Hà Nội:
Đóng lò mổ Thịnh Liệt, lò tự phát ra sức hoành hành
(Dân trí) - Một tuần sau quyết định đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, các lò mổ tự phát đã nở rộ khắp các làng, xã ở ngoại thành Hà Nội. Trong 26 hộ kinh doanh giết mổ tại Thịnh Liệt chỉ 3 hộ chuyển đến nơi mới. Số còn lại lui vào mổ chui hoặc tạm ngừng.
Với lý do lò mổ Minh Hiền quá xa các chợ trung tâm (cách lò mổ Thịnh Liệt khoảng 30km) nên chỉ có 3/26 hộ giết mổ tại lò Thịnh Liệt chuyển đến “nhà mới”. Số đông còn lại lui về mổ chui tại các làng xã phía Nam Hà Nội hoặc tạm ngừng giết mổ. Chính điều này tạo điều kiện cho những lò mổ tự phát hoành hành khắp các làng, xã ở ngoại thành.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Theo chân một nhóm tiểu thương đi lấy thịt, lòng lợn xuôi hướng quốc lộ 1A khoảng 8km, chúng tôi xuống xã Ngọc Hồi (Thanh Trì). Những hình ảnh đập vào mắt khiến chúng tôi liên tưởng tới việc “đại công xưởng” thịt lợn này đang làm nhiệm vụ quan trọng là hoạt động hết công suất để bù lại lượng thịt lợn bị thiếu hụt do lò mổ Thịnh Liệt bị đóng cửa.
“Mấy ngày nay, cả xã Ngọc Hồi xuất hiện tình trạng người người, nhà nhà mổ lợn. Một loạt lò mổ cả cũ lẫn mới như Hà, Tân, Thanh Thảo, Mai Điêu… mỗi ngày “hóa kiếp” từ 400-500 con lợn. Ô tô, xe máy chở lợn ra vào nườm nượp ngày đêm khiến chúng tôi khốn khổ”, một người dân ở đội Tám, Ngọc Hồi cho biết.
“Mỗi ngày, nhà tôi bán hàng tạ thịt. Từ khi đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, cả nhà phải tỏa đi khắp nơi, ngoài cử người túc trực ngày đêm ở Ngọc Hồi, chồng con tôi còn phải chạy khắp các lò từ Văn Giang, Hưng Yên đến Đồng Văn, Hà Nam gom hàng. Chi phí quá lớn cho mỗi kg thịt trước khi về đến chợ nên bán hàng cả tuần nay coi như công không”, chị Hoàng Thị M. một thiểu thương ở chợ Hoàng Văn Thái than.
Gần 4h sáng, chúng tôi sang lò mổ Thanh Thảo. Cảnh tượng cũng nhộn nhịp không kém. Một đồ tể vừa kéo con lợn ra khỏi chuồng đã dùng búa tạ nện một phát chí mạng vào đầu khiến con lợn nằm thẳng cẳng. “Đập lợn chết trước khi bị chọc tiết để nó khỏi kêu, ảnh hưởng đến hàng xóm”, anh này giải thích.
Theo các tiểu thương ở lò này, mấy ngày nay có quá đông người đổ về Ngọc Hồi lấy thịt lợn, chủ lò không đáp ứng đủ nên các hộ phải mua lợn hơi ngay trong chuồng rồi tự tay chọc tiết, cạo lông… Tình trạng “chặt chém” bắt đầu diễn ra, ai may mắn thuê được đồ tể cũng phải chi thêm 35.000 đồng/con. Chưa hết, một số chủ lò tự ý tăng giá thịt lợn hơi khi bán cho tiểu thương ngay tại cửa chuồng.
Vô tư “hành dân”, không có kiểm dịch
Mạnh ai nấy làm nên nước thải từ các lò mổ đều đổ trực tiếp xuống cống rãnh của thôn, xóm. Lò mổ ven làng thì xả thải trực tiếp ra cánh đồng. Nhiều tiểu thương sau khi tự làm xong con lợn của mình còn để mặc cả đống phân, lông, mỡ lợn nằm chềnh ềnh ở giữa đường. “Làm thế này chắc chỉ vài hôm là xã cấm mổ lợn thôi. Ai mà chịu được mãi cảnh bẩn thỉu thế này”, một tiểu thương lo lắng.
Chiều ngày 6/12, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, yêu cầu các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên; huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y theo đúng các quy định của pháp luật và của TP. Kiên quyết chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vi phạm quy định môi trường. |