1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Đồng hồ đếm ngược về “nghìn năm” sẽ tồn tại đến... 2017

Được biết đến với “nhiệm vụ chính” là đếm ngược thời gian hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng “chiếc đồng hồ” thực chất là một bảng LED điện tử lớn vừa được chính thức duyệt cho phép tồn tại đến hết năm... 2017!

Ngay tên của dự án đầu tư, xây dựng, lắp đặt và vận hành tấm bảng LED này đã nói lên nội dung chủ chốt của nó: “Đồng hồ đếm ngược thời gian tiến tới ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

 

Bắt đầu đếm từ khi còn tròn 1.000 ngày là tới lễ mừng Thủ đô nghìn năm, chiếc đồng hồ đếm ngược tọa lạc trên vườn hoa Đền Bà Kiệu ven hồ Gươm linh thiêng được thực hiện theo phương thức xã hội hóa 100% (vốn của 3 đồng chủ đầu tư). Tổng mức đầu tư ban đầu được đưa ra gần 16,2 tỉ đồng chưa kể chi phí vận hành, bảo dưỡng.

 

Tuy nhiên, sau gần 2 năm hoạt động, đến cuối tháng 12/2009 vừa qua, “công trình” này mới vừa chính thức được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương và một số nội dung chủ yếu của dự án.

 

Theo đó, ngoài chức năng hoạt động chính như là một chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian (kể trên), bảng điện tử LED được cho là có chất lượng cao này còn có mục tiêu tuyên truyền, quảng bá các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội... phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành phố Hà Nội.
 
Đồng hồ đếm ngược về “nghìn năm” sẽ tồn tại đến... 2017 - 1
Chiếc đồng hồ (bảng LED điện tử góc trái ảnh) này sẽ còn tồn tại thêm 7 năm sau Đại lễ của Thủ đô

 

Lãnh đạo Thủ đô phê duyệt thời gian kết thúc của dự án “đồng hồ đếm ngược” này là hết năm 2017, chia làm 2 giai đoạn: từ tháng 12/2009 (thời điểm phê duyệt chủ trương) đến hết ngày 10/10/2010 (dịp Đại lễ nghìn năm) thì 75% thời gian trong ngày “chiếc đồng hồ” có nhiệm vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của thành phố, 25% thời lượng còn lại dành cho quảng cáo; từ 11/10/2010 đến hết 31/12/2017 “chiếc đồng hồ” hoạt động theo Qui chế quản lý hoạt động quảng cáo của Hà Nội, song song vẫn tuyên truyền chủ trương, chính sách, các sự kiện chính trị và ngày lễ lớn.

 

Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát về tỉ lệ giữa thời lượng tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và quảng cáo thương mại (do chủ đầu tư điều khiển) là Sở VH-TT&DL Hà Nội. Sở này cũng chính là cơ quan cung cấp các thông tin tuyên truyền, quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố để nhà đầu tư đưa lên “đồng hồ đếm ngược”.

 

Như vậy, “đồng hồ đếm ngược” tại vườn hoa Đền Bà Kiệu sẽ chỉ đếm ngược trong khoảng 1/3 thời gian tồn tại được phép của nó. Sau đó, nó sẽ chỉ như một bảng quảng cáo tấm lớn có thể nói là vị trí đẹp nhất Hà Nội, là niềm mơ ước của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, nhất là khi quy chế của Thủ đô vừa ban hành năm trước cấm hoàn toàn việc quảng cáo tấm lớn trong khu vực phố cổ.

 

Theo Hoàng Huy

 Vietnamnet