1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Điểm sơ tán tránh bão lũ thiếu thốn "những thứ chúng ta chưa nghĩ tới"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Những điểm sơ tán tránh bão, mưa lũ thường không có chỗ ngủ riêng theo giới, không có hoặc thiếu nhà vệ sinh khiến người dân sơ tán vô cùng khó khăn. Riêng phụ nữ còn gặp những khó khăn "khó nói".

Theo nghiên cứu của UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ), trước mỗi cơn bão hay các đợt thiên tai lớn, các tỉnh, thành phố được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp sẽ phải sơ tán hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người dân đến nơi an toàn trong thời gian ít nhất từ 3 ngày đến 2 tuần.

Không có chỗ ngủ riêng biệt theo giới tính

Cũng theo UN Women, địa điểm sơ tán thường là nơi công cộng (nhà cộng đồng hoặc trụ sở UBND xã) hoặc nhà hàng xóm. Những địa điểm này thường không có chỗ ngủ riêng biệt theo giới tính. Họ thường phải chia sẻ không gian quá chật chội với nhiều gia đình, điều này làm hạn chế quyền riêng tư và có thể dẫn đến xung đột, thậm chí quấy rối và đe dọa nói chung. Các điểm sơ tán cũng có thể không có nhà tắm và nhà vệ sinh hoặc không có nhà tắm và nhà vệ sinh riêng biệt...

Điểm sơ tán tránh bão lũ thiếu thốn những thứ chúng ta chưa nghĩ tới - 1

Những điểm sơ tán tránh trú bão, mưa lũ cũng còn nhiều bất cập cần được chính quyền địa phương quan tâm, khắc phục.

Liên quan đến nội dung trên, trong chuyến đi thực tế của phóng viên Dân trí tại vùng “rốn lũ” ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vào nửa đầu tháng 11/2020, bà Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Ninh (Quảng Ninh – Quảng Bình) cho biết: Tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai người dân gặp rất nhiều khó khăn và cần thời gian dài để khắc phục. Một trong những đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai là người già, phụ nữ và trẻ em.

Điểm sơ tán tránh bão lũ thiếu thốn những thứ chúng ta chưa nghĩ tới - 2

Bà Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Ninh (Quảng Ninh – Quảng Bình).

“Một số nơi nhà ngập hết, công trình vệ sinh cũng bị ngập, nước sạch thiếu thốn nên vấn đề vệ sinh của chị em gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng khi người dân đi sơ tán thì điểm sơ tán rất đông người, phòng vệ sinh hạn chế. Do đó, tới đây chúng tôi sẽ phải tham mưu cho lãnh đạo là trước khi sơ tán người dân, thì điểm sơ tán cần đảm bảo chỗ ở ổn định để chị em phụ nữ yên tâm ở lại”, bà Nhâm cho biết.

UN Women cho biết, khi có thiên tai, nhiều phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú đang phải đối mặt với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật liên quan, đồng thời không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những căng thẳng khác, làm tăng nguy cơ sảy thai cho phụ nữ mang thai và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em;…

Dân vùng lũ thiếu những thứ "chúng ta chưa nghĩ tới"

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết: Khoảng 1-2 ngày đầu, người dân vùng lũ rất cần đồ ăn, nước uống. Nhưng những người ở điểm sơ tán tập trung, nơi trú ẩn tại nhà của mình trên tầng cao vẫn thiếu những thứ mà “chúng ta chưa nghĩ tới, như băng vệ sinh cho phụ nữ”. Lúc đó, quần áo của người dân cũng không đủ khô để mặc, họ cần những đồ mặc một lần trong một ngày rồi bỏ đi.

Điểm sơ tán tránh bão lũ thiếu thốn những thứ chúng ta chưa nghĩ tới - 3

Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

“Bà con vùng lũ rất cần những loại thuốc thông dụng như đau bụng, sốt… để cầm chừng trong một vài ngày vì không tiếp cận được với y tế. Do đó, bà con thường tự ứng cứu theo kinh nghiệm dân gian”, bà Thắm cho biết.

Cũng theo bà Thắm, đối với vùng đặc biệt khó khăn và nguy hiểm, người dân sẽ được chính quyền sơ tán để các trường học, trạm y tế cao tầng. Những khu vực sơ tán này thường có đội ngũ y tế các xã vùng cao về hỗ trợ bà con.

Tuy nhiên, tại các điểm sơ tán tập trung an toàn, cộng đồng dân cư ở nơi đó nhiều khi lại khó tiếp cận dịch vụ y tế hơn. Trong thực tế lũ lụt tại các điểm sơ tán này đã xảy ra một vài trường hợp người dân bị bệnh khẩn cấp như đau ruột thừa, lúc này lực lượng cứu hộ dù có nguy hiểm cũng phải đưa người bệnh đến viện kịp thời. Nhưng ở tình huống này, lực lượng cứu hộ sẽ phải tính toán đến đối tượng ưu tiên trước-sau.

“Đối với trẻ em và người già, khi di chuyển đến nơi sơ tán chính quyền đã hướng dẫn không chỉ di chuyển người mà kèm theo thức ăn, nước uống, thuốc men cho đối tượng đặc biệt như người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh kinh niên,…”, bà Thắm cho biết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận những điểm sơ tán tránh trú bão tập trung ở một số địa phương còn tồn tại một số bất cập. 

"Các điểm sơ tán tránh trú bão tập trung thời gian qua ở miền Trung đã bảo vệ tính mạng của người dân rất tốt. Nhưng những điểm sơ tán này chưa đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt của người dân được như bình thường, có thể nói là còn đang ở mức độ thấp", ông Hoài cho biết.

Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết thêm, nhiều điểm sơ tán dân ở tầng 2 của những công trình công cộng như trường học, trụ sở UBND... thường không gian chật chội vì số lượng người đông, không bố trí phòng ở riêng cho trẻ em và phụ nữ. Đặc biệt, những nhiều khu vực sơ tán tập trung như này thường không có nhà vệ sinh, đây là những điều kiện tối thiểu không có nên cuộc sống của người dân đến đây sơ tán "vô cùng khó khăn".

Điểm sơ tán tránh bão lũ thiếu thốn những thứ chúng ta chưa nghĩ tới - 4

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai.

"Những nhu cầu tối thiểu như vậy sẽ là vấn đề đặt ra đối với các điểm sơ tán tập trung mà chính quyền địa phương cần phải quan tâm. Một vấn đề nữa là những điểm sơ tán dân nơi công cộng, khi xây dựng thường làm bằng cửa kính, khi có gió bão mạnh cửa kính rất dễ bị vỡ, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng người dân", ông Hoài nói thêm.

Còn liên quan đến vấn đề nguy cơ quấy rối hoặc đe dọa nói chung như UN Women đưa ra cảnh báo ở trên, ông Hoài cho biết, thực tế chưa ghi nhận việc này, nhưng đây là cảnh báo rất tốt để các cơ quan chuyên môn liên quan, chính quyền địa phương phải tính đến, phòng ngừa và ngăn chặn sớm.