Đổi giờ học, giờ làm: Lo giờ cha mẹ “trái” với con trẻ
(Dân trí) - Giải pháp đổi giờ học, giờ làm nhằm chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội được Bộ trưởng Giao thông Vận tải chấp thuận đang là vấn đề nóng trong dư luận. Giới chuyên môn cơ bản đồng tình song vẫn băn khoăn về những phát sinh của việc lệch giờ.
Xây dựng khung hay quy định cứng?
Bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề ùn tắc giao thông là mối liên quan trong đề xuất của ngành giao thông về việc đổi giờ học, giờ làm, ông Phạm Ngọc Qúy - Phó Hiệu trưởng trưởng Đại học Thủy Lợi cho rằng: “Trong cuộc sống vận động, mọi cái đều có liên quan đến nhau. Vì vậy, khi thay đổi cái này thì sẽ liên quan đến hàng loạt những vấn đề khác nên cần nghiên cứu kỹ, xem xét đầy đủ về các mối quan hệ, các hoạt động lưu thông để có những tính toán phù hợp. Trước kia đã có quy định cho các trường, các cơ quan chọn giờ học, giờ làm nhưng 1 thời gian sau thì bẵng đi và không thực hiện được”.
Nhận mình không phải là nhà quy hoạch và quản lý giao thông, nhưng ông Quý “trộm nghĩ”: vấn đề đổi giờ học, giờ làm để chống ùn tắc giao thông là giải pháp trước mắt, có thể quy định trong 1 khung mềm chứ không nên ban hành ra 1 quy định cứng. Nghĩa là cho phép các cơ quan, các ngành, các trường có cách thức ứng xử và điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Quý, đặt ra một khung mềm là để cho các trường, các cơ quan có nhiều sự lựa chọn về giờ học, giờ làm việc. Thay vì nghỉ thứ 7, chủ nhật thì có thể cho sinh viên nghỉ vào giữa tuần, nghỉ theo buổi chứ không nhất thiết phải đồng thời nghỉ thứ 7, chủ nhật như hiện nay, miễn sao vẫn đủ 40h làm việc trong tuần theo quy định và đảm bảo lịch học tập cho sinh viên…
Trong khi đó, quan điểm của TS.Lê Văn Thành - Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng - lại cho rằng không phải chờ ban hành thành quy định mà tự bản thân mỗi trường, mỗi cơ quan nên chọn khung không tắc đường để nhân viên đi làm thuận lợi hơn.
“Sinh viên trường tôi và tôi không bị tắc đường bao giờ, lý do là giờ học buổi sáng bắt đầu từ lúc 7h kém 15 phút, còn giờ tan trường là 17h30 chiều, đó không phải thời gian cao điểm của giao thông nên không bị tắc đường. Tôi cứ ra khỏi nhà từ rất sớm và về rất muộn, tôi tránh được giờ cao điểm nên không thấy có gì khó chịu về ùn tắc giao thông” - TS. Lê Văn Thành cho hay.
Còn ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Mỏ Địa chất nhìn nhận: “Tôi ủng hộ giải pháp đổi giờ học, giờ làm. Về hình thức áp dụng thì nên quy định cứng sẽ tốt hơn nhưng phải tính toán cho hợp lý. Ngoài đối tượng học sinh sinh viên, nên kêu gọi mọi người đi sớm hoặc đi muộn khoảng 30 phút thì sẽ tránh khỏi được tắc đường (tự mình phải xác định tuyến đường mình hay đi khi nào tắc để tự điều chỉnh)”.
“Cần nghiên cứu chuỗi chuyến đi”
Vụ Vận tải (Bộ GTVT) sau nhiều chuyến khảo sát tại Hà Nội đã có báo cáo gửi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về giải pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm. Trong đó đề xuất quy định cụ thể giờ đi học từ 6h30 đến 7h30; giờ làm việc của các cơ quan trung ương trên địa bàn Hà Nội bắt đầu từ 8h00; giờ làm việc của các cơ quan địa phương từ 8h30; giờ mở cửa của các trung tâm kinh doanh, thương mại: từ 9h30 đến 10h00.
Tuy nhiên, theo TS Khuất Việt Hùng: “Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ các hoạt động trong đô thị và chuỗi chuyến đi kết nối các hoạt động của các nhóm dân cư trong giải pháp này. Tức là, nghiên cứu về biến động nhu cầu tham gia giao thông trong ngày như thế nào và logic về hoạt động trong ngày của các nhóm dân cư ra sao để thấy rõ rằng khi chuyển thời điểm bắt đầu của hoạt động A nào đó thì sẽ dẫn tới những thay đổi về thời gian của hoạt động B”.
Trên thực tế, việc điều chỉnh lệch giờ đã và đang được thực hiện ở khối trường học ở Hà Nội nhưng các khối cơ quan, doanh nghiệp, dịch vụ, Trung tâm thương mại, siêu thị vẫn chưa thực hiện lệch giờ dẫn đến nguyên nhân xảy ra ùn tắc.
“Mỗi giải pháp đều có giới hạn của nó. Khối trường học đã điều chỉnh giờ giấc, nhưng những khối dịch vụ, kinh doanh vẫn chưa thực hiện được cần thiết phải có sự nghiên cứu, nên hay không nên, nhóm nào bắt đầu từ giờ nào và kết thúc khi nào… Sau khi làm xong nghiên cứu, nếu được chấp thuận thì mọi chuyện sẽ ổn” - TS Khuất Việt Hùng lý giải.
Đối với hình thức thực hiện giải pháp, TS. Khuất Việt Hùng nhìn nhận nên quy định cứng giờ giấc đối với khối cơ quan hành chính dịch vụ công, còn doanh nghiệp, dịch vụ kinh doanh nên quy định thời gian bắt đầu nhưng nới rộng trong khoảng thời gian để họ tự điều chỉnh cho phù hợp.
Trước những luận bàn sôi nổi về giải pháp đổi giờ học, giờ làm nhằm chống ùn tắc giao thông, trao đổi với báo chí sáng nay (19/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết phải tính toán kỹ lưỡng về việc sẽ đổi giờ như thế nào cho hợp lý nhất, mọi việc sẽ phải nghiên cứu và điều chỉnh dần dần, chứ 1 sớm 1 chiều sẽ không thay đổi được ngay. “Khi xây dựng vấn đề này tất nhiên có nghĩ tới việc thay đổi giờ làm của người lớn thì sẽ ảnh hưởng đến việc đi học của trẻ nhỏ. Nhưng phương án có thể tính tới lúc này là người dân Hà Nội làm ở cơ quan địa phương nhiều hơn hay cơ quan Trung ương nhiều hơn, từ đó thay đổi giờ làm của người lớn ở nơi nào thì sẽ thay đổi giờ học của trẻ nhỏ để các phụ huynh vừa đi làm vừa thuận lợi đưa con đi học. Kể cả đối với khối các trường Đại học, không thể quy định cùng 1 giờ học mà sẽ căn cứ vào số lượng trường trên cùng 1 tuyến phố, 1 khu vực để có sự thay đổi. Mọi việc sẽ phải nghiên cứu và điều chỉnh dần dần” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay. |