1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Độc đáo “hụi heo” ngày Tết đất miền Tây

(Dân trí) - Trong những ngày cận tết, ở miền Tây có nét văn hóa đặc trưng riêng mà khó nơi nào có là chơi hụi heo. Trước đó, nhiều người ở nông thôn cùng góp vào một khoản tiền để cuối năm mua con heo về xẻ thịt chia nhau ăn Tết.

Mừng tết Giáp Ngọ năm nay gia đình ông Nguyễn Hoàng Thanh ngụ xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) quyết định rủ mấy hộ hàng xóm cùng xẻ thịt con heo rừng nuôi nặng trên 100 kg để chia nhau ăn tết.

 

Nhiều người gọi đây là hụi heo nhưng nhiều hụi viên khỏi cần góp vốn như một số địa phương khác mà chỉ cần tới ngày đến chia thịt heo về ăn Tết khỏi phải tốn công ra chợ. Heo rừng thịt rất ngon vì nuôi trong môi trường tự nhiên, ăn thức ăn chủ yếu là rau, củ nên ông Thanh vừa rủ xẻ thịt là rất nhiều người trong xóm đăng ký tham gia mua.
 
Gia đình ông Thanh và những người hàng xóm quyết định xẻ thịt con heo rừng để chia nhau ăn Tết.
Gia đình ông Thanh và những người hàng xóm quyết định xẻ thịt con heo rừng để chia nhau ăn Tết.

 

Ngày 28 Tết, ông Thanh mổ heo thì có mấy người hàng xóm đến phụ được ông đãi 1 bữa cháo lòng heo gọi là ăn tất niên rồi mỗi người chia vài ký thịt heo về nhà ăn tết. Giá được ông Thanh tính rẻ hơn ngoài thị trường (150 ngàn đồng/kg) nên vừa làm heo xong thì hàng xóm đã đến chia hết sạch.

 

Ông Nguyễn Văn Cần ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hình thức chơi hụi heo ăn Tết đã có từ rất lâu ở miền Tây nhưng mỗi nơi có cách chơi khác nhau.

 

Có xóm cùng hùn tiền lại để mua heo về giết thịt chia nhau còn những bộ phận như lòng, đầu thì nầu cháo để những người tham gia giết heo cùng nhau ăn xem như tiệc tất niên. Có nơi một người nuôi heo tới tết thay vì bán cho thương lái thì kêu những người trong xóm lại mổ heo rồi chia thịt ăn tết”.

 
Cùng nhau tham gia mổ heo
Cùng nhau tham gia mổ heo
 

Theo ông Cần, hình thức này thể hiện sự tương trợ, tình làng nghĩa xóm trong những ngày giáp Tết. Bởi vì nếu một hộ gia đình rất khó để mua 1 con heo về giết thịt, trong khi ngoài chợ giá thịt lại đắt.

 

Ở những địa phương lại có những cách chơi hụi heo khác nhau. Bà Nguyễn Thị Phỉ ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ cho biết: “Trước đây người ta tham gia chơi hụi heo phải đưa tiền trước những tháng đầu năm để người chủ hụi có tiền mua heo giống, thức ăn về nuôi.

 

Người chủ hụi không hùn tiền chủ yếu lấy công nuôi để cuối năm được chia thịt ăn Tết. Cách chơi hụi này chẳng tình lời lãi gì nhưng chủ yếu là tình làng xóm với nhau”.

 
Và chia phần thịt để ăn Tết.

Và chia phần thịt để ăn Tết.
 

Tuy nhiên, theo bà Phỉ mấy năm nay cách chơi hụi heo cũng khác đi để phù hợp điều kiện thực tế. Đầu năm bà và một số người trong xóm hùn lại mỗi người khoảng 500 ngàn đồng để đưa chủ hụi nhưng chủ hụi không mua heo giống như trước đây mà lấy tiền đó làm ăn hay mua bán để kiếm lời.

 

Tới cuối năm thì chủ hụi phải có trách nhiệm mua lại 1 con heo với trọng lượng như giao kèo trước đó để làm thịt, chia lại cho những người tham gia chơi hụi.

 

Chơi hụi heo ngày Tết ở miền Tây mấy năm gần đây cũng ít dần vì nhiều hộ gia đình đợi tới những ngày giáp Tết ra chợ mua vài ký thịt về cho tiện. Tuy vậy, nhiều địa phương nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn tổ chức chơi hụi heo, hùn tiền mua heo về xẻ thịt thể hiện nét văn hóa rất riêng của những người ở thôn quê trong mấy ngày Tết.

 

Minh Giang