1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

An Giang:

Diễn biến mới vụ đại gia thủy sản ôm tiền tỷ đi nước ngoài rồi biệt tích

(Dân trí) - Ngày 15/2, Ngân hàng nhà nước – chi nhánh An Giang tổ chức cuộc họp giữa các bên để tìm hướng giải quyết vụ lãnh đạo Công ty Thuận An đi nước ngoài rồi không trở về, để lại khoản nợ cả trăm tỷ đồng, khiến hàng chục hộ nông dân nuôi cá tra khóc ròng…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước An Giang và Agribank An Giang đề nghị các hộ nông dân thực hiện tái cơ cấu nợ trong thời gian 5 năm. Cụ thể là nông dân phải trả tiền mua thức ăn mà Agribank đã trả thay trước đó. Tổng số nợ 12 hộ dân nuôi cá tra theo “chuỗi liên kết” được Agribank An Giang giải ngân là 129 tỷ đồng.

Trước quan điểm này, các hộ dân bức xúc, không đồng tình. Họ cho rằng, số nợ này phải do Cty Thuận An gánh chịu bởi trong các “hợp đồng nguyên tắc” đều thể hiện rõ: Đến kỳ thu hoạch, sau khi Cty Thuận An đến bắt cá, người nuôi sẽ không được nhận đủ số tiền (tương ứng với số cá bán thực tế) mà họ chỉ nhận được một phần - sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng đã trả trước đó.

Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh An Giang đề nghị nên cơ cấu nợ cho Công ty Thuận An chứ không phải nông dân
Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh An Giang đề nghị nên cơ cấu nợ cho Công ty Thuận An chứ không phải nông dân

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (hộ nuôi cá tra trong dự án, TP Long Xuyên) cho biết: "Chúng tôi vay tiền của ngân hàng nhưng chưa bao giờ nhận tiền mặt mà chỉ nhận bằng thức ăn nuôi cá. Sau đó, Agribank sẽ trả tiền thay, rồi người nuôi đến ngân hàng ký xác nhận nợ sau khi đã đối chiếu số lượng và các chứng từ có liên quan. Đến khi thu hoạch cá, nông dân chúng tôi bán cho Cty Thuận An và công ty chỉ trả cho chúng tôi phần chênh lệch, sau khi họ trừ số tiền thức ăn mà chúng tôi đã nợ tại ngân hàng. Đây là một quy trình diễn ra xuyên suốt ngay từ khi mới bắt đầu dự án với trách nhiệm và sự ràng buộc qua lại giữa các bên. Bây giờ xảy ra sự cố không thể bắt một mình nông dân gánh chịu".

Ông Nghiệp nói thêm, khi Tổng giám đốc Công ty Thuận An không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền cho ngân hàng, Agribank bắt nông dân trả nợ, rồi người dân đi đòi nợ Cty Thuận An. Như vậy bao nhiêu cái khó đều đổ lên đầu nông dân; trong khi toàn bộ tài sản của Cty Thuận An đã thế chấp vào ngân hàng và được Agribank quản lý. Vậy nông dân lấy gì để đòi nợ?

Trước đề xuất chuyển nợ cho Công ty Thuận An, các nông dân nuôi cá tra trong chuỗi liên kết hy vọng sẽ không bị siết nợ và có khả năng thu phần hồi tiền lời bán cá cho công ty
Trước đề xuất chuyển nợ cho Công ty Thuận An, các nông dân nuôi cá tra trong chuỗi liên kết hy vọng sẽ không bị siết nợ và có khả năng thu phần hồi tiền lời bán cá cho công ty

Tại cuộc họp, ông Phạm Sơn – Chánh Văn phòng – người phát ngôn UBND tỉnh An Giang cho rằng, trong dự án này, nông dân không phải vay tín dụng như những trường hợp vay đầu tư nông nghiệp bình thường, mà đây là dự án chuỗi liên kết. Bây giờ xảy ra sự cố cả 3 bên phải chia sẻ rủi ro với nhau, hướng giải quyết phải theo nguyên tắc chung từ trước đến giờ mới đảm bảo sự công bằng cho 3 bên.

Chẳng hạn một hộ nuôi cá đã vay mua thức ăn từ Agribank 8,9 tỷ đồng, sau đó hộ này đã giao cá cho Cty Thuận An với tổng giá trị là 10,6 tỷ đồng. Theo quy định của chuỗi liên kết, nông dân giao cá là xong. Cty Thuận An phải trả tiền cho ngân hàng, nông dân cũng không còn nợ, họ chỉ lấy phần chênh lệch làm lời.

Ông Sơn nói thêm: “Nếu hộ dân nào vay ngân hàng nhiều nhưng bán cá ít, tất nhiên sẽ còn nợ ngân hàng và phải có trách nhiệm phải trả. Còn nếu hộ nào vay ít nhưng bán cá nhiều thì nông dân đấu tranh để lấy lại phần lời vốn có của họ là chính đáng. Vấn đề này ngân hàng phải tính lại, phải cơ cấu nợ cho doanh nghiệp chứ không phải người dân”.

Trước phát biểu của ông Sơn, các hộ nuôi cá rất phấn khởi. Họ cho rằng đây là cách giải quyết phù hợp và thỏa đáng, đồng thời mong muốn, cách giải quyết này sớm được triển khai để bà con an tâm, tiếp tục đầu tư sản xuất.

Cuộc họp tạm dừng ở đây và các bên chưa đi đến được thống nhất cuối cùng.

Như Dân trí đã thông tin, từ năm 2014, được sự đồng thuận chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Cty Thuận An đã triển khai dự án “chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra”. Dự án này có sự tham gia giữa 3 bên gồm: Cty Thuận An, Ngân hàng NN&PTNT An Giang và các hộ nuôi cá tra. Trong đó, người nuôi được vay vốn từ Argibank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được Argibank trả tiền thay… Cá nuôi đến định kỳ sẽ được bán “độc quyền” cho Cty Thuận An, sau đó Cty này sẽ thanh toán tiền chênh lệch cho người nuôi sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trước đó.

Trong khoảng 2 năm đầu, bà con nuôi cá rất phấn khởi, vì dự án đã tạo đầu ra hiệu quả, nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho người nuôi cá tra. Tuy nhiên, từ tháng 11/2016, lãnh đạo Cty Thuận An bất ngờ đi “công tác nước ngoài”, sau đó không trở về khiến các hộ nuôi cá lâm vào cảnh điêu đứng.

Hiện tại có 12 hộ nuôi cá trong dự án trên đang nợ ngân hàng tổng số tiền 129 tỷ đồng.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm