1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đối mặt với “thủy thần”

Mới đầu mùa mưa lũ mà nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất bờ sông. Hàng trăm hecta đất canh tác bị cuốn mất, hàng ngàn hộ dân mất nơi ăn chốn ở, đang sống bên miệng "thủy thần".

Không đủ đất cất chòi

 

Khu vực chợ Thuận Giang (xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang) bên sông Vàm Nao giờ đây là cảnh hoang tàn, đổ nát. Đó đây bà con đang tháo dỡ nhà cửa, dựng tạm những căn chòi để ở. Đầu tháng 5, một vụ sụp lở đất cuốn theo năm căn nhà và năm người dân xuống sông. Ba người được vớt kịp, còn hai người đến hôm sau mới tìm thấy xác.

 

Thế rồi đất cứ lở dần, lở dần, dọc bờ sông còn xuất hiện thêm nhiều vết nứt chạy dài ăn sâu vào bờ 5-15m. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang cho biết khu vực này có khả năng lở sâu vào 300m trên đoạn dài gần 8km và hiện đang sạt lở với tốc độ cao, liên tục...

 

Bờ sông Tiền từ biên giới tới thị trấn Tân Châu (Tân Châu, An Giang) nhiều đoạn cũng đang sạt lở nặng. Nghiêm trọng hơn, đoạn bờ sông ở ấp Long Thị C, thị trấn Tân Châu vốn sạt lở nặng đang lở thêm. Nguy cơ sạt lở sẽ tiếp tục lan rộng, có khả năng xóa sổ luôn thị trấn hơn 30.000 dân này!

 

Bên kia sông Tiền là huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) với bờ sông lở lói chạy dài. Tại ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, thủy thần sau khi gặm mất đất màu, đất vườn đã liếm sát vào nhiều lớp nhà dân. Ông Lê Văn Bé, tổ 2, chỉ giề lục bình giữa sông, nói: “Hồi tôi lập gia đình đất còn ở tận ngoài đó, nay con trai út tôi cưới vợ thì đất không còn đủ để cất cái chòi... Nay mai căn nhà này không biết sẽ dời đi đâu, về đâu”.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan hữu quan tỉnh Bạc Liêu, nạn sạt lở đang đe dọa nuốt chửng nhà của ít nhất trên 600 hộ dân sống gần kênh, rạch, sông. Tại Cà Mau dù chưa thống kê được số hộ có nguy cơ bị sạt lở thiệt hại tài sản, song theo ghi nhận của chúng tôi, có thể lên đến vài ngàn hộ dân...

 

Có thể dời dân

 

Nói về thực trạng sạt lở trong mùa mưa trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ông Mai Văn Toan - đoạn phó Đoạn quản lý đường sông số 14 - lo lắng: “Mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở đã trở nên hết sức căng thẳng. Hầu hết các tuyến sông chính như sông Gành Hào, Bảy Háp, Năm Căn, Ông Đốc... đều nằm trong tình trạng báo động đỏ về sạt lở”.

 

Ông Trần Quốc Nam - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau - cho biết trên nhiều trục giao thông thủy ở Cà Mau trong vòng 10 năm qua đã bị sạt lở mất từ vài chục đến hàng trăm mét. Cá biệt đoạn sông từ TP Cà Mau về huyện Năm Căn sạt lở đã cuốn đi mỗi bên bờ sông 75m.

 

Cùng với lở đất là không biết bao nhiêu vườn tược, lộ làng, nhà cửa của người dân. “Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp ngăn chặn. Nhưng số vốn cần để chống sạt lở là quá lớn, nên xét cho cùng thì vẫn chưa có được một giải pháp nào khả thi, có thể triển khai ngay và ngăn chặn được ngay vấn nạn sạt lở” - ông Nam nói.

 

Tiến sĩ Bùi Đạt Trâm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang - nói: “Chúng ta không thể xây dựng công trình nhằm bảo vệ đất bờ sông ở tất cả các khu vực sạt lở vì rất tốn kém và không khả thi.

 

Với khu vực nông thôn, chủ yếu là phải dự báo cho được mức độ diễn biến lòng sông và sạt lở đất bờ sông hằng năm, trong nhiều năm làm cơ sở khoa học để quyết định di dời dân, bố trí dân cư, các công trình hạ tầng đến vị trí mới có thời gian an toàn trong một thời gian dài.

 

Chỉ với các khu đô thị, trung tâm kinh tế xã hội lớn mới nhất thiết nghiên cứu phương án xây dựng công trình bảo vệ, chẳng hạn như xây kè. Cả những nước giàu có, tiên tiến vẫn làm thế”.

 

Theo Đức Vịnh - Như Ý

Tuổi Trẻ