Đổ xô đi xin lộc, xin xăm đầu năm
(Dân trí) – Ngay sau thời khắc giao thừa, nhiều người đã đổ về các chùa để xin lộc, xin xăm (thẻ) đầu năm.
Còn cô Minh (phường Hòa Minh) đang thắp những nén nhang tại chùa Quang Minh cho biết, năm nào cũng thế, cứ qua thời khắc giao thừa là bảo con trai chở đến đây thắp hương, xin lộc cầu năm, cầu mong cho gia đình mình một năm an lành và hạnh phúc.
Người Viện tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì mọi gia đình cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì người xưa hình dung trong lúc ông hành khiển cũ bàn giao công việc cho ông mới, luôn có quân lính tùy tùng đi về đầy không trung.
Sau khi hoàn tất lễ cúng giao thừa, mọi người thường rủ nhau đi hái lộc đầu năm. Đối với các gia đình Phật tử, đi xuất hành đầu năm đến cửa chùa là một nghi thức quan trọng, nếu đêm giao thừa không kịp đi thì nhất định sang mồng 1 họ sẽ lên chùa từ sớm.
Tại chùa Bửu Hải (phường Ia Kring, TP Pleiku) ngay từ sáng sớm đã có nhiều bậc cha mẹ đưa con lên chùa đầu năm lễ Phật với mong muốn cầu an cho gia đình. Ngoài ra, nhiều người còn có dụng ý hướng con cái mình đến điều thiện và sự tốt đẹp nhất.
Chị Phạm Thị Như Mai (trú phường Ia Kring) cùng cô con gái hơn 1 năm tuổi của mình đã đi chùa từ sáng sớm, chị Mai cho biết, đi chùa là việc làm đầu tiên trong năm này của gia đình chị với mong muốn một năm an lành, tốt đẹp.
“Mình đưa con đi chùa đầu năm không chỉ cầu an sức khỏe cho gia đình, mà mong muốn con mình từ nhỏ đã hướng đến cái thiện, được đức Phật che chở. Ngoài ra, mình cũng muốn tạo thói quen này từ nhỏ cho con mình, để sau này con mình cũng có thói quen đi chùa, làm nhiều điều tốt lành có ích cho xã hội”, chị Mai cho biết thêm.
Không chỉ cầu an đầu năm, mà nhiều bậc cha mẹ mang con đi chùa đều mong con mình có thói quen tốt đẹp ngay từ đầu năm mới, hướng cho con mình sống cuộc sống an lành, hạnh phúc và làm nhiều việc thiện cho xã hội. Bà Nguyễn Thị Nhung chia sẽ: “Gia đình nhà tôi có thói quen đi chùa từ đầu năm. Đến bây giờ các con tôi đã lớn nhưng cứ ngày mùng 1 Tết đều đi chùa rồi mới đi đâu thì đi, thấy con cái ngoan, biết nghe lời nên chúng tôi cũng rất mừng”.
Lễ chùa đầu năm từ bao đời nay đã là nét đẹp văn hóa trong truyền thống của người Việt Nam. Vào những ngày này, hầu như ai ai cũng muốn tìm đến những ngôi chùa linh thiêng, thành tâm tạ ơn trên đã che chở cho bản thân, gia đình đã bình an trong năm cũ vừa qua và xin lộc đầu năm cầu may mắn, hạnh phúc cho năm mới.
Tại khu vực Chùa Long Tuyền, dòng người xe nườm nượp vào ra lối đường nhỏ dẫn vào chùa. Ngay ngõ chùa, những hàng hoa, hàng hương, hàng lộc đã thức sẵn đợi khách từ ngay sau phút giao thừa đợi người đi lễ chùa. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, các bà các chị xứ Quảng vẫn không quên giữ tục lệ mua ít muối và trầu câu để mua cái lộc mặn mà trong năm.
Ở khu vực sân lớn ngay trước gian chánh điện, nhà chùa cũng trưng hay cây lộc đầy những phong bao lì xì đỏ với những lời cầu chúc may mắn cho người lễ chùa hái lộc đầu năm. Anh Nguyễn Phước Ninh, người dân phường Tân An (Hội An, Quảng Nam) cho biết: “Năm mô cũng rứa, cứ sáng Mồng Một là cả nhà tui đi lễ chùa, hái lộc. Cảnh chùa thanh tịnh, và chút lộc nhà chùa phát đầu năm làm tui thấy bình an cũng phấn khởi hơn trước thềm năm mới. Ai cũng có hy vọng mà”.
Khánh Hồng - Hồng Nhung - Thiên Thư - Nguyễn Duy - Doãn Công - Khánh Hiền