1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Có hay không doanh nghiệp phá hàng trăm héc ta rừng để xây dựng khu du lịch?

(Dân trí) - Thời gian gần đây dư luận xôn xao với việc một doanh nghiệp đã phá hàng trăm héc ta rừng tự nhiên ở huyện Đông Giang để làm khu du lịch. Vậy doanh nghiệp có phá hay không? Ngày 27/3, phóng viên đã khảo sát khu vực này và tìm hiểu.

Doanh nghiệp được nêu là Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp, là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang.

Theo giấy phép, dự án Khu du lịch sinh thái này được thực hiện trên tổng diện tích 120ha, trong đó diện tích quy hoạch rừng phòng hộ là 19,71ha; diện tích quy hoạch rừng sản xuất là 16,99ha; diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 83,3 ha (đất trống, cây bụi, sông suối, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm…).

Doanh nghiệp phá rừng để làm khu du lịch?

Hang Gợp, nơi đang được đầu tư khu du lịch sinh thái với tổng vốn trên 400 tỉ đồng

Theo quan sát của PV tại hiện trường, khu vực Hang Gợp đang được chủ đầu tư san ủi mặt bằng, làm đường công vụ, nhiều máy móc, công nhân đã được tập trung để chuẩn bị thi công.

Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang phía Đông giáp xã Kà Dăng, phía Tây giáp núi Coong A Lanh, phía Nam giáp đường ĐT 609 và phía Bắc giáp núi Coong Our thuộc huyện Đông Giang.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong giai đoạn 1 gồm 63 hộ có ảnh hưởng đến đất sản xuất với tổng diện tích 39ha, tổng kinh phí bồi thường hơn 19 tỷ đồng, các hộ dân đã nhận tiền bồi thường và thống nhất bàn giao mặt bằng.

Doanh nghiệp phá rừng để làm khu du lịch?

Chủ đầu tư hiện đang làm đường để thi công dự án

Theo anh A Lăng Nhay (trú thôn Ka Đâu, xã Ka Đăng, huyện Đông Giang), từ khi dự án được cấp phép đầu tư và trong quá trình chuẩn bị triển khai xây dựng, anh cùng nhiều người dân ở đây đã có việc làm. Chính quyền cũng như chủ đầu tư đã tạo điều kiện để người dân ở đây có công ăn việc làm ổn định.

Anh A Lăng Nhay cũng như nhiều người dân nơi đây rất mong Khu du lịch Cổng trời Đông Giang sẽ hoàn thành sớm, góp phần xây dựng Đông Giang ngày một giàu mạnh hơn và cải thiện đời sống của người dân nơi đây.

“Về việc giải phóng mặt bằng, do được bà con ủng hộ và chủ đầu tư chi trả nhanh nên đã hoàn thành sớm. Dự án cũng không làm ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên và đường nơi người dân đi vào để sản xuất, chủ đầu tư đã cam kết sẽ làm đường hành lang để cho người dân đi vào nơi canh tác”, anh A Lăng Nhay cho biết thêm.

Theo chủ đầu tư dự án, mục tiêu đầu tư dự án là xây dựng Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang thành một công trình du lịch quy mô, đồng thời, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa truyền thống của người dân của địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Theo hồ sơ dự án được duyệt, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên 17,1ha sẽ được giữ nguyên, không tác động, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tổng diện tích quy hoạch rừng phòng hộ có trạng thái chưa có rừng được xác định đúng quy hoạch 3 loại rừng là 19,71ha. Diện tích này đã được HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chuyển đổi mục đích.

Đối với với hạ tầng băng qua rừng tự nhiên, chủ đầu tư đã có phương án thiết kế thi công không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở NN&PTNT, đơn vị mới triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch huyện Đông Giang - cho biết, đến hiện tại chủ đầu tư đã có các thủ tục như đánh giá trạng thái rừng, quy hoạch 1/500, đo đạc đầy đủ và đã đền bù cho dân giai đoạn 1 nên huyện đã cho doanh nghiệp xây dựng lán trại, đưa máy móc vào để chuẩn bị thi công các hạng mục như đường sá, điện nước... và khi nào có đầy đủ thủ tục thì huyện sẽ để doanh nghiệp triển khai tất cả các hạng mục.

“Dự án này không động đến rừng tự nhiên, không ảnh hưởng đến dòng suối… Nếu ảnh hưởng thì địa phương nhất quyết sẽ dừng thi công”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, theo quy định thì công trình phải có đầy đủ thủ tục mới được triển khai, nhưng đây là vùng đặc biệt khó khăn, muốn thu hút một doanh nghiệp đến đầu tư rất khó, chủ đầu tư rất tâm huyết mới đến đây đầu tư.

Về việc tạo điều kiện cho người dân ngoài vùng dự án đi làm nương rẫy, ông Minh cho biết, chủ đầu tư đã làm việc với huyện để giữ lại 1m đất dọc theo ranh giới hành lang dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có đường đi vào vùng sản xuất.

Ngoài ra các khu vực xung quanh dự án điều có sẵn hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong thời điểm hiện tại, người dân vẫn đi rẫy bằng con đường ngang qua khu vực dự án cho đến khi quá trình nhận tiền bồi thường đền bù cũng như con đường dọc theo ranh giới hành lang dự án được hoàn tất.

Về vấn đề ảnh hưởng đến rừng tự nhiên của dự án, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện chỉ vướng hơn 17ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư chưa đụng đến rừng tự nhiên.

“Toàn bộ dự án có hơn 17ha rừng tự nhiên, chủ đầu tư cũng đã cam kết giữ nguyên hiện trạng, không tác động đến đất rừng tự nhiên mà chỉ thuê dịch vụ môi trường rừng để khai thác du lịch và cũng không để làm ảnh hưởng gì đến hệ sinh thái ở đó”, ông Thanh cho biết.

Công Bính