1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Đồ chơi dân gian “thoi thóp”

(Dân trí) - Hàng chục làng nghề chuyên sản xuất đồ chơi có tên tuổi phải nhường chỗ cho hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Người làng nghề đau đáu nỗi buồn thất truyền nghiệp cổ và càng buồn hơn khi trẻ em ngày càng xa lạ với văn hoá truyền thống.

“Cơn bão” hàng Trung Quốc
 
Theo thống kê, hiện Hà Nội có rất nhiều làng nghề chuyên sản xuất đồ chơi như: diều của thôn Bá Giang, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), tò he của làng Xuân La, Phượng Dực (huyện Phú Xuyên), tàu Thuỷ sắt Khương Đình (quận Thanh Xuân) đồ chơi bằng mây tre ở Tây Phương (huyện Thạch Thất)...
 
Nhiều năm trước, những sản phẩm truyền thống này là món ăn tinh thần gắn liền với tuổi thơ trẻ em Việt Nam. Mỗi món đồ chơi mang dấu ấn mỗi làng nghề cũng đem lại khoản thu nhập không nhỏ cho người sản xuất.
 
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, những sản phẩm truyền thống ấy đã không thể địch lại với cơn bão đồ chơi Trung Quốc. Với ưu điểm rất phong phú về kiểu dáng, hiện đại về mầu sắc, tính năng lại nắm bắt nhanh tâm lý của thị trường, đồ chơi Trung Quốc luôn tạo những cơn sốt theo kiểu “mốt” trong giới trẻ và chiếm đến 80% thị phần.
 
Đồ chơi dân gian “thoi thóp” - 1
Đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường ( ảnh minh hoạ).
 
Không chịu mất nghiệp, nhiều nghệ nhân làm nghề chấp nhận cảnh buôn bán nhọc nhằn. Họ đem sản phẩm rong ruổi bán ở từng nẻo đường, góc phố.
 
Trong cuộc vật lộn thiếu cân sức ấy có cả những người dân làng nặn tò he. Trước đây cả làng có gần 500 người hành nghề và những con giống sinh ra từ bàn tay khéo léo của họ có mặt ở khắp vùng miền toàn quốc. Khi cơn bão đồ chơi ngoại nhập ào đến, những con tò he dần mất chỗ đứng.
 
Khoảng chục người làm nghề bán tò he cuối cùng của làng giờ cũng đang rơi vào cảnh rất khó khăn, chỗ ngồi không ổn định; không có giấy phép hành nghề, bị bắt, bị đuổi, thu nhập thấp, mạnh ai nấy làm nên không thể có định hướng phát triển.
 
Số phận của làng nghề làm tầu thuỷ sắt ở Khương Đình còn thê thảm hơn. Trước đây, làng có hàng trăm nhà làm nghề, giờ chỉ còn duy nhất 2 người theo nghiệp kiểu thỉnh thoảng làm cho đỡ nhớ!
 
Dân làng nghề múa rối Tế Tiêu - Đại nghĩa (huyện Mỹ Đức) cũng chịu chung số phận như vậy. Nghệ nhân Nguyễn Văn Bổn giờ đã bước sang tuổi 85 với khối tài sản lớn nhất cả đời ông tích cóp được là hơn 1.000 con rối cạn và nước các loại.
 
Khốn nỗi, nghề mai một, không có người xem nên đám con rối cũng chịu cảnh mốc meo, buồn bã nằm chỏng chơ nơi chứa đồ. Thi thoảng lũ rối mới có dịp lắc lư mừng vui biểu diễn phục vụ khách tây chốc lát, rồi lại ngậm ngùi trở về chốn ẩm mốc quen thuộc.
 
Nỗi khổ tâm lớn nhất giờ đây của cụ Bổn là chưa tìm được nơi nào tiếp nhận khối tài sản văn hoá quý báu, tâm huyết của một đời nghệ nhân. Cụ buồn khi nhìn thấy cảnh trò chơi, đồ chơi cổ truyền không còn chỗ đứng.
 
Văn hoá dân tộc mai một, lỗi tại ai?
 
Đồ chơi dân gian “thoi thóp” - 2
Trẻ em vẫn háo hức với các trò chơi dân gian nếu được hướng dẫn cách chơi.
 
Có đến Bảo tàng Dân tộc học (BTDTH) vào những ngày nghỉ hoặc những ngày lễ hội mới thấy, sức hấp dẫn của những trò chơi dân gian vẫn còn.
 
Những ngày này bảo tàng chật kín trẻ em đến tham gia các trò chơi dân gian. Khi được các nghệ nhân hoặc cán bộ của bảo tàng hướng dẫn làm đồ chơi bằng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như: tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, mặt nạ, tàu thuỷ, thỏ đánh trống... Các em đều tập trung và say sưa cao độ với mỗi trò chơi.
 
Anh Minh, nhà ở Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) thực sự ngạc nhiên khi đưa hai con đến tham quan BTDTH và tham gia một trò chơi ở đây: “Tôi đưa các con đến chỉ với mục đích đưa các cháu đi cho biết, bởi ở nhà chúng đã quá quen với ô tô điện, siêu nhân, phim hoạt hình. Vậy mà lũ trẻ thích thú đòi tham gia hầu hết các trò chơi ở đây. Từ đó đến giờ, ngày nghỉ nào chúng cũng yêu cầu bố mẹ đưa đến bảo tàng để chơi”.
 
Chị Thanh Minh, nhà ở làng Cổ Bi (huyện Gia Lâm) cũng vất vả kêu gọi hai cô con gái trở về nhà. Nhưng dường như hai cô bé không thể dứt ra cuộc vui rước đèn và nặn tò he đang diễn ra ở BTDTH. Chị cũng không ngờ những trò chơi dân gian lại khiến các con chị say mê đến vậy. Trước đó, chúng chỉ ưa những con búp bê Baby kiều diễm mua trên phố và phim hoạt hình Walt Disney.
 
Tiến hành phỏng vấn những trẻ đã từng được chơi, giới thiệu về trò chơi, đồ chơi dân gian, PV Dân trí nhận được kết quả khá bất ngờ: Đại đa số trẻ đều khẳng định, trò chơi và đồ chơi dân gian cực kỳ hấp dẫn. Thế nhưng chúng chỉ biết đến khi được bố mẹ đưa đến chơi những nơi “sang trọng” kiểu như BTDTH hay những ngày lễ hội ở cung thiếu nhi - nơi không nhiều trẻ em thành phố có đủ điều kiện để tham gia.
 
Thỉnh thoảng, vào những ngày lễ (đặc biệt là dịp tết Trung thu) trẻ mới được biết đến thoáng qua một vài mẫu đồ chơi bằng giấy, vải như đèn ông sao, đầu sư tử bán trên đường nhưng chúng cũng không thấy hấp dẫn, bởi đâu có biết thứ ấy chơi kiểu thế nào. Và đương nhiên, những mẫu đồ chơi Trung Quốc lại nhanh chóng lọt vào mắt trẻ. Xem ra đó một phần cũng là lỗi của người lớn!
 
Thanh Trầm