1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Doanh nghiệp vận tải đua nhau tăng giá

(Dân trí) - Sau một thời gian "dền dứ" chuyện tăng giá, thông tin mới nhất chúng tôi vừa nhận được từ hàng loạt công ty kinh doanh vận tải 2 miền Bắc - Nam cho thấy: Không ít hành khách năm nay sẽ phải méo mặt trước tình hình giá vé tăng đồng loạt!

“Điểm hoả” cho tăng giá

Cách đây ít ngày, trong một cuộc trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cũng tiên đoán trước khả năng việc tăng giá là khó tránh khỏi.

Ông Hùng còn cho biết, với giá xăng dầu tăng như hiện nay thì giá cước vận tải hành khách cũng như hàng hoá thời gian tới có thể tăng thêm 10%. Và điều gì phải đến đã đến!

Đơn vị nổ phát pháo “tăng giá” đầu tiên là 8 doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên tuyến Thanh Hoá - Hà Nội (bến xe Giáp Bát).

Theo biên bản hiệp thương được lập ngày 12/12 của 8 doanh nghiệp này, giá cước vận chuyển hành khách tuyến này sẽ tăng từ 45 nghìn lên 50 nghìn đồng/vé.

Chưa hết, trong thời gian từ 28/12 đến 4/1/2008, Hiệp hội xe khách chất lượng cao Thanh Hoá - Hà Nội uỷ quyền cho công ty quản lý khai thác bến xe khách Hà Nội bán vé tuyến này với giá 54 nghìn đồng/vé. 

Dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến lượng khách tăng 20% so với năm ngoái và gấp 2 lần so với ngày thường.

 

Theo đó, tại các bến, số lượng xe phục vụ tại bến xe phía Nam là 1.175 xe (850 lượt xe/ngày), bến Mỹ Đình là 532 xe (599 lượt xe/ngày), bến Gia Lâm là 481 xe (419 lượt xe/ngày).

Tiếp theo động thái này, 4 doanh nghiệp kinh doanh trên tuyến vận tải hành khách cố định bằng ô tô từ bến Nam Hà Nội đến thành phố Thái Bình và ngược lại gồm: Công ty CP xe khách Thái Bình, XN xe khách Nam Hà Nội, Công ty vận tải Hoàng Long, Công ty cổ phần Hoàng Hà cũng tuyên bố giá vé trên tuyến này sẽ tăng từ 35 nghìn lên 40 nghìn đồng từ 1/1/2008.

Trên thực tế, theo một lãnh đạo của Xí nghiệp xe khách Hà Nội, thời gian trước đây một số doanh nghiệp vận tải tại Hưng Yên đã dần từng bước tăng giá vận tải để thăm dò thị trường.

Một số tuyến như Bố Hạ đi Gia Lâm và ngược lại, Bắc Giang đi Bố Hạ và ngược lại, Bắc Giang đi Gia Lâm và ngược lại, Cầu Gồ đi Gia Lâm và ngược lại đã tăng giá từ 2 nghìn đến 5 nghìn đồng/vé.

Lý do để giải thích cho việc nâng giá, các doanh nghiệp đều khẳng định đây là điều “cực chẳng đã” bởi giá xăng dầu leo thang chóng mặt khiến những doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh: méo mặt nhìn nhau để chờ nhau cùng tăng giá.

Hành khách vẫn luôn là người chịu thiệt!

Ngày 11/12, HTX vận tải dịch vụ du lịch Sài Gòn đã có công văn gửi đến công ty quản lý bến xe Hà Nội và các đơn vị vận tải đang hoạt động trên tuyến Hà Nội - TPHCM đề nghị điều chỉnh giá vé trên tuyến.

Theo đó, để nhằm cân đối chi phí giá thành vận tải, các đơn vị vận tải TPHCM và bến xe Miền Đông thống nhất tăng giá vé từ 6% đến 10% tuỳ theo tuyến để bù vào giá nhiên liệu tăng. Giá vé này dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2008.

Và hôm nay, văn bản chính thức của XN xe khách Nam Hà Nội gửi công ty quản lý bến xe Hà Nội thông báo tăng hàng loạt chuyến “nóng” từ 1/1/2008.

Cụ thể, ngoài các tuyến Giáp Bát - Thái Bình, Giáp Bát -Thanh Hoá như đã nói, các tuyến Giáp Bát - Nam Định, Giáp Bát - Đò Quan tăng đồng loạt 5 nghìn đồng/vé. Tuyến Giáp Bát - TPHCM (chất lượng thường) tăng từ 270 nghìn lên 295 nghìn đồng/vé, Giáp Bát - TPHCM (chất lượng cao) tăng từ 350 nghìn lên 380 nghìn đồng/vé.

Tuyến “nóng” duy nhất hiện nay chưa đả động tới chuyện tăng giá là Hà Nội - Vinh và ngược lại.

Một chuyên gia trong ngành vận tải cho rằng việc các doanh nghiệp công bố giá vé mới vào thời điểm này là điều hoàn toàn dễ hiểu nhưng điều đáng nói là “thói quen” tự ý chặt chém vào những ngày cao điểm (như tết Mậu Tý sắp tới) mới thực sự đáng lo ngại.

Theo chuyên gia này, đây mới thực sự là điều các nhà quản lý cần chấn chỉnh trong những ngày tới đây khi chỉ còn ít ngày nữa là bước vào mùa cao điểm Tết âm lịch!

Phúc Hưng - Mạnh Hùng