1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ninh Thuận:

Đổi thói quen để cứu rừng mai

(Dân trí) - Đã từ rất lâu, người dân vùng cát nắng Ninh Thuận đã có thói quen mua những nhánh mai rừng được chặt từ núi về để chưng tết. Đây cũng là tập quán lâu đời của nhiều vùng ở Nam Trung Bộ. Nhưng để cứu rừng mai có lẽ thói quen nên được thay đổi.

Ninh Thuận: Đổi thói quen cứu rừng mai

Những ngày giáp tết này, dưới chân cầu Đạo Long, ven bờ con sông Dinh hiền lành xuất hiện một rừng mai vàng nhân tạo. Đây là số mai vàng do người dân đi chặt (gọi là mai chà để phân biệt với mai trồng trong chậu) tại các vùng núi cao khu vực Sơn Hải, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bác Ái (Ninh Thuận) và Vĩnh Hảo (Bình Thuận).

Những cây mai chà tập kết về đây để cắm vào cát giữ ẩm và tiện tưới trước khi rao bán tại chỗ hay đưa vào các con phố hoa dài dằng dặc trong nội thành TP. Phan Rang-Tháp Chàm. Để có rừng mai trên phố và bến sông ấy, người đi chặt gặp không ít gian truân mà núi rừng cũng bị ảnh hưởng không ít.

Mai rừng thường mọc thành từng láng rộng độ ba, bốn trăm mét vuôngở những nơi ngày càng xa xôi trên các vùng núi đã nói trên. Anh Trí Dũng, một người chặt mai rừng nhiều năm ở các vùng núi khác nhau nói, “càng ngày việc tìm cho được một cành mai ưng ý càng khó, có khi phải đi bộ hàng chục cây số đường núi để tìm ra và vác xuống, vì hầu hết các vùng mai dễ tìm người ta đã chặt trụi hết cả”.

Mai đẹp thường mọc len vào các kẽ đá cheo leo, khó tiếp cận và nhờ gió và nắng mà tạo ra các dáng đẹp như thường thấy trong các tranh thủy mặc. Vì ít dưỡng chất nên mai rừng mọc chậm, khi các cành mai lên không kịp hoặc không đủ độ lớn, những thợ tầm mai bèn cưa luôn cả gốc. Những quả núi xứ nắng vốn thưa thớt cây vì thế cứ ngày càng mòn mỏi, mất dần sự xanh tươi. “Ngày trước chỉ cần đi vào vùng núi Chà Bang, cách thành phố chừng hơn 10 km, dịp này, là đã có thể thấy mai nở vàng núi, giờ thì chỉ có nắng, mai đã bỏ núi theo xe tải về phố lâu lắm”, anh Đức Thạnh, một người thích hoa mai nói.

Mai núi được bỏ vào từng lọ đựng chứa nước để chăm sóc
Mai núi được bỏ vào từng lọ đựng chứa nước để chăm sóc

Có nhiều lý do để người dùng chọn mai chà thay cho mai chậu dù với mai chà sau khi chơi xong mấy ngày tết, tất cả các cành mai đều hóa củi khô. Mai chà bán tại Phan Rang – Tháp Chàm có giá dao động từ 2 trăm ngàn đồng cho một cành nhỏ đến vài triệu đồng cho cành mai núi nhiều nụ, lớn, có dáng đẹp. “Trần nhà tôi hơi cao, để mai chậu vào mất hút, phải mua cành mai lớn để vào mới hợp, vài trăm ngàn thôi, chơi xong mùa tết thì bỏ đi. Mai chậu cao lớn cỡ đó mình mua không nổi”, cô Hoàng Mai-P.Kinh Dinh-PR-TC nói.

“Tôi thấy mai rừng có lớp da 2 màu cổ kính, dáng đẹp, hoa của mỗi vùng 1 khác, vùng mai hoa to, vùng có nhiều cánh, nên mua. Với lại người đi chặt toàn người nghèo khó, họ chặt cũng cực khổ lắm, nên năm nào tôi cũng mua 1 cành”, anh Hoàng Hiệp, một khách mua mai chà cho biết. Dù vì lý do thẩm mỹ, tập quán hay vì cái tết của một số thợ sơn tràng vốn quanh năm khó khăn thì những quả núi cũng càng ngày càng trọc đi, sắc mai vàng trên núi mỗi năm càng vắng hơn, những bất ngờ như một cành mai chìa ra nơi cheo leo vực thẳm nở bung đã mất hút.

Có rất nhiều người đã ý thức về việc để dành lại sắc mai núi cho tự nhiên mà rước lộc về nhà bằng cách chơi mai trồng trông chậu, nuôi quanh năm để có sắc vàng của may mắn vào dịp tết. Về phần mai núi, mai rừng, nên chăng phải có những quy định và quy hoạch về vùng chặt, cỡ chặt và số lượng chặt để giảm thiểu tối đa các thiệt hại môi trường và đa dạng sinh thái cũng như phù hợp với thói quen và kế mưu sinh của nhiều người dân.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về thổ nhưỡng và giống để nhân rộng, tạo ra các núi mai và rừng mai nhân tạo thay thế cho việc chặt rừng trái phép cũng là điều có thể nghĩ đến, vì với dáng vẻ đẹp đẽ và ý nghĩa sâu sắc của mình, những nhánh mai rừng có thể là nguồn lợi đáng kể trong dịp xuân về ở các địa phương có tập quán trưng mai chà.

Phan Thành - Quốc Phan