1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch Quốc hội: Sao vội sửa khi biết luật có lợi cho dân?

(Dân trí) - Nghe báo cáo về đề xuất sửa Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định việc hạn chế cho người lao động nhận “hưu non” 1 lần, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, luật có lợi, tốt hơn cho người lao động, sao không tuyên truyền đã nhanh chóng bàn sửa?

Chiều 12/5, báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2014, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền giải thích, luật năm 2006 quy định người lao động sau 1 năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm và có yêu cầu nhận tiền 1 lần mà chưa đủ 20 năm đóng (điều kiện để được hưởng lương hưu) thì được giải quyết “hưu non” một cục.

Bà Chuyền phân tích, quy định này tuy tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt, nhưng khi về già không có lương hưu để bảo đảm cuộc sống, sẽ khó khăn cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Vì vậy, để bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, luật đã được sửa năm 2014 theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm, tích lũy thời gian đóng trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, thay vì nhận tiền một cục.

Theo đó, Điều 60 quy định, khi người lao động nghỉ việc, không tiếp tục đóng bảo hiểm thì tạm thời chưa giải quyết bảo hiểm 1 lần mà được bảo lưu thời gian đã đóng để tiếp tục tham gia bảo hiểm khi có điều kiện, để được hưởng lương hưu khi về già.
Chủ tịch Quốc hội: Sao vội sửa khi biết luật có lợi cho dân?
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tích cực tuyên truyền thêm về Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội 2014 trước khi luật có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2016.

Quy định này được đánh giá là nhân văn, là tính cho quyền lợi lâu dài của người lao động nhưng khi luật chưa có hiệu lực (luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đến 1/1/2016 mới bắt đầu có hiệu lực thi hành) thì nhiều công nhân (chủ yếu ở các khu công nghiệp phía Nam) phản ứng, đình công yêu cầu duy trì quy định để người lao động được trả bảo hiểm 1 lần khi nghỉ việc như luật năm 2006.

Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chính phủ báo cáo UB Thường vụ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 60 theo hướng, trước mắt, cho phép người lao động được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm 1 lần sau khi nghỉ việc hoặc bảo lưu để đóng tiếp khi có điều kiện.

“Việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết bảo hiểm1 lần, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm ngắn có nhu cầu nhận tiền 1 lần để trang trải cuộc sống trước mắt” – Bộ trưởng Hải Chuyền nhận định. Tuy nhiên, cùng với việc này, về lâu dài, khi hết tuổi lao động, người lao động không có lương hưu hàng thàng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và tạo thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ những người không có lương hưu.

Đánh giá quy định mới là chủ trương đúng đắn, là một “lưới an sinh an toàn cho người dân” nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, sao chính sách tốt lại không nhận được sự đồng tình từ chính những người thụ hưởng?

Bà Ngân dẫn lại bài học của 35.000 người nhận chế độ “một cục” (chế độ 176 năm 1989) và nhấn mạnh, 20 năm sau, khi bà làm Bộ trưởng LĐ,TB&XH, bà vẫn nhận truy vấn nặng nề của nhiều cử tri rằng, đó là chính sách “chiếm đoạt tiền của người lao động”. Phó Chủ tịch Quốc hội cảnh báo, đây là điều rất đáng suy nghĩ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Do tổ chức tuyên truyền về luật không tốt nên khi chính sách đụng chạm đâu đó lập tức bị phản ứng”. Chủ tịch Quốc hội lật lại vấn đề, từ nay tới khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực, cần phải tuyên truyền cho tốt chứ tại sao đề xuất sửa ngay khi quy định còn chưa bắt đầu thực hiện?

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính phân tích, quan điểm về thực hiện “lưới an sinh xã hội” là đúng đắn, nhưng cần phải có lộ trình.

Ông Chính chia sẻ, vừa qua, qua tiếp xúc với người lao động, có thể nhận thấy, chủ yếu người lao động làm việc dưới 10 năm mới “đòi” nhận bảo hiểm 1 cục, 1 lần. Còn những người đã làm trên 10 năm đều muốn cố đóng bảo hiểm để sau này được nhận lương hưu.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi sử dụng lao động được 10 năm là sa thải, tìm người mới. Những người đã bị “vắt kiệt” này đành phải về quê nên mới phải tính tới việc xin nhận tiền “hưu non” một lần.

Ông Chính thuyết phục, cần phải sửa quy định của luật theo hướng linh hoạt. Quốc hội có thể ra nghị quyết tạm dừng thực thi Khoản 1 Điều 60 và Điểm a Khoản 1 Điều 77 và cho phép tiếp tục thực thi Điều 55 Luật năm 2006, khi nào đến thời điểm thuận lợi để sửa Luật năm 2014 thì sửa luôn và đưa lộ trình hạn chế chi trả bảo hiểm 1 lần.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển can gián, một chính sách khi thay đổi, chắc chắn ít nhiều có phản ứng, do đó Quốc hội cần kiên trì, thận trọng khi sửa đổi. Theo ông, việc sửa Điều 60 sẽ là điều đáng tiếc.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm