1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Doanh nhân Thái Bình chế tạo tàu ngầm mini lặn bùn, vượt cạn

(Dân trí) - So với tàu ngầm Trường Sa 1 được sản xuất vào năm 2013, tàu ngầm mini mới này được kỳ vọng mang nhiều tính năng khác, hiện đại hơn như có thể vượt qua bùn, bãi cạn…

Doanh nhân Thái Bình chế tạo tàu ngầm mini lặn bùn, vượt cạn

Lặn bùn, vượt cạn

Sau dự án chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1 gây sự chú ý của dư luận, doanh nhân người Thái Bình Nguyễn Quốc Hòa lại bắt tay thực hiện tiếp dự án chế tạo tàu ngầm mini có khả năng lặn bùn và vượt cạn, sử dụng nhiều công nghệ mới.

Dự án tàu ngầm mini này được ông Hòa bắt tay thực hiện từ tháng 10/2014 và có tên gọi là Hoàng Sa. Theo kế hoạch, con tàu mới này sẽ được tiến hành thử nghiệm vào tháng 10 tới. Hiện tại, ông Nguyễn Quốc Hòa vẫn đang cùng các cộng sự gấp rút hoàn thiện những công đoạn chế tạo và lắp ráp cuối cùng.


Khoang lái của tàu ngầm Hoàng Sa (Ảnh: Quốc Hòa)

Khoang lái của tàu ngầm Hoàng Sa (Ảnh: Quốc Hòa)

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết, so với tàu ngầm Trường Sa 1 thì tàu ngầm mới này có nhiều tính năng vượt trội hơn. Tàu có trọng lượng khoảng 9 tấn, vỏ ngoài được chế tạo bằng thép cường lực cao. Bên trong sử dụng động cơ hiện đại hơn. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống lái tập trung trước mặt người lái tàu, giúp việc điều khiển thuận tiện, dễ dàng hơn.

Ngoài ra, theo thiết kế, tàu ngầm mini Hoàng Sa có thể vượt qua bùn, bãi cạn nhờ hệ thống vít và trục xoắn ở dưới bụng con tàu.

Doanh nhân người Thái Bình này cho hay: “Tàu ngầm Hoàng Sa chắc chắn sẽ khắc phục được những nhược điểm mà tàu ngầm Trường Sa mắc phải. Đặc biệt, toàn bộ thiết bị của con tàu cũng do Việt Nam sản xuất và chế tạo …”. Tuy nhiên khi hỏi cụ thể về các thông số kỹ thuật cũng như công nghệ sử dụng trong việc chế tạo tàu ngầm mới này, ông Hòa từ chối tiết lộ. Doanh nhân người Thái Bình này nói: “Đến giờ phút này tôi muốn tập trung chế tạo con tàu. Khi nào các công đoạn thiết kế, lắp ráp cuối cùng được hoàn thiện, chắc chắn tôi sẽ công bố và tiến hành thử nghiệm rộng rãi…”.


Theo ông Nguyễn Quốc Hòa, tàu ngầm mới có những cải tiến vượt trội so với tàu Trường Sa 1 được chế tạo vào năm 2013 (Ảnh: Quốc Hòa)

Theo ông Nguyễn Quốc Hòa, tàu ngầm mới có những cải tiến vượt trội so với tàu Trường Sa 1 được chế tạo vào năm 2013 (Ảnh: Quốc Hòa)

 

Được biết, tàu ngầm Hoàng Sa được ông Hòa trang bị thêm một số thiết bị mới như hệ thống camera quan sát, máy tính dẫn đường, tự động phát ra cảnh báo khi gặp chướng ngại vật.

Bước đầu thử nghiệm thành công

Thời gian này, doanh nhân người Thái Bình đang tiến hành thử nghiệm tính năng lặn, chức năng liên lạc thủy âm, camera quang học… của tàu ngầm Hoàng Sa trong bể ngầm. Bể có chiều sâu 4m, dài 9,5m và chiều ngang là 3,5m vừa đủ đặt lọt thỏm con tàu. Bước đầu thử nghiệm trong nước, tàu ngầm mini hoạt động tốt, thời gian lặn khá lâu. Tuy nhiên, ông Hòa vẫn đang tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp một số bộ phận bên trong để phù hợp với các điều kiện thời tiết và môi trường.

Tổng chi phí nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm mới này lớn hơn nhiều so với việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1. Ông Hòa cho hay: “Năm nay, tôi bỏ toàn bộ chi phí cho việc chế tạo và thiết kế động cơ của tàu ngầm nên khá tốn kém. Đây là một con tàu rất đặc biệt, được tôi đầu tư nhiều công sức nên sẽ có nhiều tính năng vượt trội…”.

 

Bể ngầm được ông Hòa xây dựng để thử nghiệm các tính năng của con tàu (Ảnh: Quốc Hòa)
Bể ngầm được ông Hòa xây dựng để thử nghiệm các tính năng của con tàu (Ảnh: Quốc Hòa)

 

Doanh nhân người Thái Bình cũng bật mí, tàu ngầm Hoàng Sa được thiết kế với mong muốn có thể sử dụng vào mục đích quân sự cũng như hỗ trợ sản xuất, đánh bắt cá của bà con ngư dân. Với việc chế tạo và sản xuất tàu ngầm mini, ông Hòa hi vọng sẽ tạo ra cái nhìn mới về nghành công nghệ chế tạo tàu ngầm ở Việt Nam.

“Một con tàu chưa thành công, hai con tàu chưa thành công thì chắc chắn đến cái thứ 3, thứ 4 sẽ thành công. Việc quan tâm của dư luận vào các dự án của tôi chứng tỏ ngành công nghiệp này ở Việt Nam rất triển vọng. Tôi hi vọng một lúc nào đấy, Việt Nam có thể tự mình tạo ra những chiếc tàu ngầm hiện đại chứ không phải chỉ nhập từ nước ngoài về…”.

 


Trước đó, tàu ngầm Trường Sa 1 do ông Hòa chế tạo vào năm 2013 từng khiến dư luận dậy sóng (Ảnh: Quốc Hòa)

Trước đó, tàu ngầm Trường Sa 1 do ông Hòa chế tạo vào năm 2013 từng khiến dư luận dậy sóng (Ảnh: Quốc Hòa)

 

Ông Hòa cũng cho biết, hiện tại tàu ngầm Trường Sa 1 do ông chế tạo vào năm 2013 đang được một đơn vị tiếp nhận và nghiên cứu.

Vào năm 2013 dư luận từng “dậy sóng” khi ông Hòa tuyên bố chế tạo tàu ngầm thành công khi sử dụng công nghệ AIP và trang bị hai động cơ 90Hp. Nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cơ khí đã bày tỏ nghi ngại và cho rằng những điều doanh nhân Thái Bình này tuyên bố là “phi thực tế”, không có cơ sở và vượt xa thực tiễn ở Việt Nam.

Hà Trang