1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điều chỉnh khu liên hợp thể thao Mỹ Đình phục vụ ASIAD

(Dân trí) - Hà Nội mới đây thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch phân khu liên hợp thể thao Quốc gia tại Mỹ Đình phù hợp với yêu cầu mới, đáp ứng mục tiêu tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019.

Nội dung điều chỉnh quy hoạch do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo ký xác định khu vực tiến hành với tổng diện tích 170 ha. Khu vực này được giới hạn bởi ranh giới: phía Bắc giáp Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp Hà Nội và đường Trần Hữu Dực, phía Nam giáp thôn Phú Đô (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm), phía Tây giám đường ven khu vực sông Nhuệ, phía Đông giáp đường quy hoạch và dân cư thôn Nhân Mỹ (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm).

Trong đó, chỉ 38,2 ha các khu chức năng đã xây dựng được giữ nguyên như sân vận động trung tâm, đất khu sân tập bóng đá, đất trung tâm báo chí, truyền thanh, truyền hình.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình sẽ vẫn là trọng tâm quy hoạch của khu vực.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình sẽ vẫn là trọng tâm quy hoạch của khu vực.

Còn lại các khu chức năng sẽ điều chỉnh có tổng diện tích 132 ha (chiếm gần 78%) diện tích quy họach, xem xét. Cụ thể, khu thể thao trong nhà, thể thao dưới nước, xe đạp lòng chảo, khách sạn thể thao và trụ sở UB Olympic, các khách sạn, khu dịch vụ thể thao… đều sẽ được điều chỉnh, thay đổi.

Trong quy hoạch điều chỉnh dự kiến, sân vận động trung tâm vẫn là khu vực trọng tâm bố cục không gian của dự án. Đây cũng là vị trí có tầm nhìn quan trọng nhất đối với toàn bộ không gian xung quanh. Ngoài ra, các lô đất có vị trí tạo được điểm nhấn kiến trúc được sắp xếp theo các thứ tự ưu tiên như sân đua xe đạp lòng chảo, sân thi đấu quần vợt, khu phụ trợ thể thao (gồm khu khách sạn, dịch vụ thể thao, trụ sở UB Olympic… sát với khách sạn Crowne plaza của Trung tâm vận động viên cấp cao Hà Nội).

Các tuyến đường trục chính sẽ được xây dựng gồm đường Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo chạy qua phía trước sân vận động trung tâm hướng tuyến bắc nam nối quốc lộ 32 và đại lộ Thăng Long. Thành phần lòng đường khu vực này sẽ điều chỉnh để đảm bảo bố trí hầm chui giao thông theo quy hoạch. Cụ thể, đoạn phía Bắc sân vận động có mặt cắt rộng 60m, gồm 2 dải xe chạy rộng 30m (8 làn xe), vỉa hè 8m mỗi bên và dải câu xanh rộng 14m ở giữa. Đoạn chạy ngang sân vận động có xây dựng hệ thống hầm giao thông, bề rộng tới 113,5m (hầm giao thông rộng khoảng 30m với 6 làn xe). Đoạn phía Nam sân vận động giảm bề rộng mặt đường xuống 22,5m với 6 làn xe để chuyển đất sang dải cây xanh ở giữa.

Về yêu cầu thiết kế, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh lựa chọn giải pháp tối ưu về bố cục công trình để hạn chế tác động xấu của hướng nắng, hướng gió, đối với điều kiện vi khí hậu, hạn chế tối đa nhu cầu sử dụng điện và nhiên liệu hóa thạch cho mục đích hạ nhiệt hoặc sưởi ấm trong công trình.

Mật độ xây dựng công trình tối đa, tối thiểu phải đáp ứng quy hoạch đã được xác lập trong quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất. Tầng cao công trình tối đa, tối thiểu, tùy chức năng sử dụng và vị trí cụ thể, số tầng cao phải đảm bảo hài hòa, thống nhất với các công trình lân cận cho từng khu chức năng. Các công trình thể thao không được cao quá chiều cao sân vận động trung tâm. Các công trình phụ trợ như khách sạn, khu dịch vụ… có hướng thấp dần về phía sân vận động trung tâm. Tỷ lệ đất trồng cây xanh trong các lô đất không được thấp hơn quy chuẩn xây dựng Việt Nam, khuyến khích tạo lập hệ thống cây xanh lớn hơn quy định.

Việc tổ chức không gian cây xanh cũng được lưu ý làm theo dạng mở kết hợp với tiện ích để người dân có thể chơi thể thao, đi dạo, picnic trong khu vực. Hồ điều hòa cũng phải tạo cơ hội tiếp cận tối đa cho cộng đồng với không gian mặt nước.

P.Thảo