"Đấu giá đất Thủ Thiêm hơn 2 tỷ/m2, DN bỏ cọc nhưng không vi phạm gì"
(Dân trí) - Cho rằng đấu giá tài sản nóng lên từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại khi đó, doanh nghiệp trúng đấu giá hơn hai tỷ đồng/m2, sau đó bỏ cọc nhưng xét về luật lại "không sai gì".
Vấn đề này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, chiều 16/8.
Góp ý vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến vụ việc nóng liên quan đấu giá đất Thủ Thiêm (TPHCM).
"Luật Đấu giá tài sản nóng lên sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm mà Tân Hoàng Minh đã bỏ cọc, kết quả trúng thầu hơn 2 tỷ/m2 nhưng cuối cùng bỏ cọc. Người ta nói rằng theo Luật Đấu giá, họ không vi phạm gì cả, sau này chúng ta xử tội khác chứ không phải là tội bỏ cọc", Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.
Ông cũng nhắc lại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (thời điểm đó là ông Trần Hồng Hà) đã nóng lên khi các đại biểu Quốc hội chất vấn về vụ "bỏ cọc" đấu giá đất ở Thủ Thiêm.
"Nghị quyết chất vấn sau đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi rõ là phải sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để khắc phục những bất cập như vậy. Thế thì sửa Luật Đấu giá tài sản lần này có giải quyết được những hạn chế đó không?", Chủ tịch Quốc hội hỏi, và chia sẻ băn khoăn khi "không thấy nói gì tới chuyện này".
Một dẫn chứng nữa về bất cập cần được giải quyết, theo Chủ tịch Quốc hội là dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam tại tỉnh Long An, một trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ lớn của ngành công thương, qua nhiều lần đấu giá tài sản, nhưng không thành công do vấn đề định giá tài sản.
Cho rằng đất đai là tài sản có giá trị lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ cơ sở nâng tiền đặt trước tối thiểu từ 5% lên 10% và đánh giá tác động của quy định này trong thực tiễn.
Bà Nga cũng đề nghị cân nhắc quy định anh chị em ruột không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản, nhất là anh chị em ruột không có sở hữu chung thì không nên cấm.
Làm rõ hơn vấn đề Chủ tịch Quốc hội nêu liên quan đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật) thẳng thắn nói: "Vụ việc như ở Thủ Thiêm, để dâng tiền đặt trước lên một cách bất thường là Luật Đấu giá này bất lực, cái đấy chúng ta phải xử lý bằng các công cụ pháp luật phù hợp".
Ông Long cho biết ở một số nước, tiền đặt trước thông thường từ 5% đến 25% nhưng khi ký được hợp đồng rồi, tiền này mới trở thành đặt cọc.
Trong câu chuyện này, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng nguyên tắc là xử lý theo dân sự. "Nghĩa là anh đặt trước xong anh không thực hiện những nghĩa vụ của mình, anh xù thì coi như anh phải nộp lại cho tôi", ông Long giải thích.
Ông nêu nguyên lý tiền đặt trước ở trong pháp luật đấu giá của các nước chủ yếu áp dụng với bán tài sản tư.
"Như vậy, câu chuyện tiền đặt trước ở đây hoàn toàn thuộc vào thỏa thuận của bên mua hoặc bên bán, và đặc biệt là kỹ năng xử lý của đấu giá viên mang tính chất chuyên nghiệp", ông Long nói và cho biết theo quy định hiện hành của Việt Nam, khoản đặt trước đang từ 5-20%.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, có những ý kiến cho rằng đối với quyền sử dụng đất, đặc biệt là tài sản Nhà nước, phải nâng số tiền đặt trước lên thậm chí 50%. Nhưng ông Long cho rằng điều này "phản lại toàn bộ triết lý về đấu giá tài sản".
"Nếu để phát triển một dự án khoảng 100 tỷ mà bắt anh em đặt đến 50%, đó gần như hàng rào kỹ thuật để loại bỏ những người khác, chỉ còn những ông tầm khá trở lên đến ông lớn mới được tham gia", theo giải thích của vị Bộ trưởng.