1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Đội quân ăn xin” thuê xe ôm chở đi hành nghề!

(Dân trí) - Ở nhiều nơi, ăn xin là một “nghề”, có tổ nghề và có ngày giỗ tổ nghề giống như bao làng nghề truyền thống khác. Họ khoác lên mình những bộ quần áo nhếch nhác, lê lết đầu đường xó chợ để xin tiền. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ nghèo!

TP Tam Kỳ (Quảng Nam) dù là một thành phố trẻ, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khốn khó nhưng “nghề ăn xin” lại phát triển rầm rộ trong mấy năm trở lại đây.

 

“Buôn có bạn, bán có phường”

 

Chúng tôi lân la làm quen với ông Nguyễn Văn Thạch, một người chạy xe thồ tại bến xe TP Tam Kỳ, được nghe ông tiết lộ rằng gần đây ông thường xuyên chở những người lười lao động đi hành nghề ăn xin ở thành phố này. Ông cho biết: “Ngày càng có nhiều người thích làm cái nghề ăn xin này. Sáng sớm khoảng hơn 5 giờ, gần 20 người đủ các độ tuổi tập trung tại khu vực xóm Bún (gần ngã tư An Hà) sẵn sàng đồ nghề leo lên xe đến trung tâm TP. Trưa nắng đứng bóng lại về. Tối khoảng 6 giờ 30 lại một chuyến nữa cho đến tận nửa đêm. Họ trả tôi theo lương tháng giống như làm nhà nước, được gần 2 triệu đồng. Ban đầu tôi cũng mừng, nhưng sau thấy áy náy quá vì như mình tiếp tay cho người ta để lợi dụng lòng tốt của mọi người mà lừa đảo vậy…”.
 

Theo sự mách nước của ông, chúng tôi đến điểm đổ bộ của “đoàn quân ăn xin” tại chợ Tam Kỳ, nhưng đoàn quân này đã tản mát mỗi người một hướng để hành nghề. Chúng tôi bám theo một người đàn bà chừng ngoài 30 tuổi cõng theo một đứa trẻ, đi đến đâu chị ta cũng mở một điệp khúc: “Cháu bị bệnh không có tiền, xin các ông các bà cho cháu mấy đồng mua sữa cho con!”. Và tất nhiên khi nhìn thấy đứa trẻ ấy, nhiều người đã không ngần ngại móc tiền ra cho. Cứ thế hết nơi này đến nơi khác, vẫn cái điệp khúc ấy, chị ta đã có một số tiền kha khá, trong đó có những đồng tiền mệnh giá lớn. Đến gần trưa chị ta cùng đứa trẻ lên một chiếc xe thồ đi mất.

 

Cùng với người đàn bà cõng đứa bé nói trên, chúng tôi con thấy nhiều người đàn bà khác ăn mặc rách rưới, trên vai khoác những chiếc túi rác bươm, tay cầm chiếc bát nhựa chìa ra khắp nơi. Trong đó có những người hành nghề ăn xin một cách kỳ cục. Một thanh niên chừng 25 tuổi, quần áo tuy bám bụi nhưng bỏ áo trong quần rất đàng hoàng, đến những cửa hiệu buôn bán hay những quán cà phê đông người rồi xin bằng một câu khiến mọi người té ngửa: “Em bị thần kinh, không có tiền đóng viện phí nên nhờ mọi người giúp!”.

 
 
“Đội quân ăn xin” thuê xe ôm chở đi hành nghề! - 1
Người phụ nữ trẻ và đứa con nhỏ đến xin ăn tại quán nhậu

Theo tìm hiểu được biết người thanh niên ấy đúng là đang được điều trị tại Bệnh viện Thần kinh Quảng Nam, đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Tam Kỳ. Một điều đặc biệt là các bác sĩ điều trị cho anh ta đã cho phép anh ta đi ăn xin. Cùng với đó, có hai thanh niên chừng 20 tuổi, ngày nào cũng lân la đến các quán cà phê, các quán nhậu, nơi đông người qua lại để xin tiền. Một người bình thường, một người thì cố tỏ ra chân tay co quắp và thỉnh thoảng lại lên cơn co giật, thường đi chung với nhau và đồ nghề là một chiếc loa nhỏ đeo trên vai. Khi thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên, hai cậu thanh niên vội vã xua tay rồi bước đi rất nhanh…

 

