Điệp khúc... thưởng Tết
(Dân trí) - Một không khí dễ nhận ra tại các cơ quan, công sở trong dịp áp Tết này là cảnh người người ngóng chờ tiền thưởng cuối năm. Tuy nhiên, số tiền thưởng như thế nào vẫn đang là ẩn số với không ít người lao động.
Dư luận đang hết sức ngưỡng mộ và trầm trồ đối với các đối tượng được thưởng đến 250 triệu đồng/người của VP Bank. Có thể nói rằng đây là mức thưởng cao nhất trong dịp Tết Bính Tuất 2006 này. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người thì mức tiền thưởng Tết năm nay khá khiêm tốn, là eo hẹp hơn mọi năm.
Theo dự đoán của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, mức thưởng Tết năm nay chỉ có các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực: khách sạn, nhà hàng, công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính. Và mặc dù, đến thời điểm này chưa có con số thưởng Tết chính thức của các cơ quan doanh nghiệp nhưng nhìn chung, mức thưởng Tết cao nhất thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Còn các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước dường như các ông chủ, bà chủ chưa mặn mà với niềm vui, sự mong chờ và cả sự cống hiến của người lao động.
Một vị lãnh đạo thuộc Tổng Công ty Sông Đà (Bộ Giao thông vận tải) cho hay, Tổng công ty này sẽ không có tiền thưởng Tết cho người lao động, mặc dù, năm qua, Tổng Công ty Sông Đà đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, giá trị sản lượng đạt trên 300 tỉ đồng, người lao động có thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Lý do ông này đưa ra là, 100% doanh nghiệp thuộc Tổng công ty đã cổ phần hóa, phần lãi sau khi đã cân đối chi thu của năm thường được chia vào cổ tức cho cổ đông, giá trị cổ tức tăng, nghĩa là người lao động đã có thưởng trong đó. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn người lao động chưa phải là cổ đông của Tổng công ty, nên thưởng Tết chỉ là con số 0.
Năm nay, Công ty Phân lân Văn Điển chỉ thưởng Tết cho CBCNV với số tiền 200.000 đồng/người. Ông Bùi Quang Lanh, Giám đốc Công ty cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là không tập trung thưởng một dịp để mọi người có ý thức tiết kiệm. Tiền thưởng của Công ty sẽ được chia đều vào lương trong các tháng, với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/ người”.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiền lương của người lao động hàng tháng chỉ chiếm 80% tổng trị giá lương, 20% còn lại, các cơ quan, doanh nghiệp cho vào quỹ rủi ro, cuối năm người lao động phải được nhận lại số tiền đó. Các doanh nghiệp phải coi đó là tháng lương thứ 13 mà người lao động được nhận. Các chuyên gia của Bộ này cũng cho biết thêm, trốn thưởng Tết hoặc thưởng thấp hơn mức lương thứ 13 được coi là hành vi ăn quỵt mồ hôi, công sức của người lao động.
Cũng theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội: “Trong thỏa ước lao động hay hợp đồng lao động đều có đề cập rõ mức lương, thưởng nên người lao động có quyền căn cứ vào đó mà đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình. Trái lại, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trả lương, thưởng Tết xứng đáng với công sức mà người lao động đã bỏ ra”.
Nguyễn Hiền