1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Đổ xô đi đào cây quý

(Dân trí) - Mấy tháng gần đây, người dân các xã Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) kéo nhau lên rừng đào cây Hoằng Đằng - một loài cây quý cần được bảo vệ - về bán cho các chủ đầu mối để tuồn sang Trung Quốc.

Khoảng 3-4 tháng trước, xuất phát từ việc một số người dân tộc Vân Kiều ở bản Chùa (xã Cam Tuyền) đi đào cây Hoằng Đằng lấy thân và rễ bán cho một số thương lái từ miền Bắc vào mua, vùng này đã rộ lên phong trào đi đào cây Hoằng Đằng.

 

Ban đầu các thương lái nhận mua lại từ các  đầu mối với giá 2.500 đồng/kg tươi và 5.000-6.000 đồng/kg khô. Sau đó không lâu, giá thu mua thân và rễ Hoằng Đằng được đẩy lên nhanh chóng: 5.000-6.000/kg tươi và 10.000-11.000/kg khô. Món lợi này đã kéo hàng nghìn người dân ở huyện Cam Lộ đổ xô đi đào cây Hoằng Đằng. Mỗi ngày, bình quân mỗi người đào được 25-30kg thân và rễ cây Hoằng Đằng tươi, tính thành tiền tương đương 125.000-180.000đồng/ngày, một khoản thu nhập không nhỏ đối với người dân nơi đây.
 
Đổ xô đi đào cây quý - 1

Hoằng Đằng được chặt nhỏ, phơi đầy trên đường.

 

Các điểm đầu mối, đại lý thu mua rễ, thân cây Hoằng Đằng cũng mọc lên như nấm. Bình quân mỗi xã cũng có được gần chục đầu mối. Chủ đầu mối mua lại thân và rễ cây rồi thuê nhân công chặt nhỏ ra, phơi khô. Các đầu mối này gom hàng chờ xe của thương lái đến mua lại chở ra Bắc. “Chúng tôi cũng không biết rễ đằng đằng (tức Hoằng Đằng-PV) được dùng để làm gì nhưng cứ vài ngày là có mấy chiếc xe tải vào làng gom hàng chở đi”, anh Túc, một chủ thu mua rễ tại Tân Hiệp nói.

 

Địa phương này vốn ít ruộng, trước đây người dân khi nông nhàn thường đi đào bom mìn, phế liệu chiến tranh làm kế mưu sinh. Từ dạo cây Hoằng Đằng được giá, dân lao động chuyển sang đi đào cây, vừa có thu nhập cao hơn lại vừa bảo toàn tính mạng. Người dân tộc Vân Kiều ở bản Chùa cũng bỏ cả nương rẫy ùa vào rừng đào thân và rễ cây Hoằng Đằng.

 

Ban đầu người dân chỉ đi kiếm trên phần đất rẫy hoặc rừng trồng của mình, nhưng khi nguồn này cạn kiệt, họ bắt đầu tấn công sang các khu vực khác. Cả một vùng đất rừng bị đào xới nham nhở.

 

 “Chỉ cần có một trận mưa to là toàn bộ đất trên bề mặt của các khu vực bị đào xới sẽ bị trôi hết. Họ chỉ đào xới trên bề mặt đất rừng nhưng cũng đủ tai hại rồi. Không hiểu sao lực lượng kiểm lâm không có động thái gì”, một chủ rừng bất bình.

 

Sự thờ ơ của lực lượng kiểm lâm địa phương là điều có thật. Thậm chí cơ quan kiểm lâm còn chuẩn bị cấp giấy phép vận chuyển cho các xe chở cây Hoằng Đằng lưu thông ra ngoài tỉnh. Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cam Lộ Lê Hữu Khoa cho biết: “Chúng tôi đã cấp 80 giấy phép khai thác rừng Dự án Việt Đức cho 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Tuyền nên các khu rừng đó sẽ được tự do khai thác cây Hoằng Đằng. Sắp tới, có lẽ chúng tôi sẽ cấp phép vận chuyển cây Hoằng Đằng ra ngoài tỉnh cho một số thương lái có nhu cầu”. Thực tế, trước khi có giấy phép cây Hoằng Đằng vẫn được chở ra khỏi tỉnh Quảng Trị, không biết những xe tải chở hàng đó đã “chui” theo đường nào?

 

Hoằng Đằng (còn gọi là Vàng Đắng, Hoàng Liên, tên khoa học là Coptis teeta) là loại thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA, cần được bảo vệ. Loại cây này mọc nhiều ở các tỉnh miền núi nước ta như Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị. Hoằng Đằng có màu vàng, vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, chữa các trường hợp viêm tấy, đau mắt, mụn nhọt, mẩn ngứa, sốt nóng, kiết lỵ, tâm phiền, nôn oẹ...

 

Văn Được