Hay chuyện một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi, cụt một tay, đứt nửa bàn chân thường hay lân la đến các quán cà phê xin tiền, xin thuốc. Hỏi ông ta vì sao bị thương tích như thế, ông ta bảo đi chiến đấu tại chiến trường K bị thương, nhưng không được hưởng chế độ, tàn tật không làm được gì nên phải đi xin tiền sống qua ngày. Chúng tôi định hỏi han cặn kẽ chuyện của ông nhưng ông vội vã chạy đi vì có người gọi cho tiền…

 

Ông Thạch cho biết thêm, trước đây chỉ có một số người thật sự có hoàn cảnh éo le, bệnh tật mới đi ngửa tay xin ăn, nhưng vì thấy cái nghề này có thu nhập cao hơn hẳn làm ruộng, đi biển mà lại nhàn hạ nên mọi người đổ xô đi ăn xin. Từ khi thành phố Đà Nẵng và nhiều địa phương khác triển khai công tác truy quét các đối tượng ăn xin, thì TP Tam kỳ là nơi dừng chân lý tưởng của các đối tượng xin ăn, trong khi TP Tam Kỳ chưa có một chế tài nghiêm cấm, hay xử phạt các hình thức lợi dụng để xin tiền như thế này.

 

Từ lòng trắc ẩn đến sự phiền phức…

 

Các đối tượng ăn xin này thường tập trung đến xin tại các quán cà phê, chợ búa, quán nhậu, nơi đông người qua lại, và thường diễn nhiều trò để khơi gợi tình thương của mọi người. Nhiều người ban đầu cũng thương tình, nhưng lâu dần họ cũng thấy phiền phức.

 

Anh Trần Vũ, chủ quán cà phê Trầm, số 33 Lê Lợi, phường An Mỹ, than thở: “Ban đầu thấy họ đến xin, cũng thương mà cho tiền, nhiều khách cũng cho. Nhưng rồi họ quen cứ đến xin mãi. Hôm qua đến xin, hôm nay đến xin, mai lại đến xin nữa… vừa cho người này xong, người khác lại vào xin. Có buổi sáng đến gần chục người vào xin, làm sao mà chịu nổi…”.
 
“Đội quân ăn xin” thuê xe ôm chở đi hành nghề! - 2
Hai thanh niên khỏe mạnh dắt nhau đi xin sự bố thí

 

Chị Phan Thị Thúy Phượng, công nhân may thuê nhà trong hẻm Trần Cao Vân, phường An Xuân tâm sự: “Nhiều lúc tan ca về nhà, vừa đặt lưng xuống nghe tiếng gõ cửa, mở ra thấy mấy người ăn xin đứng trước cửa nên cho họ mấy ngàn lẻ để khỏi bị quấy rầy, nào ngờ hôm sau lại thấy mấy người họ gõ cửa xin tiếp, bực mình quá mà đuổi họ đi thì không nỡ, nhưng không cho. Vài lần như thế rồi họ không đến tìm nữa…”.

 

Lợi dụng lòng thương của mọi người để xin tiền là việc làm đã bị phê phán rất nhiều, nhưng có nhiều người vẫn vứt bỏ lòng tự trọng của mình vì những đồng tiền bố thí. Cũng như bao nhiêu nghề khác, nghề ăn xin của họ cũng đòi hỏi “lao động” bằng cách vờ vĩnh đau khổ, bệnh tật, đói lả và mệt mỏi. Họ diễn đủ trò để xin và xin đủ mọi cách để người ta bố thí.

 

Buồn hơn nữa là ăn xin có đủ mọi loại người, từ đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ… cả những người hoàn toàn khỏe mạnh, đang trong độ tuổi lao động cũng muốn sống nhờ vào sự bố thí của người khác.

 

Ngẫm mà buồn! Trong khi biết bao nhiêu người khuyết tật vẫn cố vươn mình để sống có ích thì một bộ phận người lành lặn lại tự chặt ngón tay, ngón chân, tự hành hạ bản thân cho thành ra khuyết tật; số khác không chịu được đau thì giả vờ co quắp, giả vờ mù lòa để ăn xin. Đáng buồn hơn, những kẻ ít lòng tự trọng ấy còn kéo cả con trẻ tham gia vào trò “lừa đảo lòng thương” của mình. Chính họ đã đào tạo ra một thế hệ trẻ lọc lõi, mất nhân phẩm và sẵn sàng tước bỏ lòng tự trọng vì đồng tiền.

 

Bùi Hữu Cường