Đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm nghĩa tình
(Dân trí) - Sáng 2/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình".
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và đại diện Ban liên lạc học sinh miền Nam; đại biểu các tỉnh, thành: Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các nhà khoa học.
Tại chương trình, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trên các mặt trận quân sự và ngoại giao, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết.
Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định đưa lực lượng cán bộ, chiến sĩ và học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc nhằm mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng hết sức quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Trong cuộc chuyển quân lịch sử đó, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đảng lựa chọn là nơi đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam.
Khắc phục mọi khó khăn, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp, tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam chu đáo và an toàn", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, tình cảm thân thiết của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa là nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, tích cực học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu rõ, mặc dù đã 70 năm trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có tỉnh Thanh Hóa đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
Không chỉ vậy, tình cảm của nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc còn là biểu tượng sinh động về nghĩa tình, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng thông qua những bài viết và ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ bổ sung, làm sâu sắc cơ sở khoa học và thực tiễn về một sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tại hội thảo, ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhắc lại thời điểm lịch sử khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam, là đón tiếp bằng cả tình cảm, trách nhiệm chu đáo nhất, thân tình nhất, dù hoàn cảnh khi đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Theo ông Sinh, ngay khi vừa đặt chân đến Sầm Sơn, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã được Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa tiếp đón bằng tất cả sự chân thành, yêu thương và tình cảm ruột thịt.
Bằng tình cảm chân tình đó, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã coi Thanh Hóa, coi miền Bắc là quê hương thứ hai của mình; ra sức học tập, lao động, sản xuất, công tác, đóng góp nhiều thành tích vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
Ngoài ra, nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành những "hạt giống đỏ", sau này trở thành những cán bộ cốt cán, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhiều người trở thành các tướng lĩnh quân đội, công an, trở thành nhà giáo, y bác sĩ, nhà khoa học, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt...