địa bàn quận Long Biên đồng loạt ra quân tiến hành thu gom, tiêu huỷ số gia cầm còn lại tại các hộ chăn nuôi của người dân. Ông Sáng - một chủ chăn nuôi gia cầm lớn nhất ở phường Phúc Lợi với gần 2.000 con ngan giống, hơn 300 con gà và 900 con vịt - không giấu được nỗi buồn bã khi đội công tác tới nhà. Tuy vậy, ông vẫn cùng với các thành viên tổ công tác tự tay đi thu gom gà, ngan, vịt trong chuồng cho vào bao tải chất lên xe.

 

Theo bà Lê Thị Thịnh - Đội trưởng Đội thú y của quận Long Biên thì chỉ tính riêng trong buổi sáng ngày 15/11, toàn quận đã tiêu huỷ hơn 85.000 con gia cầm các loại.

 

Tại sân trụ sở phường Bưởi (quận Tây Hồ), nơi có chợ chim cảnh lớn nhất thủ đô, buổi sáng 15/11 cũng hết sức nhộn nhịp. Hai tổ công tác, mỗi tổ 10 người được chia ra để đến từng nhà người dân vận động, thu gom chim cảnh, gia cầm. Trước đó, do làm tốt công tác tuyên truyền, nên chợ chim cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám đã được xử lý triệt để, giờ chỉ còn trơ lại những chiếc lồng trống không.

 

Phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) những ngày qua thực sự là tâm điểm của dư luận, bởi nơi đây có trường hợp đầu tiên bị tử vong vì cúm H5N1 trong đợt dịch cúm gia cầm lần này. Ông Chủ tịch phường Nguyễn Huy Hài cũng phải chịu sức ép không nhỏ từ phía dư luận, khi bị chỉ trích rằng không sớm thông báo một cách rõ ràng cho người dân ở trên địa bàn phường về trường hợp của anh H (người bị tử vong).

 

Thế nhưng, ông Hài cũng có nỗi khổ tâm riêng. Ông bảo, phường chỉ là đơn vị quản lý, còn kết quả chẩn đoán, xét nghiệm về trường hợp của anh H là do cơ quan chức năng thực hiện mà cơ quan chức năng có gửi kết quả xét nghiệm cho phường đâu mà phường biết được. Đến bản thân ông cũng chỉ được biết anh H dương tính với cúm H5N1 qua báo, qua TV mà thôi. Điều ông mừng nhất là cho tới nay, tất cả các thành viên trong gia đình anh H đều khoẻ mạnh và kết quả xét nghiệm đều thể hiện âm tính với virus H5N1.

 

Trong những ngày qua, ông đã yêu cầu thống kê toàn bộ số chim, gà còn trên địa bàn để tiến hành tiêu huỷ. Ngoài ra, việc phun thuốc tiêu độc khử trùng cũng được thực hiện thường xuyên.

 

TPHCM: nhiều chính sách hỗ trợ

 

Theo bà Trần Thị Kim Châu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, kiểm tra ban đầu cho thấy phần lớn các cơ sở chăn nuôi - giết mổ chấp hành tốt chủ trương của UBND TP, tuy nhiên vẫn còn một số hộ lén lút hoạt động.

 

Đặc biệt, trưa 15/11, đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã phát hiện kho chứa trứng gia cầm các loại với số lượng trứng lên đến hơn 300.000 trứng tại cửa hàng kinh doanh trứng gia cầm số 23/16C Trần Não và hộ gia đình số 39/4 Lương Định Của, quận 2. Tại đây, một lượng lớn trứng gia cầm thậm chí đã bị bốc mùi. Qua đối chiếu hồ sơ, chứng từ với tình hình thực tế,  lực lượng kiểm tra đã quyết định tiêu huỷ 106.720 trứng gia cầm các loại chưa được sự kiểm dịch của cơ quan thú y.

 

Ông Huỳnh Hữu Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, tính đến ngày 15/11, các DN mới thực hiện thu mua được khoảng 110.000 con, so với kế hoạch 300.000 con. Nguyên nhân do thiết bị trữ đông của Cty Huỳnh Gia Huynh Đệ bị hỏng, phải tìm kho khác thay thế. Chi cục Thú y đã đề nghị UBND TPHCM gia hạn thêm 2 ngày để thu mua hết số gà tại các trại. Đến 19.11, UBND TP sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra đi các quận, huyện kiểm tra.

 

Chiều 15/11, Sở Thương mại, Sở NNPTNT, Sở Tài chính đã họp bàn, đề xuất chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi, giết mổ sau khi ngừng hoạt động. Dự kiến, sau khi những hộ kinh doanh giết mổ ngừng hoạt động, các hộ này có thể liên kết với 3 lò giết mổ tập trung của TP (Phú An Sinh, Huỳnh Gia Huynh Đệ, An Nhơn) về mặt bằng, lực lượng lao động... với sự quản lý đầu mối của 3 điểm đầu mối. UBND các quận, huyện sẽ thống kê danh sách những hộ kinh doanh giết mổ, chăn nuôi gia cầm cùng với nguyện vọng chuyển đổi ngành nghề, chuyển đến Sở LĐTBXH có hướng giải quyết, hỗ trợ. Mặt khác, Sở Tài chính đang đề xuất UBND TPHCM các chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, tiêu huỷ, người lao động...

 

Theo Lao Động