1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Động đất: Không còn là chuyện của... thiên hạ

Đến chiều tối qua, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 8 đợt dư chấn của trận động đất xảy ra chiều 16/5 tại phía tây bắc Lào. Dư chấn mạnh nhất đo được đạt đến 4,5 độ richter và Viện Vật lý địa cầu cho rằng, các dư chấn của trận động đất này còn có thể xuất hiện trong 6 tháng nữa, thậm chí có thể kéo dài hàng năm.

>> Hà Nội: Nhiều cao ốc hoảng loạn vì động đất

 

>> Điện Biên: Động đất mạnh 6,1 độ Richter

 

>> Lào: Động đất mạnh gây dư chấn tại Việt Nam, Thái Lan

 

Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) cho biết, các dư chấn của trận động đất tại Lào xuất hiện theo quy luật giảm dần về năng lượng và thưa dần về thời gian. “Nhiều khả năng sẽ còn các dư chấn của trận động đất này trong vòng 6 tháng tới song vào lúc nào và ở đâu là không thể xác định được” - cũng theo Viện trưởng Thuỷ, các dư chấn thông thường sẽ nhẹ hơn một cấp so với trận động đất 6,1 độ richter và càng về sau càng yếu dần.

 

Do đó đến thời điểm này, Viện Vật lý địa cầu có thể khẳng định, những dư chấn động đất tại Lào không còn khả năng đe doạ tới con người và nhà cửa.

 

Mặc dù lịch sử hơn 100 năm qua đã ghi nhận ở nước ta có tới 5 - 6 trận động đất lớn (chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc), nhưng nhận thức của không ít nhà quản lý, đặc biệt là của người dân vẫn coi động đất là chuyện của... thiên hạ (rằng nó ở tận Nhật Bản, Indonesia, Châu Mỹ...).

 

Tuy nhiên, thực tế và những nghiên cứu gần đây cho thấy, Hà Nội và một số địa phương phía bắc, động đất được dự báo ở cấp 7, cấp 8. Bởi thế, việc phòng, chống (chủ yếu là phòng) các hệ lụy từ động đất, nhất là trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng, các công trình quốc kế dân sinh phải được đặt đúng tầm nghiêm trọng của nó.

 

Thống kê của Phòng Quan trắc địa lý (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, có 4 dư chấn xảy ra trong chiều 16/5 và rạng sáng ngày 17/5, một thời gian ngắn sau khi trận động đất xảy ra với cường độ dư chấn lớn nhất là 4,5 độ richter. Bốn dư chấn xảy ra trong ngày 17/5 với cường độ khoảng 3 độ richter.

 

Số liệu ghi nhận của trạm quan trắc đặt tại chùa Trầm (Hà Tây) cho thấy dư chấn mạnh nhất xảy ra khoảng 0h08 sáng ngày 17/5 và đạt 4,5 độ richter. Trước một trận động đất chính (chủ chấn) thường xuất hiện một trận động đất nhỏ báo hiệu (tiền chấn) song quy luật này không phải khi nào cũng đúng như vậy. “Có thể khẳng định trận động đất 6,1 độ richter là chủ chấn gây ra các dư chấn tại khu vực Hà Nội và đây không phải là dấu hiệu cho thấy một trận động đất lớn có cường độ lớn hơn nữa sắp xảy ra” - ông Thuỷ nói.

 

Một lần nữa các chuyên gia tại Viện Vật lý địa cầu khẳng định, các phương tiện đặt tại cơ quan này có thể đáp ứng được các yêu cầu đo đạc các chấn động do động đất. Hiện nay, cơ quan này đã hoàn thành việc xây dựng các bản đồ động đất tỉ lệ 1:25.000 cho Hà Nội và nhiều khu vực tại Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Tuần Giáo, Mường La.

 

Bản đồ động đất của các tỉnh, thành: TPHCM, Hoà Bình, Lào Cai và Yên Bái cũng đang tiếp tục được xây dựng. Sau đó theo kế hoạch, viện sẽ xây dựng bản đồ động đất cho tất cả các địa phương và thông thường phải mất 2-3 năm cho mỗi địa phương với chi phí khoảng 8 tỉ đồng/bản đồ.

 

Bảo toàn tính mạng khi xảy ra động đất

 

Động đất: Không còn là chuyện của... thiên hạ - 1

Do chưa được khuyến cáo, nên đa số người Việt khi thấy có động đất là xô nhau chạy ra khỏi nhà.

 

“Cách tốt nhất để bảo toàn tính mạng khi có động đất lại là... ở yên trong nhà”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thủy khuyến cáo.

 

PGS Nguyễn Ngọc Thuỷ lý giải, do động đất xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn, thường chỉ tính bằng giây, nên việc chạy ra khỏi nhà, đặc biệt là nhà cao tầng, không giải quyết được gì vì không đủ thời gian ra khỏi vị trí toà nhà sập xuống.

 

Thêm nữa, việc hàng nghìn người hoảng hốt cùng lúc bỏ chạy có thể góp thêm một lực dao động lớn khiến tòa nhà đổ sập mà không phải do động đất. Việc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để tìm đường thoát thân cũng có thể gây thương tích, thậm chí làm nhiều người thiệt mạng.

 

“Cách tốt nhất là ở yên trong nhà, chui xuống gầm bàn, gầm ghế, gầm giường để tránh gạch ngói, đồ đạc rơi đổ lên đầu. Khi đi ngủ thì phía trên đầu giường không nên để thứ gì để tránh rớt xuống. Nếu đang nằm trên giường mà thấy có động đất thì nên úp gối che lên đầu ngay lập tức. Đợi khi cơn chấn động qua đi thì nhanh chóng đi ra khỏi nhà để đề phòng những cơn dư chấn tiếp theo”, giáo sư Thuỷ nói.

 

Khi cảm thấy một cơn động đất xảy ra, không nên đi thang máy vì thang có thể bị va đập vào hai bên thành tường hoặc đứt gãy hoặc bị kẹt giữa chừng vì động đất thường gây mất điện. Với những người đang đi ngoài đường, nên tránh xa các đường điện, cột trụ, tường, nhà cao tầng, nhà kính, cây cao và các cấu trúc khác có thể sụp đổ. Thực tế cho thấy hầu hết thương vong liên quan đến động đất là do tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người.

 

Khi đang lái xe, cần táp vào lề đường và đừng cố vượt qua cầu vì có thể cầu bị sập. Nếu đang ở trên núi hoặc sườn đồi, cần tránh xa các vùng trượt dốc đứng vì ở đó có thể xảy ra lở đất. Còn với những người đang đi dọc bờ biển, cảm thấy một trận động đất khiến khó đứng vững thì điều này có thể đồng nghĩa với sóng thần sắp xảy ra. Cần nhanh chóng chạy xa khỏi bờ biển lên những chỗ cao hơn. (Theo Tiền Phong)

 

Theo Cẩm Văn
Lao Động