Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội: Hãy để người lao động lựa chọn!
(Dân trí) - Đề cập đến điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị: “Quốc hội nên ra một nghị quyết để người lao động được chọn giữa hai phương án... Hơn ai hết phải để cho người lao động có quyền chọn lựa”.
“Phải nói rằng đây là trường hợp đáng tiếc và hiếm gặp trong công tác xây dựng pháp luật. Do áp lực và đề nghị của một bộ phận công nhân, người lao động đòi hỏi được nhận bảo hiểm xã hội một lần dù không đủ điều kiện độ tuổi theo quy định”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
Theo đại biểu, thời gian qua có nhiều luồng ý kiến về vấn đề này, có ý kiến cho rằng quy định như Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội là rất nhân văn, có lợi và bảo vệ cho người lao động về già có lương hưu bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy không phù hợp với một bộ phân công nhân, người lao động làm việc ở một số ngành đặc thù không có điều kiện chờ đợi để nhận lương hưu...
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận định, phân tích theo ý kiến nào cũng thấy ưu điểm và hạn chế của Điều 60. Nhưng thực tế phải căn cứu vào điều kiện hiện nay của một bộ phận công nhân và người lao động không có điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo hướng có lợi hơn. Do vậy, luật nên có quy định mở để người lao động có điều kiện lựa chọn.
Từ phân tích trên, đại biểu Vinh tán thành với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội xem xét bổ sung quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo nguyên tắc có đóng có hưởng, bảo đảm nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống. Đại biểu cũng cũng đề nghị đơn vị liên quan dành kinh phí tăng cường tuyên tuyền để người lao động hiểu được nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trí thì có lợi hơn.
Nhận định việc đưa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội ra bàn trước Quốc hội hôm nay, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cũng cảm thấy đó là điều hết sức đáng tiếc, vì điều luật ban hành có ý nghĩa hết sức quan trọng mà không được xem xét chu đáo. “Khi có kiến nghị, nếu thấy sai thì phải sửa, vì lợi ích của người lao động, kể cả thiểu số. Tuy nhiên trước khi sửa phải thực hiện theo đúng quy trình”, đại biểu Minh nói.
Theo đại biểu Ngô Văn Minh trong các nội dung báo cáo đều khẳng định làm đúng quy trình, đúng trình tự thủ tục, nhưng một khi đã đề xuất sửa thì rõ ràng quy trình này có vấn đề.
Để đảm bảo tính nhân văn của Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu Ngô Văn Minh đề xuất cho người lao động thêm một sự lựa chọn, đó là có thể rút tiền ra để giải quyết khó khăn trước mắt, sau đó khoảng 5-7 năm có điều kiện thì nộp lại tiền đó và đóng tiếp, giống như cho người nghèo vay không lãi.
Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, muốn sửa Điều 60 thì phải cung cấp đầy đủ việc trích các tài liệu như Tờ trình của Chính phủ liên quan tới Điều 60; Báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh ý kiến góp ý của người lao động, của Tổng liên đoàn Lao động, của Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ, tại hội trường, báo cáo tiếp thu, giải trình những vấn đề liên quan đến điều này; Cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội, làm rõ trách nhiệm của cơ quan trình.
Địa biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, lý do Điều 60 bị phản ứng thời gian qua là do chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích của các nhóm người lao động khác nhau trong xã hội. Thực tế có nhóm người lao động muốn bảo lưu bảo hiểm để sau này được lĩnh lương hưu, nhưng cũng có nhóm người lao động muốn được hưởng lương hưu một lần.
“Chúng ta phải quan tâm đầy đủ lợi ích của cộng đồng, dù đó là cộng đồng thiểu số. Chúng ta đừng cho rằng bộ phận người lao động này là thiếu hiểu biết. Họ biết khi lựa chọn một lần là hy sinh một số quyền lợi nhưng vì hoàn cảnh họ mới phải làm thế”, ông Nghĩa nói.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Điều 60 vẫn có thể sửa, nhưng việc sửa vào luật hay ra Nghị quyết cần tính toán. Dù cách làm thế nào thì cũng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động. Đại biểu cũng cho rằng tuyên truyền về lợi ích lâu dài của Điều 60 là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải xây dựng nền kinh tế làm sao ngày càng có nhiều người lựa chọn phương án bảo lưu bảo hiểm xã hội để có hưu trí.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đã đề nghị chưa thông qua luật này vì một điều cơ bản nhất của luật cần sửa là thiếu công bằng giữa người lao động trong quốc doanh và ngoài quốc doanh.
Ông Tùng đưa ra so sánh giữa hai người lao động cùng tốt nghiệp như nhau, cùng làm việc như nhau, cùng đóng bảo hiểm xã hội như nhau; nhưng sau 30 năm đóng bảo hiểm, người làm việc trong quốc doanh hưởng lương hưu gấp 2 lần người làm ngoài quốc doanh.
“Điều đó không thể chấp nhận được. Lần này chúng tôi kiến nghị Quốc hội nên ra một nghị quyết để cho người lao động được chọn lựa hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu và chờ đợi sửa luật một cách toàn diện hơn. Hơn ai hết phải để cho người lao động có quyền chọn lựa”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nêu kiến nghị.
Quang Phong