Đo đếm tác động khi dịch Covid-19 kéo dài quá tháng 3
(Dân trí) - Tăng trưởng GDP khó tránh khỏi tác động tiêu cực; hàng triệu lao động có thể mất việc, dừng việc; Quỹ Bảo hiểm y tế đáng ngại khi số ca bệnh tăng cao do chi phí điều trị Covid-19 khá lớn…
Khó tránh khỏi tác động tới tăng trưởng GDP
Nhận định về tác động của dịch bệnh Covid-19 với đời sống xã hội, Chủ nhiệm UB Các Vấn đề Xã hội cho rằng, trong ngắn hạn, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu… bị tác động mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020 cho thấy một số ngành hàng thế mạnh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã có xu hướng giảm, trừ xuất khẩu gạo. Tổng thể kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng một số mặt hàng cũng đã chịu tác động và giảm hoặc tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH), có 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019), 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và khi dịch có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm rưỡi qua. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất với nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và các thị trường nhập khẩu nguyên liệu khác cũng đã khó khăn.
Nếu dịch bệnh trong tháng 3 vẫn chưa được khống chế, khả năng nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc giảm khoảng 50% thậm chí cao hơn so với năm 2019. Trường hợp dịch bệnh được khống chế và các doanh nghiệp trở lại làm việc thì nguyên liệu nhập khẩu cũng vẫn giảm khoảng 40% do hàng sản xuất với số lượng hạn chế lại chưa kịp vận chuyển về Việt Nam.
Trong trung hạn và dài hạn, UB Các vấn đề xã hội cho rằng, các tác động đến tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi. Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Bệnh viện quá tải kéo dài, nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19
Đối với lĩnh vực y tế, theo báo cáo, hiện một số bệnh viện đã xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo vi rút SARS-CoV-2. Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài, UB Các vấn đề xã hội lo ngại sẽ gây ra áp lực lớn, khó khăn trong việc bảo đảm tính liên tục các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, thiếu nhân lực điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, việc tổ chức cách ly và xử lý môi trường với số lượng lớn, thời gian ngắn.
Ngoài ra, trong danh mục dự trữ quốc gia mới chỉ có thuốc phòng, chống dịch bệnh mà chưa có một số trang thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc dịch bệnh. Vì vậy, nếu dịch lan rộng, số người mắc nhiều sẽ ảnh hướng lớn đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và có nguy cơ lây nhiễm đối với đội ngũ cán bộ y tế. Trên thực tế, ngành y tế trong thời gian chống dịch vừa qua đã xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang y tế.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng khó khăn trong việc đặt mua các thiết bị y tế như máy thở, máy xét nghiệm, máy X-quang, Kit test xét nghiệm Covid-19… do nguồn cung khan hiếm và giá bị đẩy lên cao. Do đó, cần có phương án để chủ động về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đồ bảo hộ và các trang thiết bị cá nhân cho nhân viên y tế… nhằm đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay cũng như bảo đảm dự phòng sau khi kết thúc dịch và bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế .
Số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh. Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như Bạch Mai, Thanh Nhàn, Việt Nam-Cu Ba… số lượng bệnh nhân đến khám giảm 30%-50%.
Việc này, một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến khoảng 240 bệnh viện tự bảo đảm chi tiền lương từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài có thể tác động đến kinh phí hoạt động của các cơ sở y tế thực hiện tự chủ về tài chính.
Về tình hình cân đối, quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, báo cáo của UB Các vấn đề xã hội nêu rõ, theo dự báo, trong trường hợp khi số ca mắc Covid-19 tăng cao sẽ có ảnh hưởng đến Quỹ do chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 khá lớn.
Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động cân đối ngân sách địa phương chi cho phòng, chống dịch để hạn chế phụ thuộc vào nguồn trợ cấp từ ngân sách trung ương. Theo báo cáo của Bộ Y tế tổng hợp từ 50 tỉnh, thành, kinh phí ước tính chi cho phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương khoảng 2.000 tỷ đồng, các Bộ, cơ quan trung ương khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.
Dịch bùng phát mạnh hơn, 2-3 triệu lao động mất việc, dừng việc
Tác động tới lĩnh vực lao động, việc làm, theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm và mất việc làm ở một số khu vực gia tăng, tốc độ tăng phụ thuộc vào diễn biến dịch. Bộ Lao động tính toán, nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý II/2020 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm, hàng triệu lao động bị ngừng việc. Nếu dịch bùng phát mạnh hơn sẽ có 350.000-400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu có nguy cơ bị ngừng việc.
Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ) cũng cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài doanh thu sẽ giảm rất mạnh và dẫn đến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc nghỉ không hưởng lương nhiều hơn, cắt giảm tiền lương, đồng thời nguy cơ phá sản cao.
Cụ thể, nếu dịch kéo dài đến 6 tháng thì tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm 20-50% chiếm gần 29%. Gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, trả lãi vay ngân hàng… Gần 39% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động, gần 21% doanh nghiệp đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhưng cũng rất khó; gần 4% doanh nghiệp thực hiện ngừng kinh doanh và gần 4% doanh nghiệp cho người lao động nghỉ không lương.
Số liệu thống kê bước đầu của Cục Việc làm, Bộ LĐ,TB&XH nêu con số thực tế, trong tháng 2/2020, số người thất nghiệp trong cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 47.100 người tăng 63,26% so với tháng 1/2020 (khoảng 29.800 người).
Phương Thảo