TT-Huế:

Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật

(Dân trí) - Hàng trăm người dân nuôi ong di cư ở Nam Bộ, Tây Nguyên đổ xô về những khu rừng keo lá tràm dọc QL 49 (tỉnh TT-Huế) để đưa đàn ong đi khắp những cánh rừng lấy mật. Đây là nghề được coi là lạ lùng với người dân xứ Huế.

Nghề nuôi ong không giống với bất cứ nghề nào khác. Người làm nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe và phải chịu khó mới không bị chồn chân mỏi gối khi theo những cánh ong đi lấy mật khắp vùng miền.

Dưới những tán rừng keo lá tràm thuộc địa phận xã Bình Thành, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) là gần 500 tổ ong được đặt dưới những gốc cây của vợ chồng ông Trần Văn Minh, người có thâm niên nuôi ong đi lấy mật được gần chục năm. Ông Minh cho biết: “Loại ong này được nhập khẩu từ Australia, lượng mật cho nhiều gấp 2 lần so với ong trong nước và hương vị mật rất thơm nên giá bán cũng cao hơn so với ong nuôi nội địa”.

Ông Minh quê ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hàng năm vợ chồng ông Minh thường đưa đàn ong của mình đi lấy mật tại các tỉnh như Bắc Giang, Bình Phước… “Ở Huế có nhiều khu rừng tràm là điểm sinh sống lý tưởng của đàn ong, hơn nữa vào thời gian này hoa tràm đang trổ nên ong lấy được rất nhiều mật. Vì vậy chúng tôi quyết định thuê xe để đưa đàn ong của mình ra đây lấy mật” – ông Minh lý giải cho việc đưa đàn ong của mình đến Huế lấy mật.

Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 1

Vợ chồng ông Minh hàng ngày đến các tổ ong “di cư” từ trong Vũng Tàu của mình để lấy mật

Dưới túp lều nhỏ đủ để che mưa, che nắng và những đồ dùng nhỏ cần thiết cho việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày bà Nguyễn Thị Sen, vợ ông Minh cho biết: “Cứ khoảng 7 ngày đến một tuần thì lấy mật một lần, mỗi lần cũng được khoảng gần 2 tấn mật ong. Mật ong sẽ được công ty thu mua mật trong Vũng Tàu ra cân trực tiếp với giá 30.000 đồng/ 1kg. Trừ mọi khoản chi phí  bình quân mỗi năm gia đình cũng thu được khoảng 600 trăm triệu đồng”.

Để có được số tiền đó những người nuôi ong đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và vất vả, nhất là lúc đầu phải đi xa để tìm hiểu kỹ lưỡng về điều kiện tự nhiên của vùng đó xem có phù hợp cho đàn ong phát triển không, tìm được rồi lại phải đi thương lượng với chủ rừng vì nhiều người chưa hiểu về nghề này cứ nghĩ ong sẽ làm hại đến rừng.

Đã nhiều người trở nên giàu có từ nghề này những cũng không ít người thua lỗ, nợ nần chồng chất vì gặp nhiều yếu tố bấp bênh như : Điều kiện thời tiết không thuận lợi, đàn ong chết do dịch bệnh, bị mất con ong chúa hay gặp phải chủ rừng khó tính, không hiểu biết về ong nên sợ ong làm ảnh hưởng đến rừng…

Cách chỗ vợ chồng ông Minh khoảng 200m, chúng tôi đi đến trang trạng của anh Trịnh Văn Tiên (quê Bà rịa – Vũng Tàu), mới 30 tuổi nhưng anh Tiên đã có 5 năm kinh nghiệm trong nghề đưa ong đi lấy mật.

“Nghề này rất vất vả vì phải đi đi hầu khắp các tỉnh từ bắc vào nam, cứ chỗ nào khí hậu mát mẻ, có nhiều cây cối và hoa nhiều thuận lợi cho loài ong thì dừng lại. Đôi khi nghề này cũng bấp bênh không khác nào đi đánh bạc vậy, thuận lợi thì còn có thu nhập, gặp xui xẻo thì trắng tay và trở nên nợ nần” anh Tiên thở dài.

Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 2
Thổi khói vào ong trước khi lấy mật

Anh Tiên kể chuyện về người chú ruật của mình trước đây hai năm, khi cùng một số người đêm ong ra miền bắc lấy mật. Do chưa biết rõ về thời tiết khắc nghiệt của miền bắc khi vào mùa đông khiến hàng nghìn đàn ong của những người này bị tiêu chảy rồi lăn ra chết, từ đó họ trở thành trắng tay và còn nợ nần chồng chất nữa.

Trước sự thất bại của chú mình nên anh Tiên đã tìm hiểu rất kỹ về thời tiết ở Huế trước khi đưa đàn ong của mình ra đây. Vì vậy anh Tiên cho biết mình cũng chỉ ở đây đến khoảng hết tháng 9 là cũng cho đàn ong về quê vừa cho chúng nghỉ ngơi sau một thời gian rong ruổi ở các tỉnh khác, vừa để tránh thời tiết mưa nhiều ở huế ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn ong.

Không chỉ ở những khu rừng dọc quốc lộ 49 đi huyện Hương Trà và huyện A Lưới, mà người nuôi ong còn đến những khu rừng tràm ở hai bên tuyến đường La Sơn – Nam Đông qua địa phận xã Xuân Lộc, Lộc Sơn của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, những khu rừng bạt ngàn rừng tràm rất thuận lợi cho đàn ông phát triển.

Những thuận lợi về tự nhiên khi nuôi ong ở Huế. Những người sống bằng nghề đưa ong đi lấy mật lại hứa hẹn năm sau sẽ đưa rong ruổi cùng đàn ong trở lại Huế gặp lại những cánh rừng bạt ngàn rừng tràm và gặp lại những người dân xứ Huế hiền hòa, thân mật đã tạo điều kiện giúp đỡ cho những người nuôi ong mà mình không quen biết.

Dưới đây là một số hình ảnh về các công đoạn nuôi ong lấy mật của những người nuôi ong từ miền Nam tại Huế

Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 3

Ông Minh đang hun khói vào tổ ong để ong chạy xuống dưới thuận lợi cho việc lấy mật.
Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 4

Anh Tiên cho biết khi lấy mật phải chú ý cẩn thận tránh làm tổn hại đến con ong chúa.
Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 5
\
Bà Nguyễn Thị Sen đang gọt bớt những màng cứng ngoài vỉ trước khi lấy mật.
Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 6

Bà Sen đang quay cho mật văng ra khỏi vỉ.
Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 7

Mỗi tổ ong có khoảng hàng nghìn con ong thợ chăm chỉ làm việc.
 
Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 8

Để tránh bị mất ong chúa ông Minh phải xịt nước mỗi khi lấy mật.
Độc đáo nghề đưa ong đi... tìm mật - 9
Những túp lều nhỏ bé luôn là những yếu tố giúp người nuôi ong di cư sống được với nghề.

Ngọc Thụ - Đại Dương