Dọc đường tác nghiệp và những câu chuyện cười ra nước mắt
(Dân trí) - Bị lợn đuổi, bị xin giấy giới thiệu làm kỉ niệm, bị tai nạn đến mức mẻ cả răng… là những câu chuyện cười ra nước mắt của cánh phóng viên báo chí. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, xin chia sẻ để bạn đọc hiểu hơn về công việc của người làm báo.
Vào nghề 10 năm nhưng nhà báo Nguyễn Thị Thanh Phúc (Phó phòng thư ký Báo Nghệ An) vẫn không thể nào quên được kỉ niệm những ngày đầu đến với nghề báo. Năm 2006, Thanh Phúc ra trường và được vào thử việc tại Báo Nghệ An. Chuyến đi công tác xã miền núi Hữu Khuông – Hữu Dương (huyện Tương Dương) năm đó mỗi lần nhớ lại, Thanh Phúc vẫn không nhịn được cười.
Lần đầu tiên đi miền núi, lại được anh chị đồng nghiệp đi trước “mách nước” nên vấn đề lương thực được ưu tiên nhất. Để chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài 3 ngày, Thanh Phúc “khuân” 20 gói mì tôm, bánh mì, sữa. Trời nắng ráo, công việc thuận lợi lại được đồng bào tiếp đãi cơm nên Phúc mang mì tôm, bánh mì, sữa chia hết cho trẻ em trong bản để sáng mai về xuôi.
Ai ngờ, đêm trời đổ mưa. Trận mưa kỷ lục cộng thêm với việc chưa có sóng điện thoại khiến Hữu Khuông bị tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Vậy là phải ở lại trong bản, chờ nắng lên, đường thông mới có thể ra thị trấn để về xuôi. May còn được đồng bào nuôi ăn. Nhưng 4-5 ngày ròng rã ăn xôi chấm muối trắng, cô phóng viên tập sự chỉ nhìn thấy xôi là sợ chết khiếp.
“Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy chủ nhà băm băm, chặt chặt, tưởng sắp được ăn cháo gà. Hóa ra chủ nhà nấu cháo… nhái cho ăn. Khiếp xôi, nhìn cháo nhái sợ phát hoảng nhưng không thể không ăn. Cháo vừa trôi vào dạ dày thì cái bụng biểu tình, chỉ kịp cầm giấy chạy…
Nhưng lạ là mình chạy đến đâu là… đàn lợn chạy đến đó. Mình dừng thì đàn lợn dừng. Cuộc rượt đuổi diễn ra trong khi cái bụng réo có nguy cơ không thể kiềm chế được nữa. Lần đó không có ông chủ nhà giải cứu thì đúng là không biết làm thế nào với đàn lợn.
Khi về đến huyện, kể chuyện cho anh cán bộ huyện nghe. Anh cười bảo ở trong bản, lợn thả rông, ăn cả chất thải của người. Nên khi thấy người cầm giấy là nó biết đi đâu. Cán bộ vào bản, muốn đi vệ sinh phải cầm ca táp để… đánh lạc hướng đàn lợn. Lợn thấy cầm ca táp, tưởng cán bộ đi công tác, không phải đi vệ sinh nên không đi theo - nhà báo Thanh Phúc kể lại nhưng vẫn không nín được cười.
Phóng viên Phạm Hòa (Zing.vn) thì toàn gặp sự cố với giấy giới thiệu công tác của tòa soạn. Một lần, tôi cùng Phạm Hòa liên hệ với Ban giám thị Trại giam Nghệ An để gặp gỡ, viết bài về tử tù. Vì giấy giới thiệu của tôi được ép nhựa nên sau khi xem xét, Đại tá Trần Thăng Long (khi đó đang là Giám thị Trại giam Công an tỉnh Nghệ An) đặt bút phê luôn trên giấy giới thiệu của PV Phạm Hòa. Nhìn dòng chữ “chuyển đội quản lý phạm nhân tạo điều kiện cho 2 phóng viên tác nghiệp” viết ngay trên đầu giấy giới thiệu, Phạm Hòa cười như mếu. Sau đợt đó, Phạm Hòa phải xin lại giấy giới thiệu của tòa soạn để tác nghiệp.
Lần khác, Phạm Hòa đi công tác ở huyện. Vào nhà dân hỏi chuyện. Chủ nhà không tin, bắt phải mang giấy giới thiệu ra kiểm tra rồi mới trả lời. Sau khi ông chủ nhà xem xong thì trả lại cho phóng viên. Bỗng một người khác chạy lại, ý muốn xem tờ giấy giới thiệu của Hòa. Đang bận phỏng vấn chủ nhà, Hòa cũng quên khuấy mất giấy giới thiệu. “Xong việc, xếp máy ảnh, sổ, bút vào ba lô mới nhớ đến giấy giới thiệu. Hỏi xin lại giấy giới thiệu, bác ấy ngạc nhiên: “Lúc nãy xin rồi mà. Xin làm kỷ niệm” rồi lôi tờ giấy giới thiệu gấp tư ngay ngắn trong túi áo ra. Trình bày mãi, cuối cùng bác ấy cũng chịu trả lại”, Phạm Hòa nhớ lại.
Cơn lũ dữ vào tháng 10/2010 nhấn chìm một phần tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cũng chính trong cơn lũ kinh hoàng này, dòng nước đã cuốn trôi chiếc xe khách khi tài xế cố vượt lũ nhấn chìm quốc lộ 1A (thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Chiếc xe cùng hơn 20 người con người bị cuốn trôi xuống dòng sông Lam, trên xe có cả người già và trẻ em. Việc tìm và xác định vị trí chiếc xe để trục vớt hết sức khó khăn. Khi lực lượng cứu hộ cứu nạn quần nát cả khúc sông thì anh em phóng viên cũng trong tình trạng trực chiến. Mỗi thông tin mới về việc tìm kiếm chiếc xe khách cùng các nạn nhân đều được đưa đến cho độc giả một cách nhanh nhất.
Lúc ấy, nhà báo Nguyễn Đắc Lam (Báo Pháp Luật TPHCM) cùng các phóng viên đang ở rốn lũ huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nhận được thông tin về chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi anh vội vàng tìm cách xuôi theo dòng lũ đục ngầu về hiện trường.
May mắn, đội thợ lặn “tay bo” là người quen – nhân vật đã từng xuất hiện trong bài viết “Thần đèn dưới nước” của anh. Nhờ mối quen biết này, anh là phóng viên duy nhất không bị đẩy lên bờ mà trực tiếp có mặt trên con tàu trục vớt chiếc xe khách.
Vì trên tàu không có sóng 3G, máy tính lại hết pin nên không thể chuyển ảnh về tòa soạn cho bài tường thuật “Trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi”, Đắc Lam phi xe máy về Tp Vinh để gửi với mong muốn đưa thông tin đến người dân nhanh nhất. Do khu vực này vẫn đang bị mất điện nên hệ thống đèn đường bị vô hiệu hóa. Chiếc xe máy của nhà báo Đắc Lam sa vào vùng cát bị lũ cuốn lên mặt đường. Chiếc xe quay ngang rồi đổ xuống, cày thêm cả chục mét trên mặt đường bê tông. Cú ngã khiến mặt Đắc Lam đập xuống đường, chảy máu miệng, quần áo rách te tua nhưng may quá, máy ảnh và máy tính vẫn nguyên!
Mặt bầm dập, các vết thương chảy máu, đau nhức và sưng phù nhưng không thể bỏ giờ tường thuật vì người thân của các nạn nhân cùng bạn đọc đang chờ tin từng phút, từng giây. Với bộ dạng như đi đánh trận về, Đắc Lam chật vật dựng con “chiến mã” lên, chạy tìm được một quán cháo đêm đang đỏ đèn để nhờ cắm máy tính, chuyển ảnh về tòa soạn (thông tin đã cập nhật trước đó qua điện thoại). Khi quay lại hiện trường, anh được các đồng nghiệp sơ cứu, lúc này mới phát hiện một phần chiếc… răng cửa đã không còn.
Kể từ khi tôi biết anh, vẫn là nụ cười hiền như thế, chỉ khác hơn trước là chiếc răng cửa đã bị mẻ một mảng. Hỏi anh sao không hàn răng cho đẹp. Anh cười: “Nhiều khi anh cũng nghĩ đến việc hàn lại răng nhưng nghĩ tới, nghĩ lui quyết định để như vậy. Cái răng mẻ nhắc anh về một trong những kỉ niệm của đời làm báo. Khi lũ dữ về, nhiều người đã phải bỏ mạng còn anh may mắn hơn, chỉ bị mẻ răng”.
Anh tâm sự, thời gian qua ở Nghệ An có nhiều vụ tai nạn thương tâm khiến nhiều người chết như chìm đò ở Chôm Lôm (Con Cuông) làm 19 học sinh thiệt mạng; vụ sập núi ở công trường Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) làm 19 kỹ sư, công nhân chết; vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Yên Thành) cướp đi sinh mạng của 18 người dân… Là người làm báo phụ trách khu vực, khi xảy ra sự việc trên, anh đều có mặt tại hiện trường sớm để chụp ảnh, viết bài đưa tin để cung cấp cho bạn đọc những thông tin một cách nhanh nhất và chính xác nhất có thể.
Trách nhiệm của người đưa thông tin đến bạn đọc đã được hoàn thành nhưng những sự kiện tang thương ấy còn ám ảnh anh mãi về sau. Như tất cả những người làm báo, bỏ lại sau tất cả những khó khăn, nguy hiểm, anh vẫn đi, vẫn viết, vẫn miệt mài với từng con chữ, từng sự kiện, từng số phận con người bởi đó không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm xã hội của người cầm bút.
Hoàng Lam