1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Phú Yên:

Điêu đứng một doanh nghiệp, “bầm dập” một dự án

(Dân trí) - Trong đơn kêu cứu khẩn cấp ngày 9/10/2006 gửi Thủ tướng Chính phủ, bà Bùi Thị Quy - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty TNHH Vạn Phát - đã trình bày một cách khẩn thiết tình trạng nguy cấp của doanh nghiệp mình trước các quyết định tiền hậu bất nhất của chính quyền Phú Yên.

Trải thảm mời doanh nghiệp

 

Theo lời mời gọi về “tiềm năng cây mía” của chính quyền tỉnh Phú Yên, từ TPHCM, Công ty Vạn Phát lặn lội lên miền núi Sơn Hoà (Phú Yên) để lập dự án đầu tư chế biến nông sản và được Sở kế hoạch & Đầu tư tỉnh Phú Yên cấp phép ĐKKD số 3602000145 với các ngành nghề: Mua bán nông sản thực phẩm/chế biến nông sản/sản xuất nước giải khát có ga, cồn, CO2, đường kết tinh, ván ép, phân vi sinh.

 

Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để công ty Vạn Phát ký kết hợp đồng thu mua mật rỉ, bã mía, tro lò của công ty TNHH công nghiệp KCP cùng trên địa bàn. Tuy nhiên, ký kết chưa ráo mực thì KCP đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Vì vậy, Vạn Phát phải tìm nguyên liệu khác là si rô từ mía cho dự án của mình.

 

Trong dư âm của việc trải thảm mời gọi đầu tư, ngày 26/4/2004 UBND tỉnh Phú Yên có thông báo 867/TB-UB với nội dung: UBND tỉnh sẽ xem xét quy hoạch phân bổ lại vùng nguyên liệu để đơn vị có thể mở rộng sản xuất đường kết tinh.

 

Được lời như cởi tấm lòng, công ty Vạn Phát đăng ký mua lại thiết bị của Công ty đường Việt Trì đang chao đảo vì ở một vùng kiệt nguyên liệu, chuyển về lắp đặt tại thôn Mặc Hàn, xã Sơn Hoà, huyện Sơn Hoà.

 

Ngày 21/7/2005, UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định duyệt điều chỉnh nội dung chấp thuận đầu tư dự án nhà máy sản xuất cồn - ga CO2 - rượu - phân vi sinh tổng hợp của công ty Vạn Phát. Theo đó, cho phép công ty Vạn Phát sử dụng nguyên liệu mua ở địa phương (sắn lát, đường thủ công, mật rỉ) và các phụ phẩm, phế thải từ các nhà máy đường.

 

Tiếp đó, Vạn Phát chủ động làm việc với huyện Sông Cầu về vùng nguyên liệu và đã được chấp nhận bằng văn bản 276/UB của UBND huyện Sông Cầu, đồng ý cho Vạn Phát  ký hợp đồng đầu tư trồng mía và thu mua nguyên liệu trực tiếp với nông dân. Về việc này, tại văn  bản 1032/UB ngày 21/6/2005, UBND tỉnh Phú Yên cũng chấp thuận cho Vạn Phát đầu tư quy hoạch vùng nguyên liệu 500 ha mía tại huyện này.

 

Đích thân ông Chủ tịch đương nhiệm khi đó là Đào Tấn Lộc ký văn bản “Điều chỉnh nội dung đầu tư” của QĐ 552-QĐ-UB, cho phép Vạn Phát sử dụng nhiều loại nông sản nguyên liệu đầu vào.

 

“Tiền hậu bất nhất”

 

Đùng một cái, ngày 25/9/2006, ông Phạm Ngọc Chi - Tân Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định 1491/QĐ-UBND về việc xử lý kiến nghị sau Thanh tra việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy cồn, ga CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty TNHH rượu Vạn Phát. Ngay trong điều 1, văn bản này “quyết”: “Dừng ngay việc lắp đặt các thiết bị sản xuất đường và tự tháo dỡ toàn bộ dây chuyền liên quan đến việc sản xuất và chế biến đường... vì trái với Nghị quyết 09/2000/NQ - CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ và Quyết định số 58/2005/QĐ-BNN ngày 3/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn”.

 

Quyết định này của ông tân chủ tịch đã phủ quyết hoàn toàn quyết định của người tiền nhiệm. Điều đáng nói là UBND tỉnh Phú Yên đã vận dụng một Nghị quyết của Chính phủ không đúng đối tượng. Vì mục đích ra đời của Nghị quyết 09/2000/NQ - CP là nhằm chấn chỉnh và không cho phép các doanh nghiệp Nhà nước, chính quyền địa phương sử dụng tiền ngân sách và công sản vào ngành sản xuất mía đường đang thua lỗ trầm trọng.

 

Vạn Phát là một doanh nghiệp tư nhân, hoạt động theo giấy phép hợp pháp và triển khai dự án do chính UBND tỉnh cấp phép sau khi Nghị quyết 09 ban hành được 5 năm nên không thuộc đối tượng cấm nêu trên. Hơn nữa, Vạn Phát cũng không xây dựng nhà máy đường mới mà chỉ là tham gia sắp xếp và phát huy công suất của các  nhà máy đường hiện có, bởi họ chỉ di chuyển nhà máy đường từ Việt Trì vào Sơn Hòa. Cũng giống như nhà máy đường KCP chuyển từ Thừa Thiên - Huế vào Phú Yên.

 

Quyết định 58/2005 của Bộ NN&PTNT cũng chỉ cấm tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía đường trong khi Vạn Phát chưa hề mua mía. Và nếu đi vào sản xuất, họ đã có vùng mía 500 ha ở huyện Sông Cầu mà Vạn Phát được phép đầu tư cho nông dân.

 

Vậy là cả hai lý do mà ông tân chủ tịch đưa ra đều không có cơ sở.

 

Trong khi đó, từ một nguồn tin riêng, chúng tôi đã có trong tay bản chụp một văn bản thoả thuận ký ngày 2/3/2000 giữa đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP với một lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên. Trong đó, tại điều 3, mục n có đoạn: “Sẽ không cho phép bất kỳ nhà máy đường nào khác thành lập tại tỉnh Phú Yên. Tất cả các nhà máy đường thủ công hiện nay sẽ không được phép hoạt động sau khi dự án của công ty TNHH công nghiệp KCP được thiết lập tại Sơn Hoà”.

 

Biên bản này còn rất nhiều điều ưu ái khác mà nằm mơ, các DN khác cũng không bao giờ có được khiến người ta buộc phải nghi ngờ về tính đúng đắn của nó.

 

Được biết, năm 2000, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, do làm ăn không hiệu quả nên đã quyết định chuyển vào “định cư” tại tỉnh Phú Yên. Không hiểu vì lý do gì, Công ty KCP nhận được rất nhiều ưu ái của tỉnh nhà. Và có lẽ chính vì sự tồn tại của KCP mà Công ty Vạn Phát mới bị o ép như trên?

 

Ở một tỉnh nghèo như Phú Yên, mọi dự án đầu tư đều đáng trân trọng và rất cần được khuyến khích. Tuy nhiên, Quyết định 1491 ngày 25/9/2006, UBND tỉnh Phú Yên đã đánh dấu chấm hết cho một dự án mà tỉnh này mời gọi và đang được bà con nông dân hết sức hoan nghênh.

 

Duy Thảo