Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão số 8
(Dân trí) - Để chủ động ứng phó với bão số 8, các tỉnh miền Trung đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm và sẵn sàng phương án sơ tán dân...
Tại Thanh Hóa, để chủ động ứng phó với bão số 8, chính quyền địa phương và ngư dân tỉnh này đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến trưa ngày 13/10, tỉnh này có 6.549 phương tiện với 23.873 lao động đã vào bờ neo đậu. Hiện, còn 124 phương tiện với 859 lao động đang hoạt động trên biển. Dự kiến trong ngày hôm nay các phương tiện này sẽ vào nơi tránh trú bão an toàn.
Ghi nhận tại âu thuyền Lạch Trường, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc vào trưa ngày 13/10, thời tiết đã có mưa nhỏ, gió nhẹ. Để chủ động ứng phó với bão số 8, chính quyền địa phương và ngư dân đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào khu vực âu thuyền để tránh trú.
Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, toàn xã có 143 phương tiện tàu thuyền, tất cả các phương tiện của địa phương đã vào bờ tránh trú an toàn.
"Hiện, tại khu vực cảng Hòa Lộc có một số phương tiện đang khẩn trương bốc xếp hàng hóa, chúng tôi đang yêu cầu các chủ phương tiện nhanh chóng đưa tàu thuyền về khu vực âu để neo đậu theo quy định. Đối với những hộ dân ven đê xã đã có phương án chi tiết để tiến hành di dân khi cần thiết", ông Huân cho biết thêm.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh này đã ký kết hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang của Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống bão, với lực lượng huy động gồm 1.100 chiến sĩ.
Ngoài ra, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Trung tá Nguyễn Văn Hà, Đội phó Đội vũ trang, Đồn biên phòng Đa Lộc, cho biết: "Để chủ động ứng phó với bão số 8, thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, tại khu vực âu thuyền Lạch Trường có 2 cán bộ thường xuyên túc trực 24/24 để kịp thời xử lý những tình huống xấu khi xảy ra".
Tại Nghệ An, chiều ngày 13/10 đã bắt đầu có mưa nhưng lượng mưa chưa lớn. Ghi nhận tại huyện Diễn Châu, toàn bộ tàu thuyền của địa phương đã vào bờ tránh bão an toàn. Chính quyền địa phương sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm, chuẩn bị nhu yếu phẩm cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ...
Thông tin từ Chi cục Thủy sản Nghệ An, trước đó ngư dân đã di chuyển tàu thuyền về tránh bão số 7 nên hiện nay 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Nghệ An đang neo đậu vào vị trí an toàn để tránh bão số 8.
Hà Tĩnh: Kịch bản di dân phòng ngừa bão, siêu bão
Để triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; đảm bảo an sinh xã hội... từ tháng 6/2021, Hà Tĩnh đã lên phương án phòng ngừa, ứng phó bão mạnh, siêu bão năm 2021.
Theo đó, đối với khu vực trọng điểm ven biển, cửa sông sẽ thực hiện theo 4 kịch bản gồm: Quy mô sơ tán khi có bão cấp 8, cấp 9 là 9.823 người; quy mô sơ tán khi có bão cấp 10, cấp 11 là 15.788 người; quy mô sơ tán khi có bão cấp 12, cấp 13 là 32.438 người; quy mô sơ tán khi có bão cấp 14 trở lên (bão mạnh, siêu bão) là 78.583 người.
Đối với khu vực nội địa có 2 kịch bản gồm: Quy mô sơ tán khi có bão cấp 12, cấp 13 là 45.066 người và; quy mô sơ tán khi có bão cấp 14 trở lên là 77.220 người.
Để ứng phó với bão số 8, các địa phương ở Hà Tĩnh đã kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu, bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản, đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Đến thời điểm hiện tại gần 4.000 phương tiện tàu thuyền và gần 15.000 ngư dân ở Hà Tĩnh đã vào bờ, tránh trú an toàn.
Từ hôm nay (13/10), khu vực biển Hà Tĩnh có gió tăng lên cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8, biển động mạnh. Ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh có độ cao sóng 3 - 4 m. Ven biển cần đề phòng nước dâng do bão từ 0,4 -0,6m.
Quảng Bình: Chủ động vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm...
Trước diễn biến của bão số 8, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn, kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi tránh, trú hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; cấm không cho tàu thuyền ra khơi bắt đầu từ 16h ngày 13/10.
Do ảnh hưởng của bão, trong ngày 13/10, tại Quảng Bình bắt đầu có mưa lớn. UBND các huyện, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chủ động vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ tại các thôn, bản, vùng thường xuyên bị chia cắt, đề phòng mưa lũ kéo dài.
Các địa phương vận hành, xả nước đón lũ trong các hồ chứa một cách hợp lý; đồng thời sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, không an toàn, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, chia cắt dân cư; khuyến cáo người dân ra khỏi rừng hoặc tìm nơi tránh trú an toàn; chằng chống nhà cửa; nâng cao công tác phòng, chống lụt bão tại các khu cách ly tập trung, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã thành lập 5 sở chỉ huy tiền phương, triển khai lực lượng hỗ trợ các huyện trong công tác phòng chống lụt bão.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, tạm dừng hoạt động lưu thông trong những trường hợp mất an toàn...
Hiện, tỉnh Quảng Bình còn 21 điểm nguy cơ sạt lở cao, tỉnh này cũng đã lên kế hoạch sơ tán 500 hộ dân với hơn 1.900 người đến nơi an toàn. UBND Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các địa phương tạm dừng tất cả các cuộc họp để tập trung ứng phó với bão.
Quảng Trị: Đã hoàn thành việc neo đậu tàu, thuyền tránh bão
Theo lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Cửa Việt, đơn vị đã phối hợp với chính quyền huyện Gio Linh và các địa phương ven biển thực hiện lệnh "cấm biển", không cho tàu thuyền ra khơi. Hiện các tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi neo đậu an toàn để tránh bão.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, vận động ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú, hoàn thành việc sắp xếp tàu thuyền để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
Đối với các địa bàn xung yếu, chính quyền đã rà soát và lên phương án di dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét...
Theo ghi nhận của phóng viên, tại tỉnh Quảng Trị, vào ngày 13/10 trên địa bàn đã xuất hiện mưa lớn.