1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân nói về tàu ngầm, máy bay “made in Việt Nam”

(Dân trí) - Trong buổi trao đổi trực tuyến với bạn đọc Dân trí chiều 26/8, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thẳng thắn thừa nhận: “Trong thời gian vừa qua có một số cá nhân nghiên cứu chế tạo tàu ngầm, máy bay nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết của cơ quan chức năng”

Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ cho sáng kiến

Giải thích về sự bất cập này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, hiện nay những cá nhân đó nghiên cứu tự phát, trong quá trình chế tạo không liên hệ với cơ quan chức năng. Trong khi máy bay và tàu ngầm là những phương tiện cần có cơ quan đăng kiểm và thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Vì thế, khi chế tạo xong không thể làm thủ tục để vận hành, thử nghiệm và không đủ điều kiện để đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý của Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về sự hỗ trợ của nhà nước đối với những nghiên cứu tự phát, sáng kiến của người dân. Đặc biệt là quy định về sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho những nghiên cứu đó.

Chính vì thế, khi có thông tin thì Bộ Khoa học và Công nghệ thường chỉ đạo các Sở Khoa học và Công nghệ tiếp cận và tư vấn cho các nhà sáng chế không chuyên hoặc mời các chuyên gia từ các Viện nghiên cứu tham gia tư vấn, hướng dẫn hoặc trợ giúp về lý thuyết, thiết kế. Còn việc hỗ trợ kinh phí cho đến nay chưa thể thực hiện được.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết thêm: “Năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13 về sáng kiến trong đó đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng kiến. Hiện nay, dự thảo thông tư đã được hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của các nhà sáng chế không chuyên (sau khi gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2015) và sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới”

 

anh-27082015-d15a9
Sẽ có cơ chế chính sách cho những sáng kiến của người dân

“Đây sẽ là kênh hỗ trợ về tài chính cho sáng kiến của người dân. Hi vọng những người dân có sáng kiến phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các nhà khoa học ngay từ khi có ý tưởng để có thể nhận được sự hỗ trợ về kiến thức cũng như được hỗ trợ về tài chính”  - Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Đừng quá lo lắng về rủi ro trong hoạt động sáng tạo

Trước những băn khoăn về việc người nông dân đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm, kể cả máy bay, tàu lặn… nhưng nếu những sản phẩm này đã có từ trước và đã bị bảo hộ bởi các sáng chế của nước ngoài thì người dân rất dễ bị vào vòng lao lý khi thương mại hoá sản phẩm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Hiện nay hệ thống bảo hộ Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh. Vì vậy chúng ta  không nên quá lo lắng về sự rủi ro trong hoạt động sáng tạo.

Rất nhiều sáng chế của thế giới có thể hết hạn bảo hộ, hoặc không đăng ký bảo hộ ở Việt Nam vì vậy mọi người đều có thể sử dụng những sáng chế đó mà không sợ vi phạm pháp luật. Đối với những sáng chế đang được bảo hộ ở Việt Nam thì đều được Cục Sở hữu Trí tuệ tư vấn cho doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân trong quá trình đăng ký xác lập quyền, nếu có sự trùng lặp đương nhiên sẽ không được chấp nhận.

“Người sở hữu tài sản trí tuệ phải được tôn trọng và bảo vệ tuyệt đối, bất kể là người Việt Nam hay người nước ngoài. Bản chất của sáng chế bao giờ cũng phải có tính mới, tính áp dụng, vì thế luật pháp của tất cả các nước không cho phép các sáng chế bị trùng lặp với những sáng chế đã được đăng ký bảo hộ từ trước” – Người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng lưu ý, việc sản xuất các hàng hóa là kết quả của sáng chế trong nước và nước ngoài thì phải thông qua việc đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm. Đề nghị doanh nghiệp trước khi tiến hành sản xuất và cung cấp ra thị trường cần phải tham vấn các cơ quan quản lý để tránh việc vô tình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể dẫn tới các khiếu kiện kéo dài.

Nguyễn Hùng

(Email: hungns@dantri.com.vn )