1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Điều tra án chậm, Thủ tướng cũng sốt ruột”

(Dân trí) - Thủy điện miền Trung có lỗi gây lụt vùng hạ lưu? Vụ PCI, in tiền polymer “tắc” xử lý? Cơ quan phòng chống tham nhũng “vừa đá bóng vừa thổi còi”?... Những vấn đề thời sự nhất đã được các đại biểu chất vấn trách nhiệm đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Khoa học phán thủy điện có lỗi, Bộ trưởng bảo vô tội

Bước vào phần trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) khơi tiếp vấn đề thủy điện miền Trung vốn đang "nóng" thời gian qua. Ông Minh cảm ơn vì Thủ tướng đã giải trình “bù đắp” phần trả lời trước đó của Bộ trưởng Công thương khi nói về vấn đề này. Như Thủ tướng xác nhận, thực tế vừa qua đã có việc các nhà máy thủy điện xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập của mình mà chưa tính đến chuyện góp nước nhấn chìm hạ lưu.

Ông Minh đề nghị rà soát lại quy hoạch các nhà máy thủy điện, chỉ đạo kiên quyết để các Bộ, ngành “phải ngồi lại với nhau bàn về việc điều hành hoạt động của các nhà máy”.
 
“Điều tra án chậm, Thủ tướng cũng sốt ruột” - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Luôn chọn mục tiêu có lợi nhất".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân trần, mỗi công trình thủy điện cho xây dựng đều phải đảm bảo phát điện, trữ nước, điều tiết lũ nhưng xảy ra việc như vừa qua là do thực tế có biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ chưa lường hết được. Có những trạm quan trắc đặt ở vị trí cao, những trận lũ lịch sử vẫn chưa tới nhưng vừa qua cũng đã bị cuốn đi ngay khi lũ về.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) tiếp tục truy vấn: “Dư luận, lãnh đạo các địa phương chịu thiệt hại, các nhà khoa học vừa qua đều khẳng định thủy điện có lỗi nhưng Bộ trưởng Công thương vẫn khăng khăng thủy điện vô tội. Tôi thấy rõ ràng, thủy điện A Vương (Quảng Nam) trước khi lũ không xả một mét khối nước nào trong khi mức nước hồ rất cao, mà chỉ ồ ạt xả khi lũ về. Đáng ra họ hoàn toàn có thể chứa được lượng nước gấp đôi, giúp cắt lũ cho hạ lưu”. Ông Xuân gợi ý nên mở cuộc điều tra để làm rõ trách nhiệm trong việc này.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sau sự việc đã chỉ đạo rà soát gấp quy hoạch thủy điện vừa và lớn trên các hệ thống sông, căn cứ diễn biến phức tạp bão lũ vừa qua để xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Bộ trưởng Công thương đã chấp hành chỉ đạo, đang rà soát lại một cách nghiêm túc. Bộ trưởng TN-MT đánh giá lại quy trình vận hành của từng hồ nước, quy trình vận hành liên hồ chứa với những hệ thống thủy điện dạng bậc thang trên cùng một dòng sông.

Đại biểu Tây Ninh tiếp thêm một câu hỏi xoáy: “Hiện có nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau, chúng ta vừa muốn giữ rừng để giữ sinh mạng cho đồng bào lại vừa muốn làm thủy điện, khai thác khoáng sản. Chúng ta không muốn kỷ luật những người lãnh đạo nhưng cũng muốn bảo vệ mạng sống người dân. Trong số những mục tiêu mâu thuẫn nhau như vậy, Thủ tướng sẽ chọn mục tiêu ưu tiên nào?”

Không chần chừ, người đứng đầu Chính phủ đáp rành rẽ: “Thủ tướng luôn chọn mục tiêu nào có lợi nhất”.

“Điều tra án chậm, Thủ tướng cũng sốt ruột”

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) “tấn công” lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Theo ông Thuyết, vụ PCI và một số nghi án tương tự đang lộ diện dần một số hình thức tham nhũng mới như đưa hối lộ từ bên ngoài, rửa tiền ở nước ngoài… nhưng lại chưa có cơ chế sử dụng kết quả điều tra, truy tố của cơ quan tố tụng nước ngoài để xử lý vi phạm trong nước. Đại biểu yêu cầu Thủ tướng chỉ ra hướng xử lý, giải quyết cho thời hội nhập.
 
“Điều tra án chậm, Thủ tướng cũng sốt ruột” - 2
Đại biểu Lê Văn Cuông: "Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, "mô hình vừa đá bóng vừa thổi còi"?".

Thủ tướng giải trình, các cơ quan chức năng và bản thân người lãnh đạo Chính phủ cũng trực tiếp chỉ đạo cấp dưới phối hợp với nước bạn để điều tra, xử lý vụ việc theo đúng pháp luật Việt Nam. Phía bạn đã chuyển cho ta hàng nghìn trang hồ sơ, khó khăn về kinh phí dịch thuật, Thủ tướng cũng đã duyệt chi.

“Nhưng không thể lấy chứng cứ do bạn cung cấp để buộc tội công dân của mình, pháp luật Việt Nam không cho phép làm thế. Còn nếu thấy luật có khiếm khuyết qua thực tế tình hình thì chúng tôi sẽ đề nghị bổ sung, sửa đổi để tốt hơn trong hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Dũng phân trần.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định lại, những thông tin từ bên ngoài về việc công chức Việt Nam nhận hối lộ đều được quan tâm chỉ đạo xử lý theo đúng pháp luật Việt Nam. Ví dụ việc báo chí Úc đưa tin một doanh nghiệp nước này hối lộ quan chức Việt Nam để nhận được hợp đồng in tiền, Chính phủ đã cử Bộ ngoại giao liên lạc với nước bạn và được trả lời khi nào bạn điều tra đủ căn cứ sẽ cung cấp.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) mở rộng vấn đề, tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi. Nhiều vụ án trọng điểm diễn biến chậm chạp và có biểu hiện đầu voi đuôi chuột. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ hoạt động kém quyết liệt, ban chỉ đạo địa phương thì mờ nhạt, gây thất vọng, nghi ngờ trong nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận: “Tôi đã kiểm điểm để tìm hiểu nguyên nhân án chậm. Là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tôi cũng sốt ruột nhưng các cơ quan tố tụng đã làm đúng quy trình, pháp luật. Vấn đề là cách nào phối hợp cho nhanh hơn chứ không thể làm sai pháp luật được.

Thủ tướng Chính phủ cũng xác nhận, dù đạt được kết quả tích cực trên một số mặt, nhận định chung, tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng. Kiểm điểm lại hoạt động, Ban chỉ đạo TƯ cần triển khai hành động quyết liệt, đồng bộ hơn. Ban chỉ đạo địa phương, có nơi thậm chí vừa thành lập, so với yêu cầu của xã hội, nhân dân cần cố gắng nhiều.

Không hài lòng với phần trả lời, ông Cuông chất vấn lại: “Ban chỉ đạo địa phương còn hạn chế vì mô hình tổ chức. Chủ tịch tỉnh đồng thời là trưởng ban chỉ đạo khác gì "vừa đá bóng vừa thổi còi", có phù hợp không?”.

Thủ tướng cho biết, Ban chỉ đạo địa phương là mô hình đã được thảo luận kỹ ở TƯ, ở QH, vì hình thành chưa lâu nên hợp lý hay không cần thêm thời gian đánh giá. Còn thế nào là đá bóng, thế nào là thổi còi có lẽ là phải trao đổi thêm với đại biểu.

P.Thảo