1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Đòi nợ thuê bằng khẩu hiệu

Công ty thu nợ Dân An cho xe hơi án ngữ trước văn phòng công ty và nhà riêng, trên xe dán ''khẩu hiệu'' đòi nợ khiến gia chủ mất mặt.

Gần đây, Giám đốc Công ty Điện tử Đống Đa (Viettronics Đống Đa) Đào Duy Tính lo lắng và bức xúc cho biết: Từ ngày 25/7 đến 4/8, một chiếc xe ô tô của Công ty TNHH dịch vụ thu nợ Dân An chở theo một số người luôn đỗ án ngữ trước cổng cơ quan tại 56 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Đặc biệt trên thân xe dán dòng chữ khá to: ''Yêu cầu trả nợ: Ông Đào Duy Tính, GĐ Công ty Điện tử Đống Đa, HN, trụ sở 56 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Nhà riêng 153 Nguyễn Thái Học, HN''. Ông Tính bị sốc , cho rằng việc này ảnh hưởng tới uy tín cá nhân ông và Công ty Điện tử Đống Đa.

 

Cũng theo ông Tính, sáng 20/7, một người đàn ông tự xưng là An Xuân Hùng, Phó giám đốc Công ty Dân An cùng 5, 6 người đàn ông lạ mặt bất ngờ xuất hiện tại phòng làm việc của ông. Họ yêu cầu công ty thanh toán một món nợ hơn 31,5 ngàn đô la cho Công ty Dân An. Quá bất ngờ, ông Tính yêu cầu đưa ra chứng từ thì người công ty Dân An không chứng minh được, đành bỏ về.

 

Ông Tính lại nhận thông báo ký ngày 20/7 của Công ty Dân An cho biết: Công ty Dân An được Công ty Kỹ thuật và thương mại Ban Mai uỷ quyền, yêu cầu Viettronics Đống Đa trả hơn 31,5 ngàn đô la trước đây còn nợ Công ty Ban Mai. Hạn trả trước ngày 25/7. Giải thích sự việc này, ông Đào Duy Tính cho biết có liên quan đến việc sáp nhập, giải thể các pháp nhân. Ông cho rằng trong các quan hệ kinh tế đó các bên đã thanh toán hết công nợ với nhau. Khi thực hiện giải thể và sáp nhập đơn vị đã liên tục đăng thông báo trên các báo Nhân Dân và Hà Nội Mới để giải quyết các công việc còn tồn đọng. Hết thời hạn giải quyết, không có khiếu nại tranh chấp thương mại nào, do vậy công ty đã được công nhận giải thể và ông Tính được đề bạt làm Giám đốc Viettronics từ đó đến nay.

 

Theo ông Tính, Công ty Dân An còn cho người tới nhà riêng của ông lượn lờ trước nhà suốt từ 19h tới 23h nhằm gây sức ép. Ông Tính phải đưa cả nhà đi sơ tán nơi khác vì sợ.

 

Ngày 2/8, ông Tính trình báo sự việc với công an. Cùng ngày, công an Láng Thượng lập biên bản sự việc và yêu cầu Công ty Dân An phải đòi nợ theo đúng thủ tục, quy định của pháp luật: không kéo đông người, căng cờ, áp phích; không đưa phương tiện đến đỗ dưới lòng đường gây cản trở giao thông và hoạt động bình thường của các cơ quan trong khu vực; không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để thu nợ.

 

Lúc 22h cùng ngày, CS 113 bắt và áp giải đối tượng đòi nợ tại nhà riêng ông Tính cùng xe Suzuki biển 29X-4430 của Công ty Dân An về trụ sở công an phường.

 

Gần đây nhất, ông Tính cho biết, Dân An lại gửi các thông báo thu nợ đến các đối tác kinh doanh của Viettronics Đống Đa cũng như lãnh đạo TP Hà Nội. Trong đơn gửi công an, ông Tính ''khẩn thiết đề nghị Tổng cục CSND kịp thời can thiệp, kiềm chế sự manh nha hoạt động tội phạm có tổ chức đòi nợ thuê''.

 

Trung tá Nguyễn Thống Mười, Phó Trưởng Công an phường Láng Thượng cho biết: ''Việc Công ty Dân An cho ô tô đỗ dưới lòng đường trước cổng Công ty Điện tử Đống Đa, treo áp phích yêu cầu trả nợ đã gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và hoạt động bình thường của Công ty Điện tử Đống Đa. Đó là hành vi không đúng pháp luật''.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, GĐ Công ty thu nợ Dân An: ''Pháp luật không cấm, chúng tôi cứ làm!''.

Tại sao Công ty Dân An lại dùng cách đòi nợ kỳ lạ như vậy?

Chúng tôi đòi nợ Viettronics Đống Đa theo hợp đồng dịch vụ thu nợ và uỷ quyền của GĐ Công ty Ban Mai. Phương thức đòi nợ trên thực ra chỉ là một biện pháp nghiệp vụ thông thường. Trước khi đến thu nợ, chúng tôi đã nhiều lần chủ động đến liên hệ làm việc với ông Tính, gửi nhiều công văn yêu cầu trả nợ. Tuy nhiên, ông Tính đã tỏ thái độ bất hợp tác bằng cách không hồi âm công văn và tiếp sau đó là cho bảo vệ đóng cổng công ty, ngăn ản không cho cán bộ, nhân viên của chúng tôi vào. Vì thế mà chúng tôi phải viết yêu cầu trả nợ lên xe ô tô. Bảo vệ không cho chúng tôi vào thì chúng tôi đứng đợi ngoài cổng, không phải đe doạ mà chỉ là chờ đợi và yêu cầu ông Tính trả nợ.

Nhưng họ lại cho rằng phương thức đòi nợ này vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín công ty và cá nhân giám đốc?

Chúng tôi có chức năng làm dịch vụ thu nợ, đã được ghi trong giấy phép kinh doanh. Qua tìm hiểu các quy định của pháp luật, chúng tôi không thấy có quy định nào cấm áp dụng biện pháp đòi nợ trên. Pháp luật không cấm có nghĩa là chúng tôi được làm. Nếu ông Tính không trả nợ, chúng tôi sẽ vẫn áp dụng phương pháp đòi nợ trên. Trên xe ô tô chúng tôi cũng chỉ ghi ''yêu cầu ông Tính trả nợ'', không có lời lẽ gì xúc phạm tới danh dự của ông Tính. Không cho chúng tôi vào nhà và công ty thì chúng tôi cho người đứng ở ngoài chờ.

 

 

Theo Pháp luật TPHCM