TPHCM:

Điều kiện gì để dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng “về đích” cuối năm 2019?

(Dân trí) - Sau hơn nửa năm “đắp chiếu” vì những vướng mắc liên quan đến việc sử dụng thép, tái cấp vốn… dự án chống ngập do triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng tại TPHCM đã bắt đầu thi công trở lại từ trước Tết nguyên đán, song phải đến tháng 3 các công trường mới thi công rầm rộ. Dự án có thể “về đích” trong năm 2019 nếu được nhận mặt bằng chậm nhất trong tháng 6 này.

Dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng tạm ngưng thi công từ cuối tháng 4/2018. Dự án tạm ngưng thời gian dài do vướng mắc liên quan đến việc sử dụng thép của dự án, việc tái cấp vốn cho đơn vị thực hiện dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.

Điều kiện gì để dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng “về đích” cuối năm 2019? - 1
Dự án chống ngập trị giá gần 10.000 tỷ đồng tại TPHCM bị đình trệ hơn 7 tháng, gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu chống ngập

Đến tháng 1/2018, tức sau hơn 7 tháng, UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục để dự án tái khởi động sớm nhất.

Theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019. Đây cũng là thời điểm kết thúc vốn vay ưu đãi cho dự án. Với mục tiêu chống ngập cho lưu vực rộng 570 km2 của TPHCM, đơn vị thực hiện dự án dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2018, song đã không về đích đúng hẹn vì các địa phương chậm bàn giao mặt bằng.

Dự án bị ảnh hưởng bởi 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp. Chính quyền thành phố chỉ đạo các quận huyện khẩn trương thực hiện hoàn tất công tác bồi thường giải phóng, bàn giao mặt bằng để đảm bảo thi công, hoàn thành dự án trong năm 2019.

Dự án không thể hoàn thành theo đúng cam kết lẫn hợp đồng, do đó UBND TP chấp thuận đề xuất của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian tái cấp vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án.

Ông Nguyễn Tâm Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 cho biết từ trước Tết nguyên đán, công tác thi công đã quay trở lại trên một số công trường của dự án, song chỉ nhỏ lẻ. Còn trước đó, vì lo ngại chất lượng công trình chống ngập, nhất là hạng mục cống kiểm soát triều bị ảnh hưởng bởi thời gian dài ngưng thi công, nhà thầu thi công vẫn duy trì những công trình mang tính cấp bách, kỹ thuật như cống Phú Định.

Theo ông Tiến, máy móc thiết bị tạm dừng hơn nửa năm nên không thể huy động trong tích tắc để tái khởi động dự án trước Tết. Hiện, đơn vị thực hiện dự án đang tích cực huy động nhân sự, máy móc và giải quyết một số vấn đề liên quan để thi công rầm rộ trong tháng 3/2019. Hiện, dự án đã hoàn thành hơn 72% khối lượng công việc.

“Chúng tôi đang cố gắng hoàn tất các khâu liên quan để bắt đầu thi công rầm rộ trở lại, đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, dự án đạt mục tiêu hoàn thành trong năm 2019 nếu thành phố kịp bàn giao mặt bằng trong tháng 6 này”, ông Tiến nói.

Điều kiện gì để dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng “về đích” cuối năm 2019? - 2
Nếu nhận đầy đủ mặt bằng trong tháng 6 này, nhà đầu tư sẽ hoàn thành dự án trong năm 2019

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, dự án tạm ngưng thi công thời gian dài đã gây ra nhiều thiệt hại. Riêng về mặt tài chính, nhà đầu tư đã thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng; còn ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng.

Dự kiến trong tuần này, lãnh đạo TPHCM sẽ có chuyến thị sát một số hạng mục công trình của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Động thái này hứa hẹn một viễn cảnh tươi sáng hơn cho dự án, hoàn thành dự án trong năm 2019 để góp phần giải quyết bài toán chống ngập của thành phố trong nhiều năm qua.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM được khởi công từ tháng 6/2016. Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40-160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định.

Ngoài ra, dự án chống ngập do triều còn có hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến Sông Kinh) dài 7,8km, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ từ 1-10m.

Dự án được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), UBND TPHCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng 84% tiền và 16% quỹ đất. Trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị dự án BT, TPHCM được phép thanh toán bằng ngân sách đối với phần chênh lệch.

Quốc Anh