1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Lâm Đồng

Đơn kêu cứu về công trình hàng trăm tỷ đồng sắp bị cưỡng chế

Minh Hậu

(Dân trí) - Dự án Tòa nhà câu lạc bộ Golf trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt được cơ quan chức năng phê duyệt từ hàng chục năm trước, tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp đang vướng vào thế bí.

Chuyện dài kỳ về một tòa nhà câu lạc bộ golf

Theo Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL (gọi tắt là Hoàng Gia ĐL), chủ đầu tư công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf trong sân golf Đồi Cù (phường 1, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng), tiền thân của đơn vị này là Công ty liên doanh D.R.I.

Chủ đầu tư được Ủy ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy phép đầu tư số 222/GP ngày 8/8/1991 (gọi tắt giấy phép 222) nhằm thực hiện cải tạo, nâng cấp sân golf 18 lỗ, 2 khách sạn Palace và Dalat, 16 biệt thự, Dinh I tại thành phố Đà Lạt. Tổng vốn đầu tư lúc bấy giờ là 40 triệu USD.

Đơn kêu cứu về công trình hàng trăm tỷ đồng sắp bị cưỡng chế - 1

Sân golf Đồi Cù nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Ngày 17/7/1992, Bộ Xây dựng có văn bản 661/BXD-ĐT về việc thỏa thuận thiết kế các công trình liên doanh trong đó có Tòa nhà câu lạc bộ Golf. Ở văn bản này, Bộ Xây dựng xác định việc xây dựng sân golf 18 lỗ tại Đồi Cù là phù hợp với quy hoạch chung. Thiết kế tổng mặt bằng sân golf 18 lỗ tỷ lệ 1/1.000 cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt vào năm 1993.

Năm 1995, trên cơ sở giấy phép 222, Hoàng Gia ĐL thực hiện các thủ tục pháp lý, đầu tư, nâng cấp 2 khách sạn là Dalat Palace và Du Parc Dalat cùng sân golf Đà Lạt (sân golf Đồi Cù) và đưa vào hoạt động.

Ngày 27/5/1996, sân golf Đồi Cù được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 528/QĐ-UB, trong đó có nội dung đánh giá tác động môi trường của công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf.

Ngày 11/8/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 5667/UBND-QH về việc chấp thuận chủ trương và phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc để xây dựng Tòa nhà câu lạc bộ Golf.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đã có Văn bản số 2662/SXD-QHKT ngày 1/12/2022 về việc cung cấp thông tin, vị trí, diện tích xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf.

Tại văn bản nêu trên, Sở Xây dựng Lâm Đồng khẳng định: căn cứ tổng mặt bằng sân golf 18 lỗ được UBND tỉnh phê duyệt năm 1993, vị trí xin đầu tư xây dựng công trình tòa nhà câu lạc bộ golf là phù hợp với quy hoạch.

Về quy mô xây dựng công trình, theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, công ty đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất với tổng diện tích xin chuyển đổi là 15.670m2 (trong đó diện tích công trình có mái che là 6.120m2 (khối tiếp đón, khối dịch vụ golf 1, 2) là phù hợp với diện tích xây dựng đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 5667/UBND-QH ngày 1/8/2022.

Đơn kêu cứu về công trình hàng trăm tỷ đồng sắp bị cưỡng chế - 2

Năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương và phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc để xây dựng Tòa nhà câu lạc bộ Golf (Ảnh: Minh Hậu).

Ngày 6/12/2022, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 186/SXD-QLXD về việc thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng khối dịch vụ golf 1 thuộc dự án Tòa nhà câu lạc bộ Golf.

Tiếp đó, ngày 12/1/2023, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép (số 02/GPXD) cho chủ đầu tư xây dựng một phần tầng hầm khối dịch vụ golf 1 thuộc Tòa nhà câu lạc bộ Golf.

Sau khi được cấp phép, Hoàng Gia ĐL đã tổ chức thi công tầng hầm và các hạng mục Tòa nhà câu lạc bộ Golf. Đồng thời, chủ đầu tư thực hiện các thủ tục còn lại để hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan để tiếp tục thi công Tòa nhà câu lạc bộ Golf theo giấy phép 222 và các văn bản khác.

Đi tìm "nút thắt"

Chủ đầu tư công trình trong sân golf Đồi Cù thông tin, hiện nay, các hồ sơ về quy hoạch tổng mặt bằng, chứng nhận đầu tư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… là cơ sở căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan về sử dụng đất, cấp phép xây dựng đối với Tòa nhà câu lạc bộ Golf theo quy định.

"Đơn vị đã nộp toàn bộ hồ sơ có liên quan theo đúng quy định về trình tự, thủ tục, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn không giải quyết vấn đề khó khăn của công ty theo quy định của pháp luật, mặc dù đã quá thời gian giải quyết hồ sơ", đại diện Hoàng Gia ĐL nói.

Đơn kêu cứu về công trình hàng trăm tỷ đồng sắp bị cưỡng chế - 3

Cụm công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf trong sân golf Đồi Cù (Ảnh: Minh Hậu).

Được biết, "nút thắt" chính trong việc cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư Tòa nhà câu lạc bộ Golf là vấn đề liên quan đến 29,59ha rừng thông trồng năm 1993 trong sân golf Đà Lạt. Ở vấn đề này, mỗi báo cáo có một ý kiến khác nhau và chính điều này đã gây khó khăn trong việc cấp phép xây dựng cho Tòa nhà câu lạc bộ Golf.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, ngày 20/7/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 4134/UBND-NN, về việc chuyển diện tích 29,59ha trồng thông năm 1993 trong sân golf Đà Lạt đạt tiêu chí thành rừng và rừng phòng hộ nội đô Đà Lạt.

Đến ngày 12/7/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ban hành Văn bản số 5805/UBND-NN về việc thu hồi hủy bỏ Văn bản 4134/UBND-NN ngày 20/7/2016 của UBND tỉnh. Nghĩa là loại bỏ 29,5ha rừng thông ra khỏi diện tích rừng phòng hộ đô thị. Và trên thực tế, theo báo cáo rà soát của các Sở thì diện tích này không có rừng.

"Nút thắt" ở đây cơ bản đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay các vấn đề về giải quyết vướng mắc, cấp phép cho chủ đầu tư vẫn chưa được UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh này thực hiện và công trình vẫn trong trạng thái có thể bị phá dỡ bất cứ lúc nào.

Đối với công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf trong sân golf Đồi Cù, chủ đầu tư cho biết đã xây dựng phần khung với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. 

Ngày 16/7, cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt đưa ra kế hoạch cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả đối với công trình vi phạm trong sân golf Đồi Cù. Mức chi phí tháo dỡ công trình được xác định là trên 32 tỷ đồng.

Phóng viên Dân trí đang tiếp tục liên hệ các đơn vị hữu quan để làm rõ hơn vấn đề nêu trên.