Quảng Nam:
Đội “shipper nữ” đi chợ giúp bà con, giao cơm miễn phí ở vùng phong tỏa
(Dân trí) - Cán bộ hội phụ nữ đã thành lập “đội nữ shipper” để hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa. Bất cứ khi nào có nhu cầu mua sắm, chỉ cần ghi ra giấy hoặc gọi điện sẽ có người sẵn sàng "đi chợ" giúp.
Đã nhiều ngày nay, kể từ khi hai khu vực thôn Châu Lâu và một phần thôn Đông Đức (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) với 420 hộ dân, khoảng 1.800 nhân khẩu bị phong tỏa, hội phụ nữ xã Điện Thọ đã tiến hành lập “đội shipper nữ” tình nguyện hỗ trợ các hộ dân để họ an tâm cách ly, thực hiện đúng lệnh phong tỏa.
Chị Nguyễn Thị Lân - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Điện Thọ cho biết, hội phụ nữ xã giao cho hai chị trong chi hội thuộc các thôn đang bị phong tỏa để nắm tình hình, cũng như nhu cầu bức thiết của người dân rồi báo cáo lại cho hội phụ nữ xã trợ giúp. Các chị ở ngoài khu vực phong tỏa sẽ có nhiệm vụ hậu cần, sẵn sàng cung ứng đầy đủ những gì người dân cần.
Đối với các gia đình còn khó khăn, người già neo đơn, hoặc gia đình có thân nhân đi cách ly tập trung sẽ được hỗ trợ thêm các phần ăn miễn phí. Ngoài ra, hội phụ nữ còn làm nhiệm vụ kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm để đảm bảo đời sống sinh hoạt cho các hộ dân…
“Với phương châm “không một ai bị bỏ lại phía sau”, chúng tôi cố gắng hết sức hỗ trợ cho người dân trong khu vực phong tỏa. Tổ tự nguyện gồm 12 người sẽ thay phiên túc trực 24/24, sẵn sàng khi người dân cần. Bên cạnh hỗ trợ khu cách ly, hội phụ nữ cũng thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống Covid-19 trên địa bàn xã, phối hợp cùng các lực lượng chức năng bất kể khi cần…”, chị Lân chia sẻ.
Đều đặn 2 ngày một lần, chị Trần Thị Bông (Chi hội phụ nữ thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ) lại phân phát những tấm phiếu yêu cầu đến 340 hộ dân trong khu cách ly của thôn Châu Lâu. Đến khoảng 15h chiều cùng ngày chị sẽ đi thu gom lại rồi thống kê những vật phẩm cần mua, cần trợ giúp rồi gửi ra ngoài khu phong tỏa để các chị trong đội tình nguyện hỗ trợ.
“Hầu hết người dân đều muốn tự mình nấu cơm cho đảm bảo, nên họ cần người đi chợ giúp vì khu phong tỏa là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Không chỉ mua theo phiếu yêu cầu, bất kể khi nào người dân cần chúng tôi đều sẽ đáp ứng. Tôi ở trong khu cách ly cũng hiểu được những khó khăn của bà con nên luôn sẵn sàng khi họ cần. Tình làng nghĩa xóm khi tối lửa tắt đèn có nhau, nên có rất nhiều chị em cũng tình nguyện đến phụ giúp”, chị Bông nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Nam Hải - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Điện Bàn cho biết: “Mô hình đi chợ giúp người dân được thực hiện tại nhiều khu vực đang bị phong tỏa trên địa bàn thị xã để hỗ trợ người dân an tâm sinh hoạt. Hội phụ nữ thị xã thành lập 20 đội tình nguyện, mỗi đội 10 người do các chị Chủ tịch hội tại các xã, phường phụ trách để sẵn sàng hỗ trợ lực lượng phòng chống Covid-19 tại các địa phương và thị xã khi có yêu cầu”.
Nhằm chung tay thực hiện thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, Hội phụ nữ thị xã Điện Bàn đã xây dựng nhiều mô hình ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ cho nhân dân vùng bị phong tỏa tạm thời, khu cách ly.
Tiêu biểu như mô hình “bó rau nghĩa tình” bắt đầu từ phường Điện Nam Bắc sau đó đã lan rộng ra nhiều nơi như Điện Ngọc, Điện Hòa… Theo đó, Hội đã vận động trên 10 tạ rau củ quả các loại để ủng hộ đến các địa phương bị phong tỏa.
Hội phụ nữ cơ sở còn vận động may 6.000 khẩu trang vải tặng phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khó khăn. Ngoài ra, còn làm trên 5.000 mũ bảo hộ để tặng cho các hộ tiểu thương ở chợ, thành viên Ban chỉ đạo và cán bộ Trạm y tế xã, phường; phối hợp trao tặng 3 máy rửa tay sát khuẩn tại các điểm chốt chặn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.
Hội phụ nữ còn vận động cán bộ và hội viên phụ nữ hỗ trợ 345 suất quà, 15.000 khẩu trang, 100 bộ đồ bảo hộ, 1.500 chai sát khuẩn để hỗ trợ cho các cơ sở cách ly, điểm chốt chặn, công nhân mất việc, sinh viên, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và khu vực phong tỏa tạm thời.
Thăm, tặng nhu yếu phẩm tại 3 cơ sơ cách ly phòng khám đa khoa Phan Châu Trinh, Đại học Nội vụ và Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam và 23 điểm chốt chặn trên địa bàn thị xã, các xã, phường và khu phong tỏa; Đảm nhiệm công tác hậu cần, thay phiên nhau nấu cơm sáng, trưa, tối và khuya để phục vụ tại cơ sơ cách ly và 23 điểm chốt chặn.