1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Doanh nghiệp thích lao động… bỏ trốn

(Dân trí) - “Vấn đề lao động bỏ trốn doanh nghiệp cứ kêu nhưng vẫn để lao động bỏ trốn để được hưởng số tiền thế chấp. Hiện nay có công ty xuất nhập khẩu lao động đang tồn đọng cả ngàn tỉ đồng tiền thế chấp”, đại biểu Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh) bức xúc khi tham gia ý kiến vào dự án Luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được tham gia xuất khẩu lao động?

 

Các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có được tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hay không phải cân nhắc cho kỹ, đại biểu Trần Đắc Sửu (Hải Phòng) đề nghị và ông thể hiện quan điểm của mình: “Chúng ta có gần 160 các doanh nghiệp, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, cơ sở vật chất quá nghèo nàn, kinh nghiệm quản lý yếu, thiếu hiểu biết về pháp luật liên quan đến lao động ở nước ngoài, vậy tại sao không mở cửa cho các liên doanh để nâng cao chất lượng lao động, tăng thu nhập cho lao động?”.

 

Và để cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu, ông đã lấy ví dụ từ chính đơn vị nơi ông từng công tác: “Ở trường đại học Hàng Hải, chúng tôi đã liên doanh với công ty của Nhật Bản để huấn luyện thuyền viên chất lượng cao, người lao động được làm quen với trang thiết bị, phong cách quản lý kiểu Nhật Bản… Với mô hình này đại học Hàng Hải Việt Nam là đơn vị xuất khẩu thuyền viên lớn nhất khu vực”.

 

Dự án luật qui định số lượng chi nhánh của doanh nghiệp không quá 2, đại biểu Việt cho rằng không thể chỉ vì chi nhánh của một số doanh nghiệp không quản lý được mà đưa ra qui định trái với Luật Doanh nghiệp. "Trong xuất khẩu lao động uy tín của doanh nghiệp hết sức quan trọng, chúng ta chỉ cần khoảng 20 doanh nghiệp đủ lớn là có thể làm việc này. Như vậy nếu hạn chế thì doanh nghiệp không thể phát triển lên tầm khu vực và thế giới”.

 

Lao động trốn, doanh nghiệp được lợi

 

Bàn về vấn đề đóng tiền thế chấp “chống trốn” tại các đơn vị xuất khẩu lao động, đại biểu Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh) đề nghị làm rõ khoản tiền thế chấp của lao động tại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động: “Vấn đề lao động bỏ trốn doanh nghiệp cứ kêu nhưng vẫn để lao động bỏ trốn để được hưởng số tiền thế chấp”.

 

“Không biết Bộ trưởng có biết là lao động đi làm việc trên các tàu cá Hàn Quốc thỏa thuận là 1.200 USD nhưng thực tế thu đến 10.000 USD hay không?”, ông Đàn bức xúc đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng.

 

Chia sẻ nỗi bức xúc này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng (Nghệ An) cũng cho rằng, các cơ sở thu phí dịch vụ lao động rất tùy tiện, cùng một công việc nhưng có nơi thu 15 triệu, có nơi thu 20 triệu, có nơi thu 12 triệu. “Luật phải quy định cụ thể để các đơn vị có mức thu trong khung này, thời gian vừa qua người lao động có rất nhiều ý kiến về vấn đề này”.

 

Giải thích lý do lao động trốn với số lượng lên đến vài chục phần trăm, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, hợp đồng ký 2 năm không bảo đảm sau khi hết hợp đồng, lao động có thể xoá đói, giảm nghèo. “Mình cứ ký hợp đồng rồi qua bên đó mặc anh, anh làm hay không làm cũng được, thì người ta phải bỏ người ta trốn đi thôi” ông nói.

 

Phạm vi điều chỉnh mới chỉ ở một công đoạn

 

“Phạm vi điều chỉnh mới quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vậy còn vấn đề bảo về quyền lợi của người lao động trong thời gian ở nước ngoài, chuyện họ trở về như thế nào?”, ông Nguyễn Ngọc Trân đặt câu hỏi. Ông đề nghị phạm vi điều chỉnh phải là toàn bộ vấn đề đưa lao động, quản lý và bảo vệ quyền lợi khi họ ở nước ngoài và sau khi chấm dứt hợp đồng chứ không dừng lại ở chỗ đưa lao động đi nước ngoài.

 

“Khi một lao động ở Iraq bị bắt cóc thì bà Tổng thống Philippin cắt đứt ngay việc gửi quân qua Iraq. Khi tình hình lộn xộn ở Đông Ti Mo, Tổng thống Philippin đã gửi một chiếc máy bay C130 chở hết tất cả những lao động ở đó về nước. Mình quy định thế này tôi cho không đầy đủ. Tôi nghĩ phải có trách nhiệm nhiều hơn”, ông Trân khẳng định.

 

Đức Hòa