1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hải Dương:

Đòi đền bù tiền tỷ từ… 300 con gà chết?

(Dân trí) - Biên bản giữa các chủ trang trại gà, UBND xã Hợp Tiến và UBND huyện Nam Sách đều thống nhất cho rằng có 5.400 con gà bị chết ngạt do sự cố điện. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT tiến hành “khai quật” hố chôn chỉ phát hiện có… 321 con gà chết.

Trước đó, ngày 1/7, trong quá trình xử lý sự cố cháy đầu cáp, Đội quản lý tổng hợp Phả Lại – Điện lực Chí Linh (Công ty Điện lực Hải Dương) đã đấu nhầm thứ tự pha khiến cho hệ thống điện tại xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách bị thay đổi.

Sử dụng điện của Công ty TNHH điện Hợp Tiến (khách hàng mua buôn điện của Công ty Điện lực Hải Dương) nên khi xảy ra sự cố, động cơ hệ thống làm mát trong trang trại gà của gia đình ông Mạc Văn Quang và ông Mạc Văn Duẩn, ở thôn Cao Đôi (xã Hợp Tiến) đã bị quay ngược, không làm mát khiến gà chết hàng loạt.

Phát hiện ra sự việc, ông Quang và ông Duẩn đã báo cho Công ty điện Hợp Tiến để khắc phục sự cố. Đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương để giải quyết hậu quả.

Theo các biên bản: Biên bản kiểm tra hiện trạng; Biên bản kiểm tra gia cầm chết bất thường; Biên bản làm việc và Biên bản tiêu hủy gà do đại diện UBND huyện Nam Sách, UBND xã Hợp Tiến và hai hộ gia đình lập vào ngày 2/7 đều cho rằng nguyên nhân gà chết là do điện gây ra, không có dịch bệnh.

Dư luận đang nghi vấn về việc có sự móc nối kê khống số gà chết hưởng tiền đền bù.
Dư luận đang nghi vấn về việc có sự "móc nối" kê khống số gà chết hưởng tiền đền bù.

Tuy nhiên, các ban, ngành có mặt tại hiện trường lại không tiến hành kiểm đếm số lượng gà chết, không lập biên bản kiểm đếm, mà chỉ nghe theo lời “khai” của hai hộ gia đình ông Quang và ông Duẩn.

Theo khai báo, gia đình ông Quang có 4.000 con gà bị chết và ông Duẩn là 1.400 con, đều là gà đang đẻ trứng. Các gia đình yêu cầu được phải bồi thường 180.000 đồng cho mỗi con gà. Tính ra, ngành điện lực phải bồi thường thiệt hại với số tiền lên tới 972 triệu đồng. Ngoài ra, còn khoảng 4.000 con gà yếu, tiền thuốc, tiền trứng gà đẻ giảm… “nhà điện” phải bồi thường cho hai gia đình trên tổng cộng số tiền lên tới trên 2,3 tỷ đồng.

Ngày 2/7, UBND huyện Nam Sách đã triệu tập cuộc họp làm việc gồm UBND huyện Nam Sách, UBND xã Hợp Tiến, Chi cục Thú Y huyện Nam Sách, Điện lực Nam Sách, Công ty điện Hợp Tiến và hai hộ gia đình bị thiệt hại. Sau đó các bên thống nhất tiêu hủy 5.400 con gà bị chết nhưng không lập biên bản kiểm đếm và Quyết định tiêu hủy gà.

Đến ngày 14/8, Điện lực Nam Sách đã trao đầy đủ số tiền 972 triệu đồng cho hai gia đình ông Duẩn và ông Quang. Công ty điện Hợp Tiến cũng đã trao 360 triệu đền bù số gà yếu cho hai hộ tại trụ sở UBND xã Hợp Tiến vào ngày 17/8.

Tuy nhiên, ngày 22/9, Nguyễn Trọng Hữu - Giám đốc Công ty Điện lực Hải Dương đã ký văn bản số 6666/CV PCHD-TTBV&PC gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương và văn bản số 7159/PCHD-TTBV&PC gửi Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hải Dương đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc trên có dấu hiệu kê khống số gà chết để hưởng tiền đền bù.

Trong văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, ông Hữu cho rằng: “Sau khi xác minh và tìm hiểu về số lượng gà chết mà hai gia đình đã kê ngày 2/7, Công ty Điện lực Hải Dương có được thông tin số gà chết của gia đình ông Quang và ông Duẩn chỉ khoảng 1.000 con gà chứ không phải là 5.400 con như đã kê và được Công ty điện lực Hải Dương chi trả đầy đủ tiền hỗ trợ. Hiện hai gia đình này đang cãi nhau về việc ăn chia tiền nhận được và đã tố nhau là kê khống số gà chết để ăn vạ, đòi bồi thường. Như vậy có dấu hiệu hai gia đình trên đã cố tình lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản.”

Đơn đề nghị của GĐ Công ty Điện lực Hải Dương gửi cơ quan CSĐT vào cuộc làm rõ.
Đơn đề nghị của GĐ Công ty Điện lực Hải Dương gửi cơ quan CSĐT vào cuộc làm rõ.

Ngay sau đó, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hải Dương vào cuộc xác minh, làm rõ và tổ chức “khai quật”, kết quả kiểm đếm xác định tại hố chôn chỉ có… 321 con gà chết, chứ không phải 5.400 con như đã khai báo.

Lý giải về việc số lượng rất lớn gà chết bỗng dưng “bốc hơi”, ông Phạm Đình Thế, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, Nam Sách, Hải Dương cho rằng: Do toàn bộ số gà chết của hai gia đình không phải do dịch bệnh nên trong quá trình chở đi tiêu hủy, nhiều người dân đã xin mang về sử dụng hoặc dùng vào mục đích khác. Cũng có trường hợp xin lấy đi bán nên mới có chuyện như vậy.

Theo ông Thế, không có chuyện các gia đình kê khống số gà chết để nhận tiền đền bù, bởi vì lúc lập biên bản kiểm đếm, tiêu hủy số gà trên, ngoài các lực lượng chức năng, ban ngành địa phương còn có Phó Giám đốc Chi nhánh Điện lực Nam Sách có mặt ký vào biên bản, chụp ảnh…

Ông Hồ Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, Hải Dương thừa nhận với báo chí, ông cũng có mặt tại hiện trường nhưng các lực lượng chức năng không tiến hành kiểm đếm, mà chỉ nghe những gia đình khai báo số lượng gà chết.

Chiều 5/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Lâm cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện Nam Sách đã thành lập đoàn công tác, tổ chức nhiều cuộc họp để thương lượng giải quyết, đảm bảo công bằng cho các bên. Sau khi có kết quả thống nhất, chúng tôi giao UBND xã Hợp Tiến tiêu hủy số gà chết theo quy định. Việc gà chết bị “hao hụt” sau tiêu hủy có thể là do quá trình vận chuyển, gà bị rơi hoặc người dân mang về ăn do không phải gà dịch. Hiện Cơ quan Công an đang vào cuộc điều tra, khi nào có kết luận từ cơ quan chức năng chúng tôi sẽ có căn cứ để xử lí, giải quyết.”

Được biết, sau khi sự cố xảy ra, Điện lực Hải Dương đã tiến hành kỷ luật và yêu cầu những cá nhân liên quan phải đền bù thiệt hại cho các gia đình. Theo đó, Điện lực Thị xã Chí Linh phải bồi thường 648 triệu đồng (4 công nhân dấu nhầm pha điện: 432 triệu đồng, 4 lãnh đạo Điện lực Thị xã Chí Linh: 216 triệu đồng). Điện lực Nam Sách bồi thường 324 triệu đồng.

Sau vụ việc, những công nhân tổ điện hôm đó đã trở thành những “con nợ” khi phải thế chấp sổ đỏ, sổ lương của những người thân trong gia đình di vay số tiền lớn. Trong đó, có trường hợp anh Phương Quốc Liêm, công nhân tổ điện đã thế chấp sổ đỏ của bố mẹ, 2 sổ lương của hai vợ chồng để vay tiền; còn anh Vũ Mạnh Trung cũng phải thế chấp sổ lương, vay mượn số tiền lớn để bồi thường cho hai hộ gia đình nói trên.

Q. Đô