Đổ xô buôn lậu dịp giáp tết
(Dân trí) - Giáp tết bao giờ cũng là dịp “làm ăn” của cư dân giáp biên giới Campuchia. Vào thời điểm này, hoạt động buôn lậu diễn ra sôi động và gần như công khai. Hàng nghìn con buôn lớn, nhỏ quần thảo ngày đêm trên các vành đai biên giới đánh hàng.
Tại các cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Ngươn và Khánh Bình (An Giang), Xà Xía (Kiên Giang) mỗi ngày đủ mọi mặt hàng thuốc lá, rượu bia, vải vóc, hàng điện tử… tràn qua biên giới đổ về Việt Nam theo mọi ngả đường.
Ồ ạt trên mọi nẻo đường
Tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) từ tờ mờ sáng đã tập trung hàng trăm con người chờ “đánh” hàng từ biên giới. Dọc con đường đá lởm chởm vào xã An Nông sát biên giới Campuchia nhằng nhịt xe ba gác nêm chặt thuốc lá, vải, bánh kẹo… tung bụi mù mịt.
Đoàn Huy Phong, một tay xe ôm dọc biên giới cho biết: “Năm nào cũng thế, giáp tết là mùa làm ăn của dân biên giới. Mỗi ngày hàng trăm chuyến xe ba gác đi đi về về, mỗi xe chở cả tấn hàng lậu. Giờ cao điểm của hoạt động buôn lậu là khoảng từ 4-6 giờ sáng khi đó bộ đội biên phòng và hải quan chưa làm việc”.
Trên cánh đồng dọc quốc lộ 91B, cách đồn biên phòng chưa đầy 1km, hàng chục người nối đuôi thành hàng dài “đai” hàng trên vai đi trên bờ ruộng từ phía Campuchia về. Mỗi người cõng một bao hàng lớn hối hả đi về phía các ghe xuồng chờ sẵn ở sông kênh Vĩnh Tế (Tịnh Biên, An Giang).
C.L, một con buôn có thâm niên giải thích: “Mùa này nước cạn, ghe thuyền không thể đi được tới biên giới nên phải thuê người chuyển hàng”. Đội quân “cõng hàng” của L có 20 người là cư dân biên giới được thuê với giá từ 15-20.000 đồng/chuyến cõng hàng.
Có khoảng 20 tay buôn của xã hoạt động liên tục dọc biên giới nhưng mùa tết số lượng này tăng gấp đôi. Trung bình mỗi ngày một con buôn chuyển về khoảng chục tấn hàng.
Nguồn cung cấp hàng là không hạn chế, hàng được các “đối tác” Campuchia tập kết sẵn tại các kho chứa sát biên giới. Mỗi tỉnh như Tà Keo, Nam Đưng có hàng trăm kho chứa, mỗi ngày tuồn sang Việt Nam vài trăm tấn hàng lậu.
| |
Vận chuyển hàng lậu bằng ghe thuyền tại Xà Xía. |
Tại cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang), hoạt động buôn lậu không rôm rả bằng nhưng cũng hết sức công khai. Hàng lậu được người, ghe thuyền vận chuyển như giữa chốn không người.
Chống buôn lậu: Bất lực!
Đức Khánh, một cư dân vùng biên thuộc xã An Nông (Tịnh Biên, An Giang) dẫn tôi đi tham quan một vòng những kho chứa hàng lậu tại xã An Nông, cách UBND và trụ sở công an xã chỉ vài trăm mét. Trên đoạn đường chưa đầy 1km có 10 kho chứa của những con buôn.
Khánh cho biết mỗi kho dự trữ vài chục tấn hàng từ xăng dầu, vải vóc, rượu bia, thuốc lá, hàng điện tử… Hệ thống kho này là để dự phòng và xuất ra khi không thể đánh hàng do bị tuần tra nghiêm ngặt.
Thông thường, hàng từ biên giới về Tịnh Biên sẽ vào thẳng chợ Tịnh Biên hoặc tỏa đi các tỉnh bằng xe hoặc ghe xuồng. Chợ Tịnh Biên nằm cách đồn biên phòng cửa khẩu khoảng 100 mét bày bán toàn các loại hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia… thượng vàng hạ cám thứ gì cũng có.
Ông Đào Văn Bé, Trưởng Ban quản lý chợ Tịnh Biên cho biết: vào những ngày cuối năm các mặt hàng được nhập từ Campuchia bày bán la liệt ở chợ, không thể kiểm soát nổi.
Thị xã Châu Đốc nằm gần với 3 của khẩu giáp biên giới với Campuchia là Vĩnh Ngươn, Tịnh Biên và Khánh Bình, được chọn làm nơi tập kết hàng thường trực. Hàng lậu ồ ạt đổ về chợ Châu Đốc thông qua hệ thống vận chuyển bằng cả đường sông và đường bộ.
Hàng được “nhập” nhiều nhất là thuốc lá, chợ Châu Đốc là đầu mối cung cấp thuốc lá lậu cho nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long…
Đại úy Trần Kim Phú, Đội trưởng cảnh sát kinh tế Châu Đốc cho biết: Năm 2007 đã bắt giữ gần 300 vụ buôn lậu các mặt hàng qua biên giới. Tuy nhiên chỉ trong tháng 1/2008, thời điểm giáp tết, đã bắt giữ gần 100 vụ buôn lậu số lượng lớn.
Ông Phú cho biết: “Đã thành thông lệ, giáp tết là thời điểm dân biên giới ồ ạt đi buôn hàng lậu từ Campuchia về. Dân buôn nhiều và rất tinh vi trong khi lực lượng chức năng lại mỏng nên không thể khống chế được”.
Tháng giáp tết, hình ảnh thường thấy trên mọi ngả đường của tỉnh An Giang là các tay lái xe máy chở theo sau nhưng bao tải nặng hàng trăm kg phóng bạt mạng. Từ lâu, các lực lượng chức năng không dám truy đuổi những hung thần này vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng của người đi đường.
Trên những chuyến xe buýt từ An Giang đi các tỉnh, chuyến nào cũng có những con buôn nhỏ, người nhét đầy thuốc lá. Trung bình mỗi cây thuốc lá về từ biên giới lãi ít nhất 12.000 đồng, đó là khoản lợi nhuận làm hoa mắt không ít kẻ liều mạng.
Tại Cần Thơ, hầu hết các chợ đều bày bán nhiều loại thuốc lá, bánh kẹo và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, sự kiểm ta xử phạt của chi cục quản lý thị trường không đủ mạnh để răn đe. Hàng hóa nhập lậu theo hành trình An Giang, Kiên Giang - Cần Thơ - TPHCM đã trở thành “truyền thống” hàng chục năm nay.
Lệ Thủy