1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Điều trực thăng ra Trường Sa cấp cứu một ngư dân bị suy hô hấp

(Dân trí) - 8g15 ngày 22/10, máy bay trực thăng MI171 – Số hiệu 431 đã đáp xuống sân bay trực thăng quân sự chuyển viện an toàn cho ngư dân Lê Quang Minh (20 tuổi, Bình Định).

Đại tá Vũ Văn Kha – Sư trưởng Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không Không quân cho biết, bệnh nhân đã nhập viện ở bệnh xá ở đảo Trường Sa Lớn ngày 19/10, với chẩn đoán ban đầu là suy hô hấp.
 
Điều trực thăng ra Trường Sa cấp cứu một ngư dân bị suy hô hấp
Sư đoàn không quân 370 và tổ lái đã nỗ lực chuyển viện cho bệnh nhân Lê Quang Minh từ đảo Trường Sa lớn về đất liền
 

Ngư dân Lê Quang Minh đã có tiền căn viêm chân răng nhiều lần. Những lần trước bị đau răng, anh Minh tự ra tiệm thuốc mua thuốc giảm đau, sau đó chủ quan và tiếp tục đi biển. Cho đến ngày 16/10, trong khi đang đánh cá quanh vùng quần đảo Trường Sơn, anh Minh lên cơn sốt cấp tính, và đến ngày 19/10 nhập viện vào bệnh xá quân y ở đảo Trường Sa Lớn.

Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện bằng trực thăng
Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện bằng trực thăng
 
Ngay sau đó, các bác sĩ quân y trên đảo đã hội chẩn với các BS ở BV 175, chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị suy hô hấp tiến triển. Lãnh đạo BV 175 đã báo cáo với Bộ Quốc phòng, Binh chủng Không quân, quyết định dùng trực thăng đưa bệnh nhân vào đất liền để kịp thời được điều trị.
 
Bệnh nhân Lê Quang Minh đang được đưa lên xe cấp cứu
Bệnh nhân Lê Quang Minh đang được đưa lên xe cấp cứu
 
2g chiều 21/10, ê kíp cấp cứu của BS Vũ Sơn Giang đã cùng tổ bay của Trung đoàn phó – Tham mưu Trưởng – Cơ trưởng Đỗ Thanh Hồng (Trung đoàn Không quân 917) đã bay ra đảo để tiếp nhận bệnh nhân vào đất liền. Trong đêm đó, các cuộc hội chẩn liên tục đã diễn ra giữa bệnh xá đảo Trường Sa Lớn và đất liền, tiến hành các điều trị tích cực bằng nội khoa để giúp bệnh nhân thở được, phòng ngừa các biến chứng xấu.
 
BS Giang mô tả: “17g30 phút ngày 21, khi chúng tôi đặt chân lên đảo, qua thăm khám ban đầu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do một ổ áp xe quanh chân răng dưới phải. Biến chứng ban đầu là tổn thương phổi cấp, và có thể các cơ quan khác như tim, gan, thận cũng bị ảnh hưởng.
 
Chúng tôi đã xử trí ổ mủ quanh chân răng, điều trị thuốc cấp cứu tích cực. Đến 2g sáng bệnh nhân lên một cơn sốt rét, suy hô hấp nặng. Chúng tôi cũng đã cân nhắc có nên đặt nội khí quản không, nhưng sau đó bệnh nhân diễn tiến tốt hơn, nên chúng tôi không tiến hành mở khí quản để đặt ống thở.
 
Vào 9g30 ngày 22/10 bệnh nhân Lê Quang Minh đã được chuyển đến khoa Hồi sức Cấp cứu BV 175. Đại tá TS. BS. Nguyễn Thành Đức – Phó Giám đốc (BV 175) và BS. CKII Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (BV 175) cùng ê kíp khoa đã hội chẩn ngay tại giường. Theo đó, vùng mô mềm hầu họng bị sưng tấy lan tỏa, xuống vùng cổ, vai phải và lưng, bệnh nhân có dấu hiệu bị viêm phổi tiến triển, tràn dịch màng phổi, cứng khớp.
 
Bay thấp trong thời tiết xấu
 
Theo Đại tá Kha, ngay khi sư đoàn nhận được lệnh, ê kíp bay đã lập tức lên đường. Chuyến bay kéo dài 3g30, hạ cánh xuống đảo lúc hơn 5g. Đội bay dự tính về ngay trong đêm, nhưng thời tiết xấu, mây giông, nên để đảm bảo cho an toàn bệnh nhân, mọi người quyết định sẽ cất cánh lúc 5g sáng ngày 22/10.
 
Các BS khoa Hồi sức – Cấp cứu BV 175 đang tiến hành khám và hội chẩn tại giường cho bệnh nhân Minh
Các BS khoa Hồi sức – Cấp cứu BV 175 đang tiến hành khám và hội chẩn tại giường cho bệnh nhân Minh
 
Thượng tá Đỗ Thanh Hồng cho biết: “Ngay khi nhận được lệnh từ Sư đoàn cần chuyển viện cho một bệnh nhân ở đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi chỉ có 45 phút để chuẩn bị cho chuyến bay. Cả bay lẫn về chúng tôi đã bay hơn 7 tiếng.
 

Một mặt do thời tiết xấu, một mặt khác, ê kíp BS của BV 175 nhận định, để bệnh nhân ở lại trên đảo qua đêm, xử trí cấp cứu tại chỗ, và chuyển về đất liền vào sáng sớm hôm sau, sẽ tốt hơn. Nên chúng tôi đã cất cánh vào 5g sáng trong điều kiện thời tiết phức tạp, hạn chế tầm nhìn. Bay trong thời tiết xấu, lại kéo dài nếu bay ở tầm cao, bệnh nhân khó thở hơn, nên chúng tôi bay ở tầm thấp. Với tầm thấp, tầm nhìn hạn chế hơn, tổ lái chúng tôi phải tập trung hơn vì khó khăn hơn.”

Với nỗ lực của ê kíp bay, bệnh nhân đã được chuyển viện an toàn.

An Quý