Đón Xuân mới, nghĩ về Tết xưa dưới làng hầm địa đạo Vịnh Mốc
(Dân trí) - Giữa thời điểm chiến tranh ác liệt những năm chống Mỹ, mọi sinh hoạt của người dân đều chuyển vào trong lòng đất. Có những năm, người dân nơi đây phải đón Tết ngay trong địa đạo Vịnh Mốc. Dù không có điều kiện đầy đủ vật chất như bây giờ, ngày Tết chỉ là những lời thăm hỏi thân tình mà đầy ấm áp, những tiết mục văn nghệ lấn át tiếng bom, tiếng súng.
Địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh) là công trình làng ngầm chiến đấu độc đáo trong lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là làng hầm chiến đấu đơn thuần mà còn là không gian sống ngầm của bộ đội và người dân địa phương.
Với 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, bão đạn, nhân dân xã Vĩnh Thạch và lực lượng vũ trang đã đào và vận chuyển hơn 6.000m3 đất đá, tạo nên địa đạo Vịnh Mốc. Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870 m. Chiều dài tổng thể của làng hầm là 1.701 m, gồm có 13 cửa ra vào địa đạo (trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển) và 3 giếng thông hơi. Tầng 1 sâu cách mặt đất từ 8 - 10 m; tầng 2 sâu cách mặt đất từ 12 - 15 m; tầng 3 sâu cách mặt đất 22 - 23 m.
Đường hầm địa đạo có dạng hình vòm kết hợp với tính đàn hồi, chịu lực của vùng đất đỏ bazan đã tạo nên độ vững chắc cho địa đạo Vịnh Mốc. Chiều cao của đường hầm địa đạo từ 1,2 x 1,8 m; để có thể đi lại trong lòng địa đạo một cách thuận lợi, các cửa của địa đạo được nối với hệ thống giao thông hào và các trục đường chính của địa đạo.
Trong lòng địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình khác như ở trung tâm của địa đạo có hội trường với sức chứa từ 50 - 60 người làm nơi hội họp, sinh hoạt, xem phim, biểu diễn văn nghệ; bảng tin, các hộ gia đình, nhà hộ sinh, 3 giếng nước để sinh hoạt, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm), kho chứa lương thực, nơi đặt máy điện thoại…
Trước chiến tranh ác liệt, khi bom đạn luôn rình rập trên đầu, mọi sinh hoạt người dân vùng Vịnh Mốc, đều chuyển vào trong lòng đất nên ngày Tết của người dân vùng Vịnh Mốc cũng hết sức đơn giản.
Đón Tết trong lòng địa đạo
Để hiểu đôi nét về ngày Tết dưới địa đạo Vịnh Mốc năm xưa, phóng viên đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử, nay đã là những cụ cao niên tóc bạc. Nghĩ về Tết xưa, các cụ vẫn chưa quên được những ngày tháng lao khổ, ác liệt, đầy thiếu thốn. Nhưng, trong tâm thức các cụ đều tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm cao đánh thắng kẻ thù, không màng đến khó khăn.
Ông Hồ Văn Triêm, sinh ra và lớn lên tại làng Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, nơi có địa đạo Vịnh Mốc được Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Ông Triêm là người đã tham gia chỉ đạo đào hầm để vừa sinh hoạt, vừa chiến đấu trong những năm chiến tranh khốc liệt, bom đạn giày xéo vùng đất Vĩnh Linh. Ông Triêm năm nay đã 83 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in về những ngày kháng chiến vô cùng gian khổ.
Ông Triêm kể: Vĩnh Linh là vùng đất chịu tác động của bom đạn khốc liệt nhất. Năm 1959, bộ đội ta ra tiếp quản đảo Cồn Cỏ, trong 6 năm tiếp theo, Vịnh Mốc trở thành bến chuyển hàng chi viện cho đảo tiền tiêu. Khi kẻ địch biết được điều đó, họ tập trung đánh phá, đánh chiếm Cồn Cỏ không được, địch âm mưu chặn đường chi viện, tiếp tế cho đảo.
Năm 1965, người dân triển khai đào địa đạo đầu tiên, sau đó năm 1966 phát động người dân 4 cụm trong xã để đào 4 địa đạo khác. Địa đạo đầu tiên dành cho dự trữ hàng hóa, các cụm dân cư được phân bố ở các địa đạo còn lại. Trong những năm 66-68, người dân chuyển về sống dưới làng hầm địa đạo Vịnh Mốc.
Ông Triêm hồi đó được cấp trên phân công làm xã đội phó, trưởng ban phòng tránh đánh địch ở Vịnh Mốc. Năm 18 tuổi ông đã hăng hái tham gia cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương.
Năm 1973, quân Mỹ đánh phá rất dữ dội, vùng đất Vĩnh Linh là trọng điểm bắn phá ác liệt nhất. Toàn bộ sinh hoạt của người dân đều ở dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc. Dịp Tết Nguyên đán năm ấy, bà con phải đón Tết ngay trong hầm. Mặc dù bom đạn rơi ác liệt trên đầu, người dân vẫn nhớ để nhắc nhau về ngày Tết cổ truyền.
“Hôm đó là 30 tháng Chạp, địch cũng ngừng đánh phá nên anh em phấn khởi nhắc nhau về ngày Tết. Ngày hôm sau, đúng ngày mùng 1 Tết, mọi người tập trung nhau tại hội trường trong lòng địa đạo cùng nói chuyện, uống nước chè đã chuẩn bị trước. Lương thực đón Tết chẳng có gì ngoài khoai, sắn, một ít gạo do Nhà nước cấp. Những khi địch ngừng ném bom thì ban đêm anh em lần ra biển lấy cá biển do trúng bom mà chết đem về làm thức ăn. Để nấu cơm, anh em dùng cối xay thóc rồi sử dụng bếp Hoàng Cầm để nấu, nhằm tránh sự phát hiện của kẻ thù”, ông Triêm hồi tưởng về quá khứ.
Cuộc sống dưới địa đạo dẫu có khó khăn nhưng mọi người vẫn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Tham gia đào địa đạo Vịnh Mốc có khoảng 40 hộ dân. Thời điểm ấy, mọi người phải phân công lực lượng ra ở các địa đạo để giúp đỡ nhau và sẵn sàng chiến đấu. Các địa đạo có sự liên hệ với nhau bằng các giao thông hào để hỗ trợ kịp thời khi cần.
“Bom rơi trên đầu, lòng địa đạo cất vang tiếng hát…”
Vui Tết, đón Xuân không thể thiếu lời ca tiếng hát, nên trước Tết cổ truyền, các tổ đội văn nghệ bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu còn tích cực tập luyện, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để phục vụ người dân.
Bà Nguyễn Thị Lựu (SN 1949) hiện vẫn nhớ như in về ngày Tết cổ truyền cách đây mấy chục năm. Lúc ấy, bà tham gia vào đội văn nghệ của lực lượng dân quân tự vệ để phục vụ cho bà con nhân dân những lúc họp hành, có sự kiện. Bà Lựu cũng là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, vừa tham gia sản xuất. “Ngày Tết, chúng tôi ngồi bên nhau ca hát dưới hầm Vịnh Mốc, cất lên những ca khúc ca ngợi Đảng, ca ngợi quê hương, dù có nhiều khó khăn nhưng ai cũng phấn khởi. Giữa bom đạn ác liệt nhưng “tiếng hát át tiếng bom” làm cho mọi người vui vẻ hơn, hào hứng, phấn chấn hơn để sẵn sàng tiếp nhận mọi nhiệm vụ cấp trên giao”, bà Lựu nói.
Đối với ông Hoàng Phụ, ký ức về những năm tháng kháng chiến gian khổ vẫn luôn in sâu trong lòng. Thế hệ của ông Hoàng Phụ, cụ Triêm, bà Lựu… là những người đầu tiên tham gia đào địa đạo Vịnh Mốc. Ông Phụ nói, ngày Tết lúc ấy chỉ ngồi bên nhau thăm hỏi, động viên nhau vượt qua khó khăn, tiếp tục chiến đấu nhưng ai cũng tràn đầy niềm tin. Ai cũng khát khao không còn tiếng súng, tiếng bom, khát vọng về hòa bình, đến một ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
Bao năm qua, thế hệ những cụ ông, cụ bà từng đón Tết năm xưa dưới lòng địa đạo vẫn ngồi lại bên nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm về quá khứ gian khổ nhưng hào hùng, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cháu, giúp nhau trong phát triển kinh tế. Chính những người này đã góp phần viết nên trang sử đẹp về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Đăng Đức