1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Dinh cơ” của ông Bùi Thanh Tùng: Cần xác minh nhanh

(Dân trí) - “Khi có những ý kiến của công luận về một vụ việc nào đó mà có nghi vấn về tính minh bạch tài chính, thu nhập thì cần phải làm rõ, bất cứ người đó là ai. Người đó có chức quyền, là cán bộ, đảng viên thì càng phải làm nhanh, làm sớm”.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (đại biểu Quốc hội Hà Nội) đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo giới xung quanh thông tin về khu nhà vườn "triệu đô" của con trai Bí thư tỉnh ủy Hải Dương.

“Dinh cơ” của ông Bùi Thanh Tùng: Cần xác minh nhanh

Ông Đinh Xuân Thảo trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay 28/5.

Ông đánh giá thế nào việc công khai, minh bạch tài sản của những người ứng cử vào các vị trí lãnh đạo hiện nay?

Theo quy định, tất cả đại biểu khi ứng cử đều phải kê khai tài sản, nhưng chỉ có các vị ứng cử vào các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn thì trong tập hồ sơ gửi đến đại biểu mới có bản kê khai tài sản.

Còn việc công khai ra bên ngoài như báo chí nói thì quy định chưa rõ. Ví dụ như Quốc hội Na Uy, tất cả thu nhập của các quan chức, kể cả đại biểu Quốc hội, nghị sĩ… đều được lưu trữ đầy đủ trong dữ liệu của Quốc hội để khi quan tâm, chỉ cần tìm kiếm trên máy tính chứ không cần lục vào hồ sơ.

Chúng ta tiến tới công khai, minh bạch thì cũng phải làm như thế. Tất cả tài sản, thu nhập của cán bộ công chức cũng được kê khai để khi cần thiết, bất cứ ai đó muốn đi thẩm tra thì cứ việc làm. Ví dụ, tôi có một cái nhà ở địa điểm A, B, C nào đấy thì ai quan tâm, muốn điều tra có thể đến xem. Nếu phát hiện ra cái không bình thường có thể đặt vấn đề là đề nghị ông/bà cho biết nguồn gốc tài sản đó do đâu mà có. Người có tài sản phải có trách nhiệm chứng minh…

Ở một số nước, nếu người nào ra ứng cử mà không có tài sản thì bị mất điểm. Vì bản thân anh năng lực không có, chưa lo được cho cuộc sống gia đình, bản thân thì còn lo được cho ai? Cho nên, có những nước qui định, anh muốn ra ứng cử một chức vụ về quản lý hoặc dân biểu phải có năng lực nói chung, trong đó có năng lực về kinh tế. Nó như một tiêu chí để đặt cược.

Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 27/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc báo chí phản ánh về nhà vườn của con trai Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến là chính đáng, còn việc xem xét là thuộc cơ quan chức năng. Ông Quyến hiện là đại biểu Quốc hội, vậy theo ông, Quốc hội nên đặt vấn đề này như thế nào?

Khi có những ý kiến của công luận đưa lên về một vụ việc nào đó mà có nghi vấn về tính minh bạch tài chính, thu nhập thì cần phải làm rõ, bất cứ người đó là ai. Người đó có chức quyền, cán bộ, đảng viên thì càng phải làm nhanh, làm sớm để khi công luận rõ sẽ tạo niềm tin đối với người dân và nếu không có cũng là một cách để “minh oan” cho người bị nghi ngờ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín cho Đảng, Nhà nước.

Vậy phải có những cơ quan nào vào cuộc khi có những vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên, thưa ông?

Khi có hiện tượng dư luận nêu lên như vậy thì có 3 cơ quan phải vào cuộc. Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng thì cơ quan nào quản lý hồ sơ kê khai tài sản phải vào cuộc đầu tiên - Thanh tra công vụ, cơ quan tổ chức, bộ phận tổ chức là nơi nắm giữ hồ sơ có kê khai tài sản.

Nếu liên quan tới đất đai, tài sản thì thanh tra tài nguyên môi trường phải đi làm và nếu liên quan đến cấp nào thì cơ quan cấp trên phải vào cuộc thì mới khách quan.

Vậy vấn đề liên quan đến đại biểu Bùi Thanh Quyến thì sao?

Trường hợp này do thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường, thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ và nếu là đảng viên, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phải tiến hành xác minh, làm rõ. Nếu xác định nguồn gốc tài sản là minh bạch thì trả lại cho người ta; còn nếu có vấn đề, liên quan tới dấu hiệu phạm pháp sẽ đến việc của thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra của công an.

Theo ông, Quốc hội có nên vào cuộc trong sự việc này hay không, thưa ông?

Về chức năng quản lý các đại biểu của mình, Quốc hội phải có trách nhiệm xem xét việc này để kiến nghị, phối hợp các cơ quan, bảo vệ cho đại biểu của mình.

Bởi vì nếu anh phạm pháp, hoặc cơ quan chức năng muốn bắt giữ, động chạm đến 1 đại biểu Quốc hội phải được Quốc hội xem xét. Trong trường hợp Quốc hội không họp phải thông qua Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm