Trung tướng Hữu Ước: “Nghề báo là nghề trên pháp trường trắng”
(Dân trí) - Trung tướng, nhà báo Hữu Ước- nguyên Tổng biên tập Báo Công an nhân dân- chia sẻ: "Chúng tôi thường gọi nghề báo là “nghề trên pháp trường trắng”, phía trước là một chiến trường không có cái gì cả, nhưng vào đó thì phải nhào lộn, tả xung hữu đột mới ra được tác phẩm hay".
Gặp gỡ phóng viên Báo điện tử Dân trí tại ngôi nhà số 100 phố Yết Kiêu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - trụ sở Chuyên đề An ninh Thế giới), nhà văn - nhà báo Hữu Ước - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an, nguyên Tổng biên tập Báo Công an nhân dân - Truyền hình An ninh - tâm sự: “Khi nghỉ công tác quản lý sau 20 năm làm tổng biên tập và 40 năm làm báo chuyên nghiệp tôi rất nhẹ nhõm, thanh thản. Tuy nghỉ rồi nhưng dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 này vẫn nhận được không biết bao nhiêu giấy mời, thư từ, điện thoại chúc mừng. Điều đó cho thấy xã hội vẫn rất trân trọng những người làm báo có thành tựu. Tôi thấy rất vui và cảm giác nghề mình được xã hội kính trọng. Dịp này chúng tôi cũng nhớ về những người anh, người thầy đã dạy mình làm báo như bác Hữu Thọ”.
Cái gốc của báo chí là tính nhân văn
Phóng viên: Nhưng thưa ông, mới đây nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - nói rằng sau 50 năm cầm bút, ông rất đau lòng khi thấy uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người giờ không dám nhận là nhà báo vì báo chí sai sự thật quá nhiều và có những cái sai không ngờ…
Trung tướng, nhà báo Hữu Ước: Với những người làm báo nghiêm túc, cả đời gắn bó với nghề báo thì độ nhạy cảm rất cao. Các cụ là những tấm gương cả đời vì sự nghiệp báo chí. Thời đại công nghệ thông tin như hiện nay có nhiều mặt tích cực, có nhiều đóng góp trong việc cung cấp thông tin cần thiết cho mọi người rất nhanh. Nhưng thông tin trong thời điểm này quả thực nhốn nháo, đứng trước một vấn đề độ chính xác không cao. Công nghệ thông tin có cái tốt nhưng lại tạo ra lớp cán bộ lười nhác, phóng viên lười nhác không đi vào thực tế, chỉ nghe theo tai người khác, lời người khác, rồi về xào xáo. Điều đó khiến người làm báo chân chính rất buồn.
Trước đây các tờ báo có các cây bút tên tuổi, nhưng bây giờ điểm ra tờ báo nào có cây bút tên tuổi, uy tín xã hội thì đúng là đốt đuốc đi tìm. Các cây bút tên tuổi dần dần mất đi, các báo thông tin đơn giản, nhanh và nhiều khi không đến nơi đến chốn, làm báo không có bản sắc. Đó là thực trạng buồn của báo chí hiện nay.
Trước đây các phóng viên trẻ, còn non nghiệp vụ đã được ông rèn rũa thế nào để trở thành những cây bút tên tuổi, sắc bén?
