1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đôi vợ chồng "lên núi" khai hoang và bước ngoặt từ cây na

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo anh Hòa, cây na rất hợp với thổ nhưỡng tại huyện Hữu Lũng, nơi có nhiều núi đá. Bên cạnh đó, cây na dễ trồng, nhanh cho quả, một năm có thể làm 2 vụ.

Chuyển đổi từ cây sắn sang cây na cho hiệu quả kinh tế cao

Anh Phạm Văn Hòa (ở xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) vẫn chẳng thể nào quên được khung cảnh khó khăn, nghèo nàn của xã Yên Vượng khoảng 20 năm trở về trước. Khi đó, xã Yên Vượng là nơi được người dân Hà Tây (nay là Hà Nội) lên để "khai hoang", làm kinh tế.

Theo gia đình đi "khai hoang" từ nhỏ, anh Hòa ngày qua ngày nhìn nơi mình sinh sống thay da đổi thịt, không còn cảnh để đất hoang hóa mà giờ cây cối tốt tươi, nhà cửa khang trang, đời sống của bà con nơi đây ngày một phát triển.

Nhớ lại ngày mới đặt chân lên đây vào năm 1999, thời đó theo anh Hòa chỉ có đồi ngô bắp nhỏ ít hạt, ruộng sắn khô cằn. Đời sống của người dân lúc đó khốn khó, bao năm chỉ quanh quẩn với những giống cây lương thực kém về kinh tế, vất vả trong nuôi trồng.

Đôi vợ chồng lên núi khai hoang và bước ngoặt từ cây na - 1

Anh Phạm Văn Hòa cùng giỏ na sau khi thu hoạch (Ảnh: Nguyễn Hải).

Vất vả nắng mưa, từ sáng đến đêm, anh Hòa cho biết thu nhập từ những giống cây trồng trên tính theo năm. Mỗi năm chỉ thu được 20-30 triệu đồng. Bên cạnh đó, với đặc thù là vùng miền núi, người dân địa phương thời điểm còn đất hoang cũng chỉ biết chấp nhận, không tìm tòi, không dám thay đổi, thử nghiệm cái mới.

Đến khoảng những năm đầu thế kỷ 21, giai đoạn từ năm 2005 đổ về trước, huyện Hữu Lũng nhờ chuyển đổi cây trồng đã bất ngờ tìm được "lối đi" để phát triển kinh tế từ cây na.

Theo anh Hòa, cây na rất hợp với thổ nhưỡng tại huyện Hữu Lũng, nơi có nhiều núi đá. Bên cạnh đó, cây na dễ trồng, nhanh cho quả, một năm có thể làm 2 vụ.

Đôi vợ chồng lên núi khai hoang và bước ngoặt từ cây na - 2

Đường sá xã Yên Vượng khang trang sau khi na trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế (Ảnh: Hải Nam).

Dù vậy, anh Hòa kể rằng, hành trình để cây na trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của xã Yên Vượng hay của huyện Hữu Lũng không hề dễ dàng. Ban đầu, chỉ những người dân Hà Tây lên khai hoang dám chặt, xới bỏ cây ngô, ruộng lạc để chuyển sang trồng na.

Người dân địa phương ưa sự an toàn. Họ lựa chọn được nhận thành quả nhanh, trồng cây lương thực thu hoạch sớm, thay vì trồng cây na và đợi chăm sóc nhiều năm trời.

Chính vì vậy, anh Hòa và những người đồng hương phải một mình tìm tòi cách trồng, cách chăm sóc, duy trì cây na sao cho hiệu quả nhất. Cũng từ lúc này, anh Hòa được tin tưởng giao những vị trí như Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn, Bí thư đoàn thanh niên...

Đôi vợ chồng lên núi khai hoang và bước ngoặt từ cây na - 3

Gia đình anh Hòa có khoảng 700 gốc na (Ảnh: Nguyễn Hải).

Vừa làm kinh tế, vừa hoạt động đoàn thể, xã hội, anh Hòa nhấn mạnh vai trò của "nửa kia", người phụ nữ đầu ấp tay gối hàng đêm với anh, chị Đặng Thu Hằng.

Với anh Hòa, để có ngày hôm nay, vợ anh luôn là điểm tựa, chỗ dựa vững chắc để anh yên tâm làm việc. Đồng thời, chị Hằng cũng trực tiếp hỗ trợ chồng trong việc trồng cây na cũng như chăm sóc con cái và gia đình.

Thời điểm bắt đầu, na xấu quả, kém mã, chất lượng không được xuất sắc. Chịu khó tìm tòi thay đổi phương án chăm sóc, vợ chồng anh Hòa nhận về những trái na tốt hơn, đi kèm với đó là giá na cũng tăng lên.

Vậy nhưng, trồng trọt chưa bao giờ là dễ dàng. Bên cạnh yếu tố thời tiết, cây na còn chịu ảnh hưởng của dịch, sâu bệnh tàn phá như bao loại cây ăn quả khác. Mỗi lần như vậy, anh Hòa và vợ lại chấp nhận bán rẻ, thất thu.

Đen đủi hơn, nếu như "mất mùa" đúng dịp vụ chính (tháng 8, 9), vợ chồng anh Hòa lại phải xoay xở, đánh cược với mùa na gối vụ (tháng 11, 12).

Đôi vợ chồng lên núi khai hoang và bước ngoặt từ cây na - 4

Anh Hòa và vợ (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cây na đã giúp người dân xóa đói để làm giàu

Theo Trưởng thôn Phạm Văn Hòa, khoảng 5-10 năm trở lại đây, "bộ mặt" xã Yên Vượng thay đổi một cách rõ rệt. Những ngôi nhà mái ngói dần được thay thế bằng nhà 2-3 tầng, đường sá được làm lại sạch đẹp, êm mịn. Điều này đều nhờ vào việc cây na xuất hiện ở tất cả các hộ gia đình tại xã Yên Vượng. Nhà nhà, người người trồng na.

Sở hữu cho gia đình khoảng 700 gốc na, anh Hòa và vợ trực tiếp chăm sóc, thu hoạch mà không cần thuê nhân công bên ngoài. Chính về điều này, anh Hòa tự tin quả na của anh luôn là ngon và đẹp nhất thôn. Thời điểm được mùa, giá cao, anh Hòa bán được tới 35.000-40.000 đồng/kg quả na ta.

Đặc biệt, có ngày đỉnh điểm, anh Hòa và vợ thu hoạch na và bán được 37 triệu đồng. Người đàn ông quê Hà Tây có những kỹ thuật chăm sóc riêng để cây na luôn giữ được "phong độ".

Với vai trò là trưởng thôn, anh Hòa không giữ những kỹ thuật đó cho riêng mình mà còn chỉ bảo, hướng dẫn cho những người khác làm theo. Mỗi lần họp thôn, họp xã, anh đều chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cho bà con về những giống na mới, hiệu quả cao.

Đôi vợ chồng lên núi khai hoang và bước ngoặt từ cây na - 5

Trồng na cũng dễ gặp sâu bệnh (Ảnh: Nguyễn Hải).

Anh Hòa kỳ vọng, quả na Yên Vượng hay na Hữu Lũng sẽ trở thành một thương hiệu nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ). Từ đó, quả na sẽ được nâng tầm, kéo theo đó là những lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương.

Tâm sự với phóng viên những câu chuyện về gia đình, chị Hằng biểu lộ rõ sự tự hào về người chồng, cũng như sự tin tưởng, yêu thương và đồng cảm.

Chị chấp nhận hy sinh, chăm lo toàn bộ công việc nhà, chăm con, dạy con học... để anh Hòa có thể yên tâm công tác xã hội, hoàn thành trách nhiệm với bà con, Nhà nước. Không những vậy, chị Hằng cũng chẳng hề kém chồng về kinh nghiệm trồng, chăm cây na. Chồng đi vắng, chị Hằng sẵn sàng chăm lo cho vườn na của gia đình.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, vợ chồng anh Hòa nói mỗi năm, gia đình anh thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm