Đội kèn tây “khủng” nhất cả nước

(Dân trí) - Không chỉ được xem là đội kèn tây ra đời sớm nhất tỉnh Nam Định, đội kèn hợp nhất giáo xứ Phạm Pháo còn được xem là đội kèn tây “khủng” nhất cả nước khi có trên 800 thành viên chia thành 12 hội kèn nhỏ nằm khắp 26 thôn của xã Hải Minh.

Hiện nay tại tỉnh Nam Định có trên 200 đội kèn đồng, đội ít là 30 tay kèn, đội nhiều khoảng 70 tay kèn. Ở các huyện ven biển như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, 100% các xã đều có đội kèn đồng. Riêng huyện Hải Hậu có gần 100 đội kèn đồng, mỗi đội có 35-50 nhạc công. Trong đó Đoàn kèn hợp nhất giáo xứ Phạm Pháo, làng Phạm Pháo, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu được xem là đoàn kèn tây lớn nhất cả nước với 800 thành viên, chia làm 12 hội kèn nhỏ nằm khắp 26 thôn của xã Hải Minh.

1.200 người hợp xướng kèn đồng tại hội thi nhạc kèn và đồng ca hợp xướng tỉnh Nam Định năm 2012.
1.200 người hợp xướng kèn đồng tại hội thi nhạc kèn và đồng ca hợp xướng tỉnh Nam Định năm 2012.

Ngay từ năm 16 tuổi, những chàng thanh niên các Giáo xứ của xã Hải Minh đều đi học kèn. Thầy giáo dạy nhạc kèn của những thành viên mới học cũng là những nhạc sỹ có tiếng như nhạc sỹ: Đinh Ngọc Liên, Nguyễn Hữu Quách, Thanh Hải…

Hầu hết từ trẻ con đến người già ở giáo xứ Phạm Pháo cũng chẳng lạ gì với những chiếc kèn tây, họ xem đó là món ăn tinh thần không thể thiếu. Hàng ngày, họ là những người nông dân một nắng hai sương, nhưng mỗi khi có hội, có lễ trong giáo xứ, những người nông dân chân lấm, tay bùn ấy lại biến thành nghệ sỹ kèn tây với một bè kèn đồng hoành tráng.

1.200 người hợp xướng kèn đồng tại hội thi nhạc kèn và đồng ca hợp xướng tỉnh Nam Định năm 2012.
 Những ngày lễ, ngày hội của các huyện Hải Hậu không thể thiếu món ăn tinh thần đó là tiếng kèn đồng.

Không chỉ có đội kèn tây “khủng” nhất cả nước, ở giáo xứ Phạm Pháo cũng là nơi làm kèn đồng thủ công đầu tiên ở Nam Định. Ban đầu, những chiếc kèn đồng ở đây đều phải mua từ nước ngoài. Gắn bó với chiếc kèn đồng lâu dần cũng khiến người dân nơi đây tự mày mò những chiếc kèn do nước ngoài sản xuất để học sửa kèn, làm kèn đồng. Dần dần, hình thành nghề làm kèn đồng ở làng Phạm Pháo.

Ông Nguyễn Văn Oánh một thợ làm kèn đồng cho biết: “Thời gian ban đầu có rất ít gia đình làm kèn đồng. Làng nghề kèn đồng chúng tôi thực sự chỉ phát triển từ khoảng chục năm gần đây, nhờ phong trào thổi kèn đồng ở Nam Định cũng như các tỉnh lân cận phát triển mạnh nên hơn 70% các hộ trong làng đã theo nghề làm kèn, nhiều hộ bỏ hẳn cấy lúa để theo nghề làm kèn”.

 Anh Ngô Văn Hòa, người tham gia sản xuất thổi thử chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam.
 Anh Ngô Văn Hòa, người tham gia sản xuất thổi thử chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam.

Điểm riêng của nghề làm kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện theo phương pháp thủ công. Những ống đồng được cán phẳng, uốn theo hình dạng của loại kèn đồng định làm. Chỉ có những chiếc kèn đồng lớn mới dùng đến máy tiện, máy uốn thủy lực để định hình. Còn lại các công đoạn đánh bóng, tạo âm đều được làm bằng sự cần mẫn, tỉ mỉ của người thợ kèn.

Huyện Hải Hậu không chỉ có đội kèn đồng “khủng” nhất cả nước mà còn có cả đội kèn “tóc dài” đó là những người phụ nữ. Huyện Hải Hậu hiện nay có khoảng 20 đội kèn nữ. Đặc biệt là nhiều đội kèn nữ còn đạt được nhiều thành tích hơn đội nam. Tiêu biểu là đội kèn đồng nữ xã Hải Bắc với 46 thành viên nhưng họ đã xuất sắc đạt giải nhì tại Hội thi nhạc kèn toàn tỉnh Nam Định và được mời biểu diễn ở hầu hết các lễ hội lớn của tỉnh.

Cũng ở Nam Định, nhưng ở huyện Xuân Trường, không ai lạ gì lão nông Đinh Văn Mạnh chính là người chế tạo ra chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chiếc kèn đồng này nặng tới 3 tạ, dài 5,5 m, loa kèn rộng 1,25m, do giám mục Hoàng Văn Tiệm đặt ông Mạnh làm để đưa về trưng bày tại Tòa giám mục Bùi Chu, huyện Xuân Trường.

Chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam đang đặt tại Tòa giám mục Bùi Chu, huyện Xuân Trường.
Chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam đang đặt tại Tòa giám mục Bùi Chu, huyện Xuân Trường.

Để làm ra chiếc kèn này, ông Mạnh và con rể là anh Ngô Văn Hòa cùng 3 người cháu phụ việc bắt đầu làm từ tháng 4 đến tháng 8/2005 mới hoàn thành, bằng phương pháp thủ công. Để thổi được chiếc kèn này, ông Mạnh chế tạo thêm một đầu nối với ống thổi có đường kính rộng trên 40cm.

Với âm nhạc, những người dân thành Nam mong muốn các thế hệ trẻ có một tâm hồn trong sáng, nhân văn và nhân hậu. Qua đó họ cũng muốn lớp trẻ biết về lịch sử của chính những chiếc kèn đồng. Hay như chính ông Nguyễn Văn Oánh nói: “Nghề làm kèn và sửa kèn của làng tôi chỉ để thỏa mãn niềm đam mê và theo truyền thống thôi.... thu nhập từ nghề cũng rất khiêm tốn. Nhưng chúng tôi vẫn cố giữ lấy nghề”.

Đức Văn