Doanh nghiệp Nhật mong Chính phủ Việt Nam kiểm soát giá đất
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư thành công ở Việt Nam, sau khi nghe một số kiến nghị của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Dự Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản tại Hiroshima chiều 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nghe các doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam khi chỉ trong vài năm, đất nước đã có sự thay đổi lớn.
Doanh nghiệp Nhật muốn Chính phủ Việt Nam kiểm soát giá đất
Đại diện một công ty sản xuất chất bán dẫn trong robot ở Nhật Bản chia sẻ những sản phẩm được sử dụng trong sản xuất robot hàng đầu thế giới đều là sản phẩm được sản xuất từ nhà máy tại Hải Phòng.
Với 134 triệu USD đầu tư vào Việt Nam và khoảng 3.000 nhân viên tại Việt Nam, công ty này kiến nghị tích cực thúc đẩy năng lượng xanh, cung ứng điện ổn định.
Phản ánh tình trạng thiếu điện mùa hè ảnh hưởng tới sản xuất, doanh nghiệp mong Chính phủ Việt Nam cải thiện vấn đề này. Đặc biệt, vị đại diện doanh nghiệp nêu thực tế giá đất ở Việt Nam tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại nên ảnh hướng tới quá trình đầu tư, vì thế mong Chính phủ quan tâm giải quyết. Dù nhiều khó khăn, doanh nghiệp Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam vì đây là cứ điểm sản xuất quan trọng.
Trong khi đó, một công ty sản xuất dệt may ở Nhật cho biết trong giai đoạn đại dịch vẫn đầu tư 7 tỷ yên vào nhà máy tại Nghệ An để hướng tới mục tiêu sản xuất 10 triệu sản phẩm may mặc.
Theo vị này, Việt Nam có môi trường dễ thuê lao động, có thể tận dụng ưu đãi thuế. Để phát triển đầu tư, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thủ tục hành chính như giấy phép đầu tư dễ dàng hơn; xóa bỏ tình trạng tắc nghẽn khi thực hiện thủ tục tập trung; có ưu đãi với công nghiệp phụ trợ.
Đại diện Công ty Toyota Hiroshima chia sẻ khát vọng cống hiến cho ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam, nhưng từ tháng 10/2022 có chính sách thắt chặt tiền tệ khiến kinh tế chững lại, sản lượng bán ô tô chỉ còn bằng 70% năm trước đó. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách khôi phục.
"Tôi thực sự rất xúc động, cảm ơn các bạn đã chia sẻ, đồng hành và rất hiểu Việt Nam, thể hiện quyết tâm tiếp tục đầu tư vào Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ sau khi nghe các ý kiến.
Nói về việc hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn khoảng 19,5 triệu USD.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỷ USD và đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Để lạm phát tăng cao sẽ mất nhiều nguồn lực để kiểm soát
Chia sẻ về tình hình thế giới, Thủ tướng khái quát thực tế lạm phát cao, tăng trưởng thấp; hậu quả Covid-19 còn kéo dài; khủng hoảng lương thực, năng lượng và một số mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; biến đổi khí hậu diễn ra với tốc độ nhanh hơn.
"Trong quá trình phát triển, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, nắm bắt tình hình thực tiễn để giải quyết các vấn đề đặt ra một cách kịp thời, hiệu quả", Thủ tướng khẳng định.
Hiện nay, Việt Nam kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn…
Theo Thủ tướng, thực tiễn nhiều năm vừa qua cho thấy nếu để lạm phát tăng cao sẽ mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để kiểm soát. Song lạm phát hiện đang được kiểm soát ở mức thấp, Việt Nam đang ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Về các giải pháp cụ thể, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết đang tiến hành miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển đất nước; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu…
Đồng thời, Việt Nam nỗ lực giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo…
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Nhật Bản và các nhà đầu tư tích cực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cả 5 khía cạnh về thể chế, vốn, công nghệ, nhân lực và quản trị.
Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Hoài Thu (Từ Hiroshima, Nhật Bản)