1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đối đầu “quái vật 981” - bài 1: Hoàng Sa - chưa bao giờ gần thế

Tôi đang đến với Hoàng Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước đang từng ngày dậy sóng…

“Chuyển quân” trên biển Hoàng Sa. Ảnh: H.V.M
“Chuyển quân” trên biển Hoàng Sa. Ảnh: H.V.M
 
Vẫy tay chào đất liền đang dần xa với nỗi xúc động không thể nào tả hết: Tôi là 1 trong 19 phóng viên đầu tiên có mặt trên Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc (DN926) từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đang thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa - nơi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 như một “quái vật” tại “hiên nhà” của Việt Nam.

Tôi đang đến với Hoàng Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước đang từng ngày dậy sóng…

Sá chi hiểm nguy…

Việc đầu tiên của chúng tôi trên Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc là họp đoàn để nghe thông báo chung về tình hình liên quan đến Hải Dương 981. Lãnh đạo của cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam - hai đơn vị chủ lực đang làm nhiệm vụ chấp pháp xua đuổi “quái vật” ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa - cập nhật những thông tin mà với thời điểm đó (10.5) là rất mới: Để bảo vệ cho “quái vật”, Trung Quốc đã huy động gần 80 tàu, gồm: Hải cảnh, hải giám, ngư chính, tàu cá cùng 3-5 tàu tên lửa hộ vệ và tấn công nhanh. Các tàu Trung Quốc dàn hàng ngang trước “quái vật” và chia thành 2 lớp với bán kính hoạt động từ 10 -13 hải lý.

Việt Nam đã điều khoảng 30 tàu dân sự của cảnh sát biển và kiểm ngư chia làm 5 mũi tiến về Hoàng Sa để xua đuổi “quái vật” ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đã có những đối đầu, đụng độ diễn ra trên biển và phía Việt Nam đã có những thiệt hại bước đầu với nhiều tàu cảnh sát biển, kiểm ngư bị hư hỏng, 9 kiểm ngư viên bị thương...

Không khí phòng họp nóng dần lên khi lãnh đạo cảnh sát biển và kiểm ngư “doạ” rằng: Trung Quốc đang hành động ngày càng quyết liệt và chúng ta cũng quyết liệt không kém trong việc thực hiện chấp pháp bảo vệ chủ quyền, nên hoạt động tác nghiệp của các phóng viên sắp tới ngoài biển sẽ vô cùng khó khăn và gian khổ. Sau khi dẫn lại việc 9 kiểm ngư viên bị thương do tàu Trung Quốc phun vòi rồng và đâm húc, một lãnh đạo nói rằng “sắp tới việc xua đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển chủ quyền sẽ quyết liệt hơn. Vì vậy, chúng tôi rất quan tâm đến sự an toàn của các nhà báo. Chấp nhận ra đấy là các anh có thể coi là những phóng viên chiến trường. Chúng tôi không loại trừ sắp tới sẽ có phóng viên bị thương khi tác nghiệp...”. 
 
Những phóng viên đầu tiên có mặt tại vùng biển Hoàng Sa trên tàu DN926.
Những phóng viên đầu tiên có mặt tại vùng biển Hoàng Sa trên tàu DN926.

Vị lãnh đạo dừng lại, ánh mắt đảo quanh chúng tôi một lượt rồi cao giọng: “Tôi nói nghiêm túc, bây giờ, nếu có ai sợ hiểm nguy thì có thể lên bờ để về nhà”. Đáp lời là những ánh mắt thể hiện sự quyết tâm và lòng can đảm. Đình Thiệu - phóng viên của VOV thường trú tại Đà Nẵng - mặt xanh nhợt do say sóng dù... tàu chưa khởi hành, ghé tai tôi nói nhỏ: “Tổ quốc đang có biến, mình sá chi hiểm nguy, anh hè...”.

Tàu khởi hành, chúng tôi nôn nóng đến mức có người đi chất vấn thuỷ thủ trên tàu rằng “sao tàu mình lại đi có 9 hải lý/giờ, mà không phải là 12 hay 15 hải lý/giờ để chúng tôi được nhanh đến hiện trường?”. Vừa đến khu vực đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thì nhiều thành viên trong đoàn phải chống chọi với khó khăn đầu tiên: Say sóng! Khi tòa soạn trao nhiệm vụ ra biển, tôi đã thoáng nghĩ đến những cơn nôn triền miên, nhưng rồi tôi đã tự động viên: “Cứ nghĩ đến việc Trung Quốc đang cướp đất của mình ngoài Biển Đông thì sóng gió chỉ là chuyện nhỏ như mỡ con muỗi”. 

Và thật kỳ diệu khi khoảng giữa của những trận nôn thốc tháo trên tàu DN926 tưởng chừng có thể ngất đi, cũng như ngày đêm hiên ngang sau đó trên tàu kiểm ngư 763, thuốc chống nôn duy nhất của tôi là hình ảnh những tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc lao ầm ầm về phía tàu Việt Nam, trên boong hiện rõ đám hải cảnh đứng chống nạnh chỉ tay đầy thách thức và phát loa đe doạ bằng tiếng Việt lơ lớ: “Đề nghị tàu cá Việt Nam ra khỏi vùng biển của Trung Quốc, nếu không chúng tôi sẽ tiến hành bắt giữ...”.

Hoàng Sa yêu dấu

Rồi tàu chúng tôi cũng đến được nơi cần đến, sau hải trình dài 1 ngày đêm. Vội vã lao ra thành tàu khi nghe đài chỉ huy thông báo đã ở cách vị trí Trung Quốc hạ đặt trái phép “quái vật” 20 hải lý. Mọi người xôn xao. Ai đó bảo từ đây chỉ cách đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa khoảng 30 hải lý. Lồng ngực bỗng thắt lại, mắt rưng rưng, tay tôi run lên khi vịn vào thành tàu. Chưa bao giờ tôi thấy mình đến gần với Hoàng Sa máu thịt đến như thế, gần đến mức có thể nghe được những mùi vị của nhớ nhung, đau thương, uất hận... đang lớp lớp xô vào thành tàu trên những đầu sóng.

 Tàu tiến về Hoàng Sa gần hơn 1 hải lý, rồi thêm 1 hải lý nữa... Hoàng Sa yêu dấu ơi, tôi đang đến với người đây. Hãy cho tôi biết “thân thể” người có vàng hơn những xứ khác, “máu” của người có mặn hơn “máu” trong bờ hằng ngày tôi tắm gội? Người có đang nhớ nhung đất liền như triệu triệu tái tim Việt suốt 40 năm qua vẫn đau đáu về người? Bỗng những hồi chuông báo động rung lên, kéo tôi về thực tại.
 
Những phóng viên đầu tiên có mặt tại vùng biển Hoàng Sa trên tàu DN926.
Vừa ra đến vị trí Trung Quốc hạ đặt “quái vật” trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, tàu DN926 đã bị các tàu Trung Quốc lao ra “chào hỏi”.

Chúng tôi vội vàng ôm máy ảnh, máy quay phim chạy lên boong chỉ huy. Không khí trên tàu lúc này rất căng thẳng. Có ít nhất 5 tàu các loại của Trung Quốc đang bao vây, hướng mũi về phía tàu 926 của Việt Nam. Liếc qua màn hình radar trên tàu, thấy hai bên và phía trước tàu 926 thời điểm ấy có ít nhất cũng 120 tàu hiển thị, trong đó chỉ khoảng 30 tàu là của Việt Nam. “Chú ý, một con đang lao đến từ mạn phải, hai con đang chĩa mũi về phía mạn trái, một con đang hướng đến phía sau với tốc độ nhanh... Trái 10 độ. Phải 7 độ... Anh em vào vị trí, đóng kín tất cả cửa, đề phòng tàu Trung Quốc phun vòi rồng...” - những mệnh lệnh, thông báo liên tục được thuyền trưởng và các thành viên trên tàu liên tục phát đi.

Vừa ra tới nơi đã được tàu địch nghinh đón, chúng tôi mỗi người chọn cho mình một vị trí tác nghiệp thuận lợi với tâm trạng chờ đợi vô cùng háo hức. Tuy nhiên, sự háo hức căng thẳng chỉ diễn ra trong mấy phút, bởi “thấy tàu mình mới ra nên bọn chúng chỉ lao ra thăm dò chứ chưa tấn công” - lời một chỉ huy trên tàu. Mọi người dãn ra. Tôi lặng lẽ bước xuống mạn tàu ở phía tầng 1, nơi lúc nãy tôi vừa nghe được mùi vị của Hoàng Sa, nhưng mùi vị đó lúc này đã khác...
 
Không sợ Trung Quốc, chỉ sợ “chuyển quân”
 
Vừa xong màn "chào hỏi" với tàu Trung Quốc, tôi được chỉ huy trên tàu thông báo: Đất liền vừa có lệnh, phóng viên Báo Lao Động chuyển sang tàu kiểm ngư để tác nghiệp trong những ngày tới và chuẩn bị sẵn sàng để “chuyển quân” trong chiều nay. “Chuyển quân” trên biển vô cùng nguy hiểm, bởi mùa này biển động, sóng cấp 4 cấp 5, trong khi các tàu chênh lệch nhau về trọng lượng nên kéo theo sự khác nhau về biên độ sóng. Chỉ cần một thoáng sơ sẩy là “quân” có thể bị tàu nghiến đứt một phần thân thể, thậm chí là mất mạng. Trong 7 ngày tác nghiệp trên vùng biển Hoàng Sa, tôi đã có hai lần “chuyển quân” vào buổi chiều và đêm tối. Tôi đã không một cái chớp mắt, không chút nao núng khi bao lần đối đầu trực diện với tàu Trung Quốc trên biển. Nhưng trong 2 lần “chuyển quân” ấy, lần nào tôi cũng có cảm giác tính mạng mình ở thế ngàn cân treo sợi tóc...
 

Theo Hoàng Văn Minh

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm