1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đóng cửa sàn vàng vì tiềm ẩn nhiều bất ổn

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lý giải: Dù hoạt động của các sàn giao dịch vàng đã chững lại nhưng dư nợ cho vay trên các sàn giao dịch vàng tại Hà Nội và TPHCM vẫn lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.

Đóng cửa sàn vàng vì tiềm ẩn nhiều bất ổn - 1
Giao dịch tại sàn vàng ACB (ảnh: Đất Việt).
 
NHNN vừa có bản báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động của các sàn giao dịch vàng qua tài khoản trong nước, định hướng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa các sàn giao dịch này.
 
Theo NHNN, hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước không phải là sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Mà ngược lại, một khối lượng vốn lớn được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng.
 
Chỉ riêng Trung tâm giao dịch vàng Sài Gòn của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ở thời điểm giao dịch sôi động nhất một ngày cũng có doanh số lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Đến nay, mặc dù hoạt động của các sàn giao dịch vàng đã chững lại thì dư nợ cho vay trên các sàn giao dịch vàng tại Hà Nội và TPHCM vẫn lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.
 
Do các sàn giao dịch vàng tự đề ra quy chế giao dịch và các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân chưa nhận biết rõ các rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh vàng trên tài khoản, thời gian qua đã xảy ra những tranh chấp, khiếu kiện giữa nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sàn.
 
Qua rà soát, việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng là chưa có cơ sở pháp lý. Đồng thời hoạt động của các Sàn giao dịch vàng trong thời gian vừa qua tiềm ẩn một số (nhiều) yếu tố có thể gây bất ổn kinh tế - xã hội.
 
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức, đồng thời giao NHNN, các Bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư, Công an, Tư pháp, Thông tin - Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để mọi tổ chức, cá nhân hiểu và tuân thủ theo đúng quy định này.
 
Đối với hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng là kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
 
Trong thời gian qua các doanh nghiệp này đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân đối với hàng trang sức, mỹ nghệ bằng vàng, đồng thời cũng tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động ở khắp các vùng miền trên cả nước.
 
Tuy nhiên, ngoài hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, cũng có một số doanh nghiệp còn thực hiện việc mua bán ngoại tệ trái phép, mua bán vàng “không đúng tuổi”, có nghĩa là không đủ hàm lượng vàng như thể hiện trên sản phẩm.
 
Về kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, đến nay đã có 11 ngân hàng thương mại và 8 doanh nghiệp kinh doanh vàng được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
 
Việc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài vào năm 2006 nhằm giúp cho các đơn vị kinh doanh vàng có thể lựa chọn mức giá khi quyết định xuất, nhập khẩu vàng.
 
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thời gian qua đã bộc lộ một số điểm hạn chế như: các đơn vị được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng kinh doanh trên các sàn vàng quốc tế. Đây là hoạt động có mức rủi ro rất cao khi giá vàng thế giới có những biến động mạnh, lên xuống thất thường với biên độ lớn.
 
Đồng thời, chính các đơn vị này đã thành lập các sàn giao dịch vàng trong nước, mà thực chất là mua bán vàng trên tài khoản ở trong nước, gây nhiều biến động trên thị trường vàng trong thời gian vừa qua.
 
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN bãi bỏ quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo Quyết định 03/2006/QĐ-NHNN ngày 18/01/2006 của Ngân hàng Nhà nước.
 
An Hạ