Trước đây chúng tôi ra tờ báo An ninh Thế giới và sau này là Văn nghệ Công an đã tạo ra rất nhiều cây bút tên tuổi. Nhưng nghề báo thì lạ thế này, khác nghề văn, có khi trước đây viết rất tốt, trẻ viết rất hay nhưng già viết không hay nữa. Có lẽ viết mãi báo cũng chán, ban đầu nhìn cái gì cũng mới, già rồi thì nhìn cái gì cũng thấy cũ vì họ từng trải quá. Trên hệ thống báo chí bây giờ cây bút có tay nghề cứ hết dần, người có tay nghề thì chuyển sang làm công tác quản lý hết, không có điều kiện viết nữa. Thế hệ hiện nay đa cực, nhu cầu nhiều quá, nhiều cái thích quá, rồi chuyện cơm áo gạo tiền…
Trước đây cả mấy chục người mới có một tờ báo, bây giờ mấy chục người làm mấy tờ báo thì không thể kỹ được và bị chi phối rất nhiều yếu tố. Trước đây chỉ quan tâm cầm bút, viết thật hay, còn bây giờ bị chi phối nhiều như thế thì làm sao có những bài báo tầm cỡ được. Phải lao tâm khổ tứ. Nghề báo là một nghề đặc thù, không phải ngày hôm qua viết hay thì hôm nay cũng viết hay. Bài nào cũng phải là bài bắt đầu với chất lửa và có đầy đủ chất liệu. Ngày hôm qua có vĩ đại trời đi nữa thì hôm nay không đầu tư cũng trở thành nhạt nhẽo.
Chúng tôi thường gọi nghề báo là “nghề trên pháp trường trắng”, phía trước là một chiến trường không có cái gì cả, nhưng vào đó thì phải nhào lộn, tả xung hữu đột mới ra được câu văn hay. Hiện nay do nhu cầu thông tin cập nhật, cạnh tranh, công nghệ quá đầy đủ, nhu cầu của người làm nghề có nhiều thứ quá. Trước đây chúng tôi không nghĩ chuyện nghỉ mát, đi chơi. Nó thành thói quen rồi, ngày lễ Tết vẫn lên cơ quan, không viết thì đọc, xem. Bây giờ có tuổi rồi cũng thế, xem và đọc 7-8 tiếng mỗi ngày. Người làm nghề dứt khoát phải đọc, phải xem. Nhà báo hiện nay có hàng vạn người, nhưng để có những nhà báo nhắc tới xã hội phải xem như một sự khám phá thì không thấy. Trước đây chúng tôi làm báo phải đi bằng xích lô cơ mà, nhưng tại sao lại có một loạt nhà báo tên tuổi lẫy lừng, viết cái gì ra cái đó. Chúng tôi học báo chí là học lộ cộ, nghề cầm bút là nghề tự rèn luyện và phải có lòng đam mê.
Tôi hưởng lương từ binh nhì và hiện nay hưởng lương Thượng tướng nhưng tôi chưa biết nghỉ ngày nào, đi chơi vẫn phải cầm quyển sách, ngồi máy bay cũng thế, trong cặp lúc nào cũng có sách và giấy. Bây giờ lúc nào cũng thấy các bạn cầm máy lướt lướt, ỷ lại về phương tiện quá.
Bác Hữu Thọ nói đúng, thông tin lộn xộn, không nhất quán, viết không sâu, không kỹ. Lớp trẻ viết báo không tính tới hậu quả. Gốc của báo chí ngoài tính chân thật, nhanh nhạy phải đặt tính nhân văn lên hàng đầu. Một số báo lá cải hiện nay ai dám cho con cái xem, toàn đăng chuyện không phổ biến trong đời sống xã hội, toàn đăng cái dị dạng, quái thai. Những tờ báo đó không thể tồn tại.
Nhưng nếu báo chí chỉ viết về những điều nhân văn thì sẽ ít độc giả?
Những tờ báo đi theo hướng nhân văn vẫn có bạn đọc, ảnh hưởng xã hội. Cái chính nằm ở ông chủ tờ báo, ông tổng biên tập ấy. Ông chủ bút, ông tổng biên tập thế nào thì tờ báo sẽ như thế. Ông chụp giật thì quân của ông cũng đi chụp giật, ông cổ điển thì làm báo nghiêm ngắn nhưng sẽ không hay, không táo bạo. Làm báo là phải chạm được tới vạch vàng, quan trọng là tính cảnh báo và dự báo trong đời sống xã hội và cái gốc của nó là nhân văn.
Tại sao câu chuyện về Đặng Thùy Trâm đã xa xưa lắm rồi lại có thể giúp một tờ báo tăng mấy chục vạn 1 số. An ninh Thế giới ban đầu có viết về đâm chém, cướp giết gì đâu mà lên tới cả triệu bản? Nhân văn chính là cái đó, viết báo bằng tâm hồn và trái tim thì vẫn có sức hút lớn thế, ai đọc cũng xúc động. Trong văn học cũng thế, có những tiểu thuyết dày cộp nhưng phải đọc tới díp mắt mới thôi, bởi văn hay, vấn đề hay, chi tiết hay. Giá trị thật của đời sống mãi mãi tồn tại, anh không đi theo được nó anh sẽ thua.
Báo chí có quyền giữ bí mật nguồn tin
Vừa qua lại có khá nhiều trường hợp nhà báo bị hành hung, đe dọa, đánh đập dẫn tới chấn thương trong quá trình tác nghiệp. Ông có cho rằng đã tới lúc pháp luật phải coi hoạt động tác nghiệp của báo chí là thi hành công vụ để nhà báo được bảo vệ tốt hơn?
Việc này phải gắn liền với sửa đổi Luật Báo chí. Nhà nước pháp quyền, ai cũng hiểu phải bảo vệ nhà báo tác nghiệp đúng đắn, như nhà báo thời chiến ấy luôn đầy nguy hiểm. Không ai muốn phơi bày cái xấu ra cả và nhà báo viết về những cái này phải có nghề. Họ cần được cơ quan công quyền nhà nước hỗ trợ, bảo vệ bằng luật pháp.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Báo chí cần tiếp tục quy định việc báo chí được quyền giữ bí mật nguồn tin, trừ trường hợp có yêu cầu của Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?
Người ta cung cấp nguồn tin cho mình thì phải giữ bí mật. Việc chỉ để chánh án và viện trưởng kiểm sát mới có quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin, theo tôi đó là quy định đó là đúng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn nói rằng phải tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động. Ai cũng hỏi được báo chí về nguồn tin ở đâu ra thì sẽ làm giảm việc phát hiện, tố cáo của công dân.
Ông từng nói rằng việc đấu tranh chống tiêu cực trên mặt báo như đứng trên gươm giáo, đi trên dây. Vậy làm sao để không rơi xuống vực?
Đi trên dây là xác định viết vấn đề gì đưa lên phương tiện thông tin đại chúng là trước hết nó phải là sự thật. Ta viết không vì một động cơ gì ngoài phục vụ xã hội. Tiêu cực A, tiêu cực B phải phanh phui ra, trong đó không có động cơ vụ lợi gì thì chả có việc gì phải sợ cả, chấp nhận đối đầu, đi trên lửa, trên gươm giáo.
20 năm làm Tổng biên tập tôi rất tự tin. Tất nhiên không phải lúc nào cũng đúng, nhưng cái sai của mình không vì động cơ cá nhân, không ăn tiền của ai, không vì người này đánh người kia.
Đừng nên quay lại ngọn núi mình đã đi qua
Ông thành công trên khá nhiều lĩnh vực nhưng ông thích người ta gọi mình với danh xưng nào nhất?
Văn là nghề, báo là nghiệp. Cả đời vinh quang là xây dựng hệ thống báo chí, cả báo viết và truyền hình của công an. Trong lịch sử không có nước nào có hệ thống báo chí công an mạnh như Việt Nam. Đó là thực tế, tất nhiên Bộ rất ủng hộ tôi. Tôi may mắn được lãnh đạo Bộ, Tổng cục qua các thời kỳ tin tưởng, ủng hộ. Lực lượng công an rất yêu tôi, tôi như một biểu tượng của họ.
Ông có định quay trở lại làm báo nữa không?
Khi đã leo lên đỉnh núi rồi thì đừng đi leo đỉnh núi khác. Đừng nên quay lại ngọn núi mà mình đã đi qua, cái gì cũng có một thời. Ai cũng có một thời. Bây giờ tôi chỉ xoay quanh nghề văn chương thôi.
Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)