1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Động đất gây náo loạn nhiều nơi tại Hà Nội

(Dân trí) - 13h35 chiều nay, hàng ngàn người tại các toà cao ốc trên địa bàn Hà Nội nháo nhác tìm cách chạy xuống đất vì bỗng thấy tòa nhà rung lắc. Theo Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội chấn động do ảnh hưởng của trận động đất trên 7,5 độ richter từ Trung Quốc.

>> Làm gì khi đi du lịch gặp động đất?

Anh Bùi Khương, một người làm việc tại toà cao ốc VIT trên phố Nguyễn Chí Thanh cho biết: “13 giờ 35 phút, tôi đang ngồi tại tầng 19 đột nhiên thấy hoa mắt, chóng mặt. Mọi vật trước mắt trở nên run rẩy, những dây điện phía ngoài bờ tường cảm giác như bị ai đó quăng quật. Tiếng một người trong văn phòng hô lên: “động đất, chạy mau” và hàng trăm người không ai bảo ai chạy thục mạng ra phía cầu thang máy, lúc này đã có rất nhiều người chen lấn. Tôi cùng vài người bạn sấp ngửa chạy xuống tầng 1”.

Thông tin ban đầu từ Viện Vật lý địa cầu, những rung động tại Hà Nội vừa rồi là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 7,5 độ richter phía đông nam Sichuan, Trung Quốc, cách Hà Nội 1.149km. Trận động đất này xảy ra lúc 13h25 giờ Hà Nội tại tọa độ 31,84 độ vĩ Bắc, 103,26 độ kinh Đông, sâu chấn tiêu 10km.

 

Viện Vật lý địa cầu cho biết, đợt chấn động địa hình đầu tiên tại Hà Nội mạnh cấp 3 và còn có thể xảy ra dư chấn tiếp.

Trước đó, 13 giờ 38 phút tiếng chuông điện thoại đường dây nóng tại toà soạn báo Dân trí liên tục đổ chuông. Anh Nguyễn Ngọc Quang giọng không ngừng hổn hển nói qua điện thoại: “động đất ở 24T1 Trung Hoà Nhân Chính rồi, đến nhanh đi, chúng tôi đang chạy bộ, thang máy đã kẹt cứng người rồi”.
 
Có mặt tại toà nhà 18 phố Phạm Huy Thông sau khi động đất xảy ra chừng 10 phút, trước mắt chúng tôi là hàng trăm cư dân văn phòng đang túm năm tụm ba… bên mấy quán trà đá và bàn chuyện động đất. Một nữ nhân viên văn phòng tại đây vẫn chưa dứt hơi thở do cuộc chạy bộ tốc độ cao kể lại: “Tôi đang làm việc bên cạnh bàn máy vi tính chợt thấy cốc, tách trên bàn nhảy tanh tách, tiếng cửa phía ngoài gõ vào nhau lạch cạch. Mọi người không ai bảo ai đều tá hoả chạy tìm đường xuống tầng 1. Tôi đã bỏ quên đôi dép và chiếc điện thoại trên phòng”.
 
Thông tin ban đầu chúng tôi thu nhận được, cơn động đất đã gây không ít hoảng loạn tại các toà nhà cao ốc khác như toà nhà 266 Đội Cấn, toà cao ốc Tiền Phong phố Hồ Xuân Hương, khu hiệu bộ trường Đại học Quốc gia Hà Nội… 
 
Động đất gây náo loạn nhiều nơi tại Hà Nội - 1
Quán trà đá bỗng trở nên đông khách nhờ động đất (ảnh chụp tại 18 Phạm Huy Thông) (Ảnh: P.Hưng)

Chị Huyền, nhân viên văn phòng tại toà nhà Ocean Park, ngã tư Đại Cồ Việt, nhận xét: “cường độ vụ động đất lần này mạnh và dài hơn hẳn lần trước. Chúng tôi, cả nam lẫn nữ, không ai nhường ai đều mạnh ai nấy chạy. Cũng chẳng ai thèm để ý xem có chuông báo động hay không. Mà hình như cũng không có?!”.

Trong khi đó, anh Quách Huân Phong làm việc tại cao ốc Nguyễn Trãi University, 266 Đội Cấn cũng như nhiều người khác chưa hết bàng hoàng kể lại, "tôi đang rót cốc nước thì đột nhiên thấy giật mình, chúi về phía trước như có ai vỗ mạnh vào vai, mấy chậu cây cảnh phía trước mặt lô xô về một phía. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì thấy mọi người trong phòng xô đẩy nhau ra khỏi phòng, tôi cũng chạy vội ra thang máy. Thang máy kẹt cứng, chúng tôi nháo nhào chạy cầu thang bộ... Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 10 giây nhưng đã gây cho chúng tôi quá nhiều kinh hoàng".

Đây cũng là phản xạ của hầu hết nhân viên tại các cao ốc. Thậm chí rất nhiều người nước ngoài làm việc ở đây cũng có chung phản ứng như vậy trước hiện tượng động đất. Tuy nhiên, đây chính là điều tối kỵ được ghi rất rõ trong các bài học sơ đẳng về việc “Phải làm gì khi xảy ra động đất”.
 

Động đất gây náo loạn nhiều nơi tại Hà Nội - 2

Nhân viên làm việc tòa nhà Ocean Park tại ngã tư Đại Cồ Việt ngồi la liệt dưới chân tòa nhà. (Ảnh: Hữu Nghị)

 
Chạy loạn khi động đất - Tối kỵ!
 
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một cán bộ Viện Vật lý địa cầu cho biết: “Việc đi cầu thang máy khi xảy ra động đất là rất nguy hiểm. Khi xảy ra động đất, người dân cần tìm quanh chỗ mình có gầm bàn hay gầm giường thì mình nên núp dưới đó. Phải đợi cho hết rung thì mới di chuyển tới nơi lánh nạn. Khi có động đất thì gạch đá từ trên trần nhà, mái nhà rớt xuống và nếu chúng ta núp dưới gầm bàn thì tránh khỏi bị thương. Nên lưu ý là khi nhà còn bị rung chuyển thì các đồ vật, đồ đạc sẽ bị lay đổ, do đó không nên di chuyển để tránh bị những thứ này đổ vào người. Khi chúng ta đi ngủ thì phía trên đầu giường không nên để thứ gì để tránh rớt xuống.

Đăc biệt, tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt; Cũng nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người...

Trên thực tế, những lời khuyên trên đây đều đã được nhắc tới nhiều lần khi Hà Nội đối mặt với trận động đất cách đây chưa lâu. Nhưng, khi nguy hiểm xảy đến thì người dân vẫn hoảng loạn và bỏ ngoài tai những lời khuyên trên. Có lẽ, đã đến lúc những bài học phòng tránh thiên tai như động đất cần được đưa vào chương trình giáo dục như cách nhiều quốc gia khác trên thế giới đang làm…

Nhóm PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm