Thủ tướng thăm nơi ghi dấu "thảm họa bom nguyên tử" ở Hiroshima

Hoài Thu

(Dân trí) - Vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima làm 140.000 người chết là ký ức không thể quên với người dân Nhật Bản. Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima được xây dựng với hy vọng thế giới hòa bình mãi mãi.

Sáng 21/5, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Trưởng đoàn các nước khách mời thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. 

Đây cũng là lần đầu tiên thành phố bị ném bom nguyên tử đăng cai sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của G7.

Tại đây, Trưởng đoàn các nước khách mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng nghe lại câu chuyện lịch sử đau thương, vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima làm 140.000 người chết, trong đó nhiều nạn nhân là trẻ em.

Thủ tướng thăm nơi ghi dấu thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima - 1

Trưởng đoàn các nước khách mời thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Ảnh: Dương Giang).

Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima được xây dựng tại quận Naka, thành phố Hiroshima, Nhật Bản (nơi gần trung tâm vụ nổ), với hy vọng thế giới được hòa bình mãi mãi. Với việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay tại thành phố Hiroshima, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn khẳng định mục tiêu chính trị về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng thăm nơi ghi dấu thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Trưởng đoàn các nước khách mời thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Ảnh: Dương Giang).

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các nhà lãnh đạo của các nước khách mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima - nơi trưng bày những hình ảnh về vụ tấn công bằng bom nguyên tử năm 1945.

Thủ tướng thăm nơi ghi dấu thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong chuyến thăm công viên hòa bình (Ảnh: Dương Giang).

Năm nay, Nhật Bản đã mời các nhà lãnh đạo của 8 quốc gia bên ngoài khuôn khổ G7. Điều này thể hiện tầm nhìn của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về việc tiếp cận các nước đang phát triển ở phía nam bán cầu.

Chuyến thăm của các nhà lãnh đạo G7 mở rộng tới Bảo tàng và Công viên tưởng niệm Hiroshima hôm nay có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người.

Thủ tướng thăm nơi ghi dấu thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima - 4

Lãnh đạo các nước G7 mở rộng ký sổ lưu niệm (Ảnh: Dương Giang).

Tại Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, lãnh đạo các nước G7 mở rộng sau khi xem mô hình điện tử thành phố Hiroshima trước khi bị đánh bom và sau khi bị đánh bom phá hủy; xem một số bức tranh về thành phố bị tàn phá cũng như những hiện vật còn sót lại sau vụ đánh bom, đã cùng ký sổ lưu niệm.

Thủ tướng thăm nơi ghi dấu thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima - 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký sổ lưu niệm (Ảnh: Dương Giang).

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký sổ lưu niệm tại Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ông cùng lãnh đạo 7 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế là khách mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay, tổ chức tại Hiroshima, Nhật Bản.

Thủ tướng thăm nơi ghi dấu thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima - 6

Các nhà lãnh đạo đặt vòng hoa tại bia tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima (Ảnh: Dương Giang).

Các nhà lãnh đạo đặt vòng hoa tại bia tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima. Ngày 6/8/1945 - cuối thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã thả xuống thành phố Hiroshima, khiến các tòa nhà nơi đây bị sụp đổ ngay lập tức. Ước tính có khoảng 140.000 người chết vào cuối tháng 12 cùng năm, liên quan sự kiện này.

Mái vòm bom nguyên tử - nơi được chứng nhận là Di sản thế giới, cùng với Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima - nơi mô tả tình trạng của thành phố Hiroshima vào thời điểm xảy ra vụ ném bom, là những địa điểm lưu giữ dấu tích về thảm kịch của vụ ném bom nguyên tử năm 1945.

Hoài Thu (Từ Hiroshima, Nhật Bản)