Cơn bão số 8 được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trước khi đổ bộ, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, hiện một số địa phương đã có mưa, tuy nhiên lượng mưa chưa đáng kể, gió nhẹ và chưa ghi nhận những thiệt hại do bão gây ra trên khu vực ven biển cũng như đất liền các tỉnh.
Tại Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 8, từ đầu giờ sáng ngày 14/10, nhiều nơi trên địa bàn bắt đầu xuất hiện mưa to, gió còn nhẹ. Tại một số địa phương vùng ven biển như: Thị xã Nghi Sơn, huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, thành phố Sầm Sơn xuất hiện mưa vừa đến mưa to, sóng biển lớn, triều cường dâng cao. Trong ảnh là khu vực bờ biển ven đường Hồ Xuân Hương, thành phố Sầm Sơn bắt đầu xuất hiện sóng lớn (Ảnh: Thanh Tùng).
Đến thời điểm này, toàn bộ tàu, thuyền và ngư dân Thanh Hóa hoạt động trên biển đã vào tránh trú an toàn. Hiện chỉ còn 6 phương tiện với 57 lao động đang hoạt động tại vùng biển không chịu ảnh hưởng của bão số 8 ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Người lao động trên các phương tiện nói trên đều nắm được thông tin về bão số 8 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương. Trong ảnh là tại khu vực âu thuyền phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tất cả các tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn (Ảnh: Thanh Tùng)
Tại huyện Hoằng Hóa xuất hiện mưa vừa, khu vực ven biển Hải Tiến đã có những cột sóng cao (Ảnh: Thanh Tùng).
Dọc các tuyến đường khu vực khu du lịch không một bóng người, các khách sạn nhà hàng đóng cửa để ứng phó với bão số 8 (Ảnh: Thanh Tùng).
Tại Nghệ An, đến10h ngày 14/10, trời mưa nhỏ, sóng biển bắt đầu dâng cao (Ảnh: Nguyễn Tú).
Để chủ động ứng phó với bão số 8, hiện nay các huyện ven biển tại Nghệ An như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… ngư dân đang kiểm tra và tàu thuyền lần cuối trước khi bão đổ bộ vào đất liền (Ảnh: Nguyễn Tú).
Để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại, người dân đã cắt tỉa cành cây có nguy cơ bị đổ gãy (Ảnh: Nguyễn Tú).
Người dân đang khẩn trương chằng néo nhà cửa, tàu thuyền trước khi bão đổ bộ (Ảnh: Nguyễn Tú).
Tại Hà Tĩnh sáng nay (14/10) trời mưa nhỏ, gió nhẹ. Từ hôm qua, người dân các khu vực trọng yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão như ở huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh… cũng đã khẩn trương gia cố, chằng néo nhà cửa, đưa tàu thuyền lên các vị trí an toàn. Các đơn vị của bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cũng đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ đến giúp người dân chằng néo nhà cửa, đưa thuyền vào nơi tranh bão (Ảnh: Xuân Sinh).
Sóng biển tại vùng biển Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) khá mạnh (Ảnh: Xuân Sinh).
Ngư dân đội mưa chằng néo lại tàu thuyền trước khi bão vào (Ảnh: Xuân Sinh).
Lực lượng chức năng giúp người dân di chuyển tàu thuyền lên vùng an toàn (Ảnh: CTV).
Tại Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão từ chiều 13/10 đã có mưa to đến rất to. Tuy nhiên, đến sáng 14/10, thời tiết tại Quảng Bình vẫn tạnh ráo, gió nhẹ (Ảnh: Tiến Thành).
Do chưa chịu ảnh hưởng của mưa bão nên mực nước tại các sông vẫn ở mức thấp (Ảnh: Tiến Thành).
Tại thời điểm sáng 14/10, vùng biển Quảng Bình chưa xuất hiện mưa, biển động (Ảnh: Tiến Thành).
Tại Quảng Trị, trong những giờ qua đã có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 15-30 mm. Mực nước các sông biến đổi chậm và dưới mức báo động 1. Do mưa và gió không đáng kể nên chưa ghi nhận thiệt hại nào xảy ra tại các địa phương. Đây là hình ảnh thuyền của ngư dân vùng bãi ngang được vận chuyển lên bờ (Ảnh: Đăng Đức).
Ngư dân đưa ngư lưới cụ vào nhà tránh bão số 8 (Ảnh: Đăng Đức).
Ngư dân Võ Bắc, trú xã Gio Hải, huyện Gio Linh kiểm tra lại thuyền trước ảnh hưởng của mưa bão (Ảnh: Đăng Đức).
Người dân tại thị trấn Cửa Việt chằng néo hàng quán trước ảnh hưởng của bão (Ảnh: Đăng Đức).
Ngư dân Lê Văn Cương, trú xã Gio Việt, huyện Gio Linh neo đậu lại thuyền (Ảnh: Đăng Đức).