1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đổ xô “hôi của” xe chở bia: Xã hội phải lên án, pháp luật phải trừng phạt!

(Dân trí) - Theo chuyên gia về lĩnh vực hành vi và phát triển con người, hành vi “hôi của” như vụ việc xảy ra ở Đồng Nai vào ngày 4/12 đang ngày càng phổ biến, cần ngăn chặn ngay để nó không trở thành điều bình thường đáng xấu hổ của xã hội.

Đổ xô “hôi của” xe chở bia: Xã hội phải lên án, pháp luật phải trừng phạt!
Hành động “hôi của” khi xe tải chở bia gặp nạn ở Biên Hòa, Đồng Nai khiến nhiều người phẫn nộ và xấu hổ

Để làm rõ hơn tác nhân xã hội dẫn đến những hành động đáng xấu hổ như vụ “hôi của” xảy ra ở Đồng Nai, Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Hoàng Yến, thạc sĩ chuyên ngành Hành vi ứng dụng và phát triển con người, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD).

Thưa bà, với tư cách là chuyên gia trong ngành phân tích hành vi, bà đánh giá như thế nào về vụ “hôi của” đã xảy ra tại Đồng Nai ngày 4/12?

Phải nói là tôi không mấy bất ngờ khi biết sự việc này, bởi tình trạng này đã được báo chí nhắc đến nhiều lần trong thời gian gần đây. Với sự việc xảy ra tại Đồng Nai, phải xét cụ thể những người đầu tiên xông vào “hôi của” là ai. Nếu là người dân sống lâu năm tại địa phương, họ sẽ có lòng tự hào, tình nghĩa với vùng đất đó, rất ít có khả năng làm ra hành vi đáng xấu hổ, mang tiếng cho quê hương mình. Nếu là người nhập cư thì khác, bởi với vùng đất đó, họ là người lạ. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn trên lại gần khu công nghiệp, tập trung nhiều dân tứ xứ đến làm việc, sinh sống.

Mà khi đã có người đầu tiên làm hành động đó nhưng không có ai phản đối, ngăn cấm hay trừng phạt dễ dẫn đến tình trạng đám đông làm theo. Quy luật này rất dễ hiểu, cho dù người không nghèo khổ đến nỗi không có tiền mua bia uống thì cũng dễ hùa theo đám đông khi thấy người ta làm hành động đó mà không việc gì, lại mang về lợi ích cho bản thân.

Theo bà thì nguyên nhân từ đâu dẫn đến các tình trạng đáng xấu hổ trên?

Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là từ giáo dục, một thời gian dài chúng ta bỏ quên việc giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh. Trong nhà trường không có nhiều chương trình dạy cho học sinh biết cái gì là đúng, cái gì là sai. Khi các em ra xã hội, thấy những điều mà người khác làm nhưng không ai phản đối, không ai ngăn cấm, không ai lên án và pháp luật cũng không trừng trị thì làm thôi. Lâu dần người ta sẽ thấy điều đó là bình thường, không có gì đáng xấu hổ.

Một nguyên nhân khác là xã hội chưa lên án đúng mức, pháp luật chưa trừng trị thích đáng nên người ta không sợ, vẫn cố tình làm dù có người vẫn biết hành vi đó là không đúng.

Nhưng có nhiều ý kiến cho là tài sản bị mất (bia) chưa đủ lớn để xét trách nhiệm hình sự, truy tố người “hôi của” tội trộm, cướp được?

Đó là do cách hiểu tội trộm, cướp như thế nào thôi. Trộm bao nhiêu cũng là trộm; lấy tài sản của người khác khi người ta không đồng ý, ngăn cản thì là cướp. Nếu luật quy định cứng ngắc là trộm, cướp tài sản giá trị bao nhiêu đó mới quy trách nhiệm hình sự được thì chúng ta phải xem lại luật. Người ta thường nói xã hội Việt Nam trọng tình hơn lý, nhưng làm vậy là chúng ta đang dung dưỡng cái ác và làm cái ác ngày càng chiếm ưu thế trong xã hội.

Khi mà người làm điều ác để giành lợi ích cho bản thân mà không bị trừng phạt thì sẽ có nhiều người làm việc đó. Mà khi cái ác chiếm ưu thế, người ngay sẽ không dám lên tiếng vì sẽ không có ai bênh vực họ. Lúc đó cái ác càng có cơ hội chiếm ưu thế và làm băng hoại đạo đức xã hội. Lấy ví dụ như hành động xếp hàng thanh toán trong siêu thị hay mua vé, ở nước ngoài chẳng ai dám chen ngang vì nếu họ làm vậy sẽ bị tất cả người xung quanh lên án. Còn ở Việt Nam ta, nếu hành vi đó không liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ thì họ sẽ không lên tiếng. Khi mà hành vi đó chưa bị cả xã hội lên án thì nó sẽ vẫn tồn tại.

Vậy theo bà đã đến lúc phải có biện pháp mạnh tay, trừng phạt hành vi “hôi của” để răn đe?

Như tôi đã nói là tôi không mấy bất ngờ khi biết sự việc này, bởi tình trạng này đã được báo chí nhắc đến nhiều lần trong thời gian gần đây đến mức gần như phổ biến. Nó được báo chí đề cập, phản ánh nhiều lần nhưng nói đến rồi lại thôi, không ai bị gì thì dễ hiểu vì sao nó vẫn xảy ra, người ta tiếp tục “học tập”… Hành vi này phải được xem trọng đúng mức, cả xã hội phải lên án, pháp luật phải trừng phạt để ngăn chặn ngay từ bây giờ. Nếu không ngăn chặn từ lúc này, đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành hiện tượng phổ biến như hành vi xếp hàng ở ta vậy.

Chúng ta có thể không xử lý hết được tất cả những người “hôi của”, nhưng chỉ cần ai xuất hiện trong hình ảnh, video, có bằng chứng thì xử phạt người đó. Truyền thông tuyên truyền kết quả xử phạt, người dân sẽ biết hành vi đó sẽ bị trừng trị thì khi xảy ra vụ việc tương tự, rất nhiều người sẽ kiềm chế mà không dám làm hành động đó, cái ác mới dần bị loại trừ khỏi xã hội, tránh tình trạng cái ác chiếm ưu thế, gây hại cho xã hội.

Xin cảm ơn bà!

Tùng Nguyên (